| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh biệt một huyền thoại của đồng cỏ Việt Nam

Thứ Sáu 16/10/2015 , 07:35 (GMT+7)

Chiều 14/10, Anh hùng Lao động Hồ Giáo đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở Quảng Ngãi, hưởng thọ 86 tuổi./ Vĩnh biệt Anh hùng Hồ Giáo

Cuộc đời Hồ Giáo bình dị, lặng lẽ nhưng thật hiển hách với sự đóng góp cần mẫn của một người nông dân thật sự trân trọng và yêu thương đồng ruộng quê nhà.

Năm 1960, nhà văn Hồ Phương có truyện ngắn “Cỏ non” đoạt giải thưởng của Báo Văn nghệ, tạo nhiều cảm mến đặc biệt cho người đọc qua nhân vật Nhẫn.

Dù nhà văn Hồ Phương chỉ dựa vào quan sát thực tế riêng, nhưng ai cũng nghĩ nhân vật Nhẫn lấy nguyên mẫu từ Hồ Giáo. Bởi lẽ, giữa nhân vật Nhẫn và Hồ Giáo có những điểm tương đồng kỳ lạ, đó là sự lao động tận tụy của họ với công việc chăm sóc đàn bò.

Hình ảnh Hồ Giáo hắt ánh sáng sang truyện ngắn “Cỏ non” và nhân vật Nhẫn tự nhiên song hành cùng Hồ Giáo qua bao nhiêu vui buồn.

Nghĩ đến Hồ Giáo, lại nhớ đến “Cỏ non”, và đọc “Cỏ non” không thể không mường tượng về Hồ Giáo. Sự gặp gỡ tình cờ ấy không phải gán ghép ngẫu nhiên, mà vì trong thâm tâm những ai quý trọng Hồ Giáo đều khao khát được huyền thoại hóa một người chăn bò vĩ đại.

Hồ Giáo sinh ra ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Nhà nghèo, lại đông anh em, Hồ Giáo sớm dừng ngang việc học hành để đi ở đợ và làm thuê làm mướn.

Số kiếp nhọc nhằn của Hồ Giáo đã kết thúc khi ông giác ngộ lý tưởng cách mạng. 18 tuổi, Hồ Giáo tham gia du kích ở địa phương. Năm 1954, Hồ Giáo tập kết ra Bắc.

Ông cũng như nhiều người miền Nam khác đã tin rằng, chỉ hai năm sẽ tái hợp cùng người thân. Không ngờ, phải 20 năm sau, Hồ Giáo mới được trở lại quê nhà, khi non sông liền một dải.

Hồ Giáo kể, món quà ông mang về cho bà con lối xóm sau hai thập kỷ cách biệt là… mấy cái lốp xe đạp. Vì Hồ Giáo được phong Anh hùng Lao động vào năm 1966, nên mỗi lần đi dự hội nghị đều được ưu đãi mua lốp xe đạp.

Ông để dành gần chục cái, và năm 1975 đã khiêng hết về Quảng Ngãi để tặng những người từng cưu mang ông lúc đói cơm rách áo thuở thiếu thời!

Những năm trên đất Bắc, Hồ Giáo nuôi bò ở Ba Vì (Hà Nội). Cuối thập niên 70 đầu thập niên 80, Hồ Giáo lại tiếp tục nuôi bò ở Bến Cát - Bình Dương. Hai giai đoạn nuôi bò ở hai vùng đất khác nhau, đều hun đúc một Hồ Giáo cặm cụi, chăm chỉ và nhiệt huyết trên những đồng cỏ mênh mông.

Hồ Giáo luôn xem đàn bò như những người bạn thân, ông đặt tên cho từng con, ông thuộc tính từng con. Hồ Giáo dầm mưa dãi nắng với đàn bò, và đàn bò cũng không phụ công ông.

Những đàn bò khỏe mạnh, những đàn bò sinh sôi nảy nở đã giúp người chăn bò lầm lũi được phong Anh hùng Lao động lần thứ hai vào năm 1986.

Nhiều người từng hồ nghi rằng, câu chuyện Hồ Giáo được dựng lên nhằm tuyên truyền và cổ vũ sản xuất nông nghiệp. Sự thật không phải vậy. Từ năm 1990, được nghỉ hưu theo chế độ, Hồ Giáo tiếp tục về quê chăn bò tại Nghĩa Hành - Quảng Ngãi.

Người viết bài này từng đến trại bò của Hồ Giáo khi ông đã vào tuổi tri thiên mệnh. Nhìn cách ông ôm từng bó cỏ cho bò ăn, nhìn cách ông tắm táp và vỗ về từng con bò, nhìn cách ông soi đèn vào chuồng bò đêm mưa để xem chúng có đủ ấm không, mới thấy rằng những câu thơ Tố Hữu viết về tình cảm của ông với con bò, trong bài “Gặp anh Hồ Giáo” vào năm 1972, vẫn còn nguyên giá trị: “Sớm chiều tôi với nó chơi thân/ Thiệt lòng tôi cũng thương nó nhiều phần”.

Ngôi nhà của Hồ Giáo cách trại bò gần 10 cây số, vậy mà mỗi ngày ông vẫn cuốc bộ đi chăn bò. Muốn tìm Hồ Giáo, đến trại bò dễ gặp hơn đến nhà ông.

Hồ Giáo ít nói, ông chỉ cười hiền hậu trước mặt người lạ. Thế nhưng, khi đề cập đến chuyện chăn bò, đôi mắt ông như sáng lên và ông có thể kể mạch lạc về đặc tính của mỗi giống bò, mỗi loại bò ra sao ở mỗi độ thời kỳ phát triển.

Vĩnh biệt ông, một huyền thoại của đồng cỏ Việt Nam. Tên tuổi Hồ Giáo sẽ còn nâng niu cùng sự bình yên, sự độ lượng và sự trù phú của đất đai quanh mình!

Đi theo cách mạng và mê mải chăn bò, vào tuổi 50 thì Hồ Giáo mới lấy vợ. Ông bảo: “Tui ít chữ, thấy thích người ta thì viết một lá thư mấy dòng bày tỏ tâm ý. Vậy mà người ta cũng đồng ý lấy tui”.

Vợ ông - bà Huỳnh Thị Thành rất hiểu chồng. Bà yêu tính tình mộc mạc của ông và yêu cả sự hăng say chăn bò của ông.

Không thể quên được giọng nói quê kiểng tuy nằng nặng nhưng cực kỳ ấm áp khi bà thổ lộ về chồng mình: “Tui có biết ổng là Anh hùng Lao động gì đâu. Tui chỉ thấy ổng hiền lành. Mọi thứ trong nhà tui lo hết, ổng chỉ chăn bò tối ngày thôi!”.

Số tiền trợ cấp Anh hùng Lao động mà mỗi tháng Hồ Giáo nhận được là 300 ngàn đồng. Lương hưu của ông hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Khi tiếp tục nuôi bò ở Nghĩa Hành thì có thêm gần 1 triệu đồng mỗi tháng. Ông sống đạm bạc với khoản thu nhập ấy, không thắc mắc gì, không đòi hỏi gì.

Ông bộc bạch chân thành: “Nuôi bò mà, bao nhiêu tiền đó cũng xứng đáng rồi!”. Khi nghe kẻ đối diện nói gần nói xa rằng, hai lần phong Anh hùng Lao động như ông thì lẽ ra phải có một chức vụ gì đó, Hồ Giáo khảng khái: “Tui cũng từng được gợi ý làm giám đốc nông trường, nhưng tui từ chối. Mỗi người làm một việc, làm đúng khả năng của mình!”.

Năm 2010, sức khỏe Hồ Giáo yếu dần. Ông rời khỏi trại bò để về nhà chữa bệnh. Sau nhiều đợt đau ốm triền miên, Hồ Giáo đã qua đời trong sự thanh sạch và đẹp đẽ của một người nông dân chân chính!

Bây giờ, người chăn bò lừng danh đã chia lìa những bờ tre, những bãi sậy, những ao đầm quê hương. Thế nhưng, hình ảnh Hồ Giáo nhỏ bé và tự tin giữa đàn bò hàng ngàn con, mãi mãi in đậm trong tâm trí của những người biết hướng đến ngày mai bằng sự lao động lương thiện và bền bỉ.

Thông điệp giản dị và đầy tự trọng “mỗi người làm một việc, làm đúng khả năng của mình” là một nhắc nhở cho những người đang sống và cho nhiều thế hệ sau.

Sài Gòn, 15/10/2015

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Nhận định Wolves vs Arsenal: Pháo thủ trút giận?

Trận đấu giữa Wolves vs Arsenal trong khuôn khổ vòng 34 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 20h30 ngày 20/4/2024 trên sân vận động Molineaux. 

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Malaysia: Giành vé đi tiếp?

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Malaysia trong khuôn khổ VCK U23 châu Á sẽ diễn ra vào lúc 20h00 ngày 20/4/2024 trên sân vận động quốc tế Khalifa. 

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm