| Hotline: 0983.970.780

Vinamit bắt tay người trồng mít

Thứ Năm 30/09/2010 , 10:09 (GMT+7)

Vinamit đã tiến hành ký hợp đồng với các nhà khoa học và người trồng mít nhằm hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm.

Vinamit ký hợp đồng hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu với các nhà khoa học và người dân trồng mít

Trong khuôn khổ hội thảo “Phát triển vùng nguyên liệu mít và chuối làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu” do Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại VN tổ chức tại TP.HCM, Vinamit đã tiến hành ký hợp đồng với các nhà khoa học và người trồng mít nhằm hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các lọai trái cây, củ quả sấy khô ở thị trường nội địa và xuất khẩu vẫn là rất lớn. Theo Hiệp hội Trái cây VN (Vinafruit), hàng năm nước ta sản xuất được khoảng 6 triệu tấn rau củ quả, trái cây nhưng chỉ mới đưa được phần nào chế biến thành sản phẩm sấy khô. Việc chưa khai thác hết sản lượng trái cây, củ quả hiện có là do thiếu sự liên kết “4 nhà” để định hướng trong khâu sản xuất và tiêu thụ...

Hơn nữa, các nhà khoa học cũng nhận định, hiện tại khâu yếu nhất trong sản xuất nông nghiệp, nhất là chế biến chính là ở khâu giống. Thực tế cho thấy, người nông dân và các chủ trang trại hiện cũng đang còn “bí” về các nguồn giống cây hay giống con phù hợp với nhu cầu thị trường và các nhà chế biến. Trong khi đó, nhà khoa học có khả năng nghiên cứu và lai tạo ra được nhiều loại giống phù hợp với nhu cầu thị trường thì lại không có ai đặt hàng.

Theo TS. Nguyễn Quốc Bình, Phó GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, hiện nay vai trò của công nghệ sinh học, trong đó cây trồng chuyển gen đang ngày càng có vị trí quan trọng và giúp rút ngắn thời gian lai tạo cũng như hạn chế dịch bệnh bằng cách cấy vào đó các loại gen kháng sâu bệnh. Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ Cty Vinamit cũng cho rằng, cần nghiên cứu ra bộ giống có tính ưu việt nhất, nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người dân mong muốn trong sản xuất sẽ thu hiệu quả kinh tế cao, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nhà chế biến.

Muốn có được điều đó, giải pháp cơ bản nhất là phải tạo ra được bộ giống tốt và kết hợp với kế hoạch canh tác bài bản. Chia sẻ về nguồn hàng xuất khẩu, ông Viên cho biết: “Có đến 80% lượng nông sản chế biến của Vinamit vẫn phải mua qua thương lái dù đã đặt trạm thu mua tại địa phương. Hiện Vinamit đang có kế hoạch tiêu thụ chuối với số lượng rất lớn, nhưng nhìn lại thực tế trong nước thấy có nhiều cánh đồng chuối lớn, xong chúng tôi kiểm tra lại không đủ sản lượng và chất lượng đáp ứng được cho chế biến xuất khẩu”.

 Nguyên nhân, theo ông Viên, do VN thiếu những giống cây chất lượng, năng suất cao dù mít và chuối là hai thứ cây phổ biến, dễ trồng. Ngoài ra, liên kết giữa DN và nông dân còn khó khăn do thói quen canh tác và buôn bán qua thương lái. Chính vì thế ngay từ bây giờ Vinamit muốn đặt vấn đề với nhà khoa học nghiên cứu một cách bài bản, khoa học, có kiểm chứng thiết thực hơn và đảm bảo là giống mít, chuối sạch bệnh. Sau đó Vinamit sẽ chuyển giao cho bà các nhà vườn trồng và bao tiêu luôn sản phẩm. Còn nếu không có được bộ giống mới phù hợp dùng cho chế biến thì việc định hướng sản xuất và tiêu thụ sẽ rất khó.

“Kế hoạch sản xuất của Vinamit năm 2011 nhu cầu nguyên liệu sẽ cần 132.000 tấn mít, 21.500 tấn chuối, 8.000 tấn khoai lang, 6.000 tấn khoai môn và 6.000 tấn dứa… Do vậy người nông dân và chủ trang trại có thể tham gia và ký hợp đồng cung ứng. Dự kiến với 5 nhóm sản phẩm này DN sẽ đầu tư khoảng 400 tỷ đồng…” - ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.
Trước đây đã từng có DN đặt hàng cho nông dân trồng cây, nuôi con nhưng lại chẳng hướng dẫn được cho bà con mua giống gì, ở đâu…Một bài toán kinh tế đặt ra buộc người nông dân phải tự cân nhắc, nếu chấp nhận sử dụng giống trôi nổi trên thị trường thì rất phập phồng vì có thể sẽ rơi vào thực trạng trồng cây mà không thấy ngày hái quả. 

Trao đổi với NNVN, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và trang trại VN cho biết, việc liên kết này nằm trong chương trình chuỗi phân phối thực phẩm mà hiệp hội đang làm dự án trình Bộ NN-PTNT để có sự chỉ đạo và thực hiện trên toàn quốc. Cũng tại hội thảo này, nhiều hợp đồng ghi nhớ giữa Cty Vinamit với các nhà khoa học và người dân trồng mít các tỉnh đã được ký kết.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.