| Hotline: 0983.970.780

Vinachem xin hoãn cổ phần hóa vì thua lỗ

Thứ Năm 16/02/2017 , 13:15 (GMT+7)

Bộ Công Thương vừa nhận được báo cáo từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) xin hoãn cổ phần hóa (CPH) với lý do...

Bộ Công Thương vừa nhận được báo cáo từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) xin hoãn cổ phần hóa (CPH) với lý do các đơn vị thành viên đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thậm chí có một số DN thua lỗ nặng.


CPH Đạm Ninh Bình đang gặp nhiều khó khăn do DN thua lỗ triền miên
 

Theo Vinachem, quy mô Tập đoàn đã được tăng lên rõ rệt nhưng năng lực tài chính còn hạn chế, vốn điều lệ chỉ 13.818 tỷ đồng, thiếu 2.200 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ được Chính phủ phê duyệt. Do đó, Vinachem gặp khó khăn về nguồn vốn trả nợ và triển khai các dự án đầu tư mới. 

“Đặc biệt, do tình hình thị trường không thuận lợi, lượng vốn của các DN hoá chất khi CPH là tương đối lớn, nên khó tìm được cổ đông chiến lược. Tỷ lệ nắm giữ của Vinachem ở các công ty còn cao khiến nhà đầu tư e ngại khi quyết định bỏ tiền ra mua cổ phần”, báo cáo cho hay. 

Đáng chú ý, tiến trình CPH tại Đạm Ninh Bình gặp nhiều khó khăn, cụ thể là việc quyết toán với nhà thầu Trung Quốc và việc quyết toán hoàn thành dự án. Bên cạnh đó là vấn đề xử lý lỗ luỹ kế của Cty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình. Nhà đầu tư chiến lược cho rằng, Đạm Ninh Bình sẽ được đầu tư với điều kiện loại trừ công nợ ngay trước khi mua cổ phần Nhà nước. Như vậy rõ ràng, việc CHP Đạm Ninh Bình chưa thể thực hiện được.

Theo số liệu từ Vinachem, Đạm Ninh Bình từ khi đi vào vận hành năm 2012 đến nay đều thua lỗ, năm 2016 dự kiến lỗ khoảng 1.078 tỷ đồng. Tính từ năm 2012 đến nay, DN này lỗ tổng cộng hơn 3.300 tỷ đồng. Cơ quan quản lý vẫn đang đắn đo giữa hai phương án: cho dừng hoạt động hay tiếp tục SX. Nếu tiếp tục SX, nhà máy đạm có vốn đầu tư 12.000 tỷ này sẽ thua lỗ khoảng 10% tổng vốn đầu tư, tức là 1.200 tỷ năm 2017.

“Do dự án này mới đi vào hoạt động nên lãi vay đầu tư, khấu hao lớn, đồng thời giá bán phân đạm urê trong nước và trên thế giới hiện xuống thấp, nên hiệu quả sản xuất kinh doanh bị lỗ”, Tập đoàn Hóa chất lý giải.

Do đó, Vinachem đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét cho phép lùi CPH Đạm Ninh Bình, cho đến khi những khó khăn của công ty được tháo gỡ và hoạt động SXKD của công ty có lãi, đảm bảo CPH có hiệu quả.

Báo cáo cũng cho biết, nhiều nội dung liên quan đến hợp đồng EPC với nhà thầu của Trung Quốc vẫn chưa thể đi đến thống nhất quyết toán. Ngoài ra, việc thoái vốn của Vinachem tại một số DN như Cty TNHH Nhựa và Hoá chất Vina, Cty TNHH Cao su Inoue... còn nhiều vướng mắc, liên quan đến nghĩa vụ tài chính khi góp bằng quyền sử dụng đất tại hai liên doanh.

Tại Cty Xà phòng Hà Nội, Vinachem đã tổ chức bán đấu giá hai lần nhưng thất bại. Tại Cty Cổ phần Pin - ắc quy Trần Phú, TGĐ công ty này không hợp tác và không cung cấp tài liệu theo yêu cầu, hiện đã bị bắt tạm giam do vi phạm pháp luật hình sự, do đó việc thoái vốn không hoàn thành theo kế hoạch. 

Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, Vinachem kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương cho phép Tập đoàn được chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình thoái hết vốn, bán bớt vốn tại các DN đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. 

Như vậy, Vinachem sẽ thực hiện CPH công ty mẹ Vinachem giai đoạn 2017 - 2019, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ 51 - 65% vốn điều lệ. Nhà nước có thể bán tối đa tới 49% vốn nắm giữ tại đây. Vinachem cũng đề nghị được tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu khi thực hiện CPH công ty mẹ Vinachem, mức tăng vốn là 5.000 tỷ đồng. 

Tập đoàn lên kế hoạch bán hết vốn tại một loạt công ty con: Cty Xà phòng Hà Nội, 26,99% vốn tại Cty CP Sơn Tổng hợp Hà Nội, 36,1% vốn Cty CP Pin - Ắc quy Vĩnh Phú, 53,5% vốn Cty CP DAP số 2 Vinachem, 49% vốn của Cty CP Xuất nhập khẩu miền Nam…

Rõ ràng, việc bán cổ phần Nhà nước tại các DN thuộc Vinachem đang rất khó khăn. Lý do được đưa ra là các DN trực thuộc đang làm ăn thua lỗ, hoặc cầm chừng. Trong khi đó, vấn đề nan giải nhất là đất đai, tài sản được coi là “dễ tiêu hóa” nhất của DN, vẫn chưa được quyết định. Đây là thực trạng chung của nhiều DN trong quá trình CPH.

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm