| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh biệt thầy Hoàng Ngọc Hiến

Thứ Tư 26/01/2011 , 08:36 (GMT+7)

Ngay cả bây giờ thầy, khi đã không còn hiện diện trên cõi đời này, thì ánh sáng của sao Văn xương, Vũ khúc mà thầy Hiến khúc xạ đến chúng tôi vẫn còn rọi sáng...

Nhà văn, tiến sỹ Hoàng Ngọc Hiến
Sau 1954, trước đòi hỏi của phát triển đột biến các trường đại học; giảng viên thiếu trầm trọng, thầy Hiến đang là giáo viên cấp 3, được mời về đại học để dạy. TSKH Tâm lý học Phạm Hoàng Gia nói: “Tôi chưa thấy ai giảng Freud - một lý thuyết rắc rối và đầy rẫy sự đáng ngờ, mà giảng sáng rõ như anh Hiến”.

Nhưng không chỉ có truyền thụ kiến thức, thầy Hiến biết thoát nhanh khỏi bình nguyên của truyền thụ kiến thức, đưa học trò trên đôi cánh trực thăng lên tầng cao thăm thẳm của triết luận, của nguyên lý.

Là chuyên gia về văn học Nga Xô viết, khi được Thứ trưởng Bộ Văn hoá Hà Huy Giáp giao nhiệm vụ lập khoa Viết văn thuộc Đại học Văn hoá Hà Nội, ông hầu như chưa đọc văn học Việt Nam đương đại, “có loáng thoáng nghe tên Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh…nhưng chưa hề gặp một ai là nhà văn trẻ” vậy rồi Hoàng Ngọc Hiến đã lập ra một giáo trình, trước hết là không giống với các khoa văn trước đó ở Việt Nam và sẽ khiến các giáo sư ở Học viện Viết văn mang tên M. Gorky phải kính trọng. Lý thuyết của thầy thật đơn giản: “Đại học là nơi những người hiếu học đến để gặp những người tài giỏi".

Hai mươi lăm năm trước, thầy cho tôi cùng đi xem kịch Vampilov, do đạo diễn Lê Chức đang học ở Liênxô về dàn dựng và coi như đồ án tốt nghiệp của anh. Vampilov là kịch tác gia độc đáo và rất kén khán giả, ông chuyên chú về nguyên nhân/ quá trình băng hoại đạo đức của thời đại; đặc biệt ông chuyên chở những vấn đề to tát và mới mẻ trên con thuyền đơn sơ cũ kỹ, hệt như thầy Hiến của tôi.

Tôi nói hệt như là bởi, thầy Hiến luôn nói những vấn đề có tính khai sáng bằng những câu văn hoặc đã lỗi thời, hoặc đã bị vứt đi hay nếu còn dùng thì cũng không còn là chính nó. Năm 1986, cái máy điện thoại của Trường hay bị mất tín hiệu. Tôi đã từng viết về kỹ sư Quang, bấy giờ phụ trách Tổng đài 4 của Bưu điện Hà Nội. Quang học ở Hung, là người đã hoà mạng thành công điện thoại từ thạch (tín hiệu chuông reng reng) với điện thoại số (tín hiệu tút tút) mở đầu cho hội nhập thế giới telephon của Việt Nam. Vì có quen riêng, tôi được văn phòng cử đi nhờ sửa chữa. Có 3 thợ kỹ thuật đến sửa, có 4 bát phở Sinh hẳn hoi để cảm tạ, chúng tôi tin chắc máy sẽ không mất tín hiệu nữa. Nhưng thầy Hiến bảo nó sẽ lại hỏng, nó hỏng ở đâu ấy và rồi nó hỏng thật, sau hai ba ngày tút tút một cách gắng gỏi. Ôi, đường giây cũ kỹ chắp vá, lại ngoắc nhờ đường giây điện vốn đã bị ngoắc vô tội vạ bằng giây điện gia công để ăn cắp điện thì ai biết nó hỏng ở đâu? Nhưng nó hỏng ở đâu ấy thì hàm một nghĩa đã khác, rất khác!

Ngay cái thuật ngữ hiện thực phải đạo đã gắn liền với tên tuổi Hoàng Ngọc Hiến cũng hầu như chẳng còn giá trị tự thân. Vào năm 1979, dân gian không ai còn nói phải đạo như thời Nho giáo vẫn độc tôn. Đằng khác, khi Nho giáo còn độc tôn, chữ phải đạo chỉ có nghĩa ăn ở sao cho phải, cho đúng với bổn phận làm con, làm vợ, làm bề tôi. Khái niệm hiện thực trong lý luận văn học vào năm 1979 đã có thêm hiện thực huyền ảo Mỹ Latin, còn hiện thực phê phán và hiện thực xã hội chủ nghĩa thì không mấy ai mặn mà nữa. Nhưng khi Hoàng Ngọc Hiến đưa ra nhận định cái mà chúng ta gọi là hiện thực XHCN thực chất chỉ là thứ hiện thực phải đạo, nó chung chung nhạt nhoà, dường như nó chỉ để cho phải với cấp trên, với cái mà ta tưởng thế; thì hiện thực phải đạo chợt sống động, lập tức nó soi sáng một quá trình tư duy, nó can dự để không một ai còn dám thản nhiên viết như từng viết nữa, dù để giữ vững lập trường, nhiều người đã phê phán ông. Người phê phán Hoàng Ngọc Hiến gay gắt nhất là Chế Lan Viên thì sau đó rút vào im lặng, dành hẳn 10 năm cuối đời để viết các tập Di cảo, viết khác hẳn trước để làm nên giai đoạn thơ thứ ba và là giai đoạn huy hoàng nhất của Chế.

Nhưng dường như hiện thực phải đạo không chỉ có thế.

Nhà văn, tiến sỹ Hoàng Ngọc Hiến đã trút hơi thở cuối cùng vào 23h ngày 24/1/2011 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội. Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21/7/1930 tại quê nhà Đức Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh; làm nghề dạy học từ 1949 đến khi nghỉ hưu, là người sáng lập Trường Viết văn Nguyễn Du và do đó, là thầy của nhiều nhà văn nổi tiếng.
Với riêng tôi, nó còn là văn hoá ứng xử với ít nhiều trung dung của Nho gia. Khi đưa ra thuật ngữ hiện thực phải đạo, thầy Hiến chưa nghiên cứu kỹ về phương Đông. Hơi lạ là thầy nghiên cứu Khổng Tử, Lão Tử qua các tác giả Pháp, Mỹ. Cuối thập niên 80 (XX) từ Mỹ về, thầy mang về một cái compute cũ; khi tôi đến thăm, thầy bảo tôi theo lên gác, mở máy, cài đĩa CD khoe với tôi về cuốn từ điển điện tử. Tôi còn nhớ như in vẻ mặt sảng khoái đầy háo hức khi thầy vừa nhấn chuột vừa nói: Để hiểu tóm tắt về Khổng Tử, máy giúp anh tra cứu 10 bài; để hiểu sâu hơn, máy có ngay 100 bài cho anh đọc; nó sẽ làm thoả mãn mọi kẻ háu đói kiến thức.

Rồi thầy bàn với tôi về đạo trung dung, với ví dụ là: Cứng cỏi như Chu Văn An xứng làm thánh nhân đã vậy, nhưng mềm mại giữ gìn như Liễu Hạ Huệ cũng là thánh nhân! Vâng, chính là thầy Hiến chứ không phải ai khác đã giúp tôi đứng vững trước mọi chao đảo; tôi vồn vã với đổi mới nhưng không thấy ai trong quá khứ cần phê phán kịch liệt, cũng như không hùa theo những kẻ nhân danh đổi mới để mưu cầu lợi danh. Giả dụ bây giờ cho tự do viết, tôi vẫn sẽ viết như từng viết, dũng cảm trung thực nhưng mềm mại.

Một trăm đêm đầu tiên tôi có mặt trên đời đã được ngủ trong ánh đèn dầu lạc. Khi đóng sách vở cho tôi đi học, cha tôi có giải thích người làm thế là để có tiêu điểm cho các sao văn xương vũ khúc và thiên lương biết lối đi về với đầu óc tăm tối của tôi và con người nói chung. Từ nay, tức là năm lên bẩy tôi sẽ phải tự thắp lấy ngọn đèn dầu lạc cho mình. Tôi tự thấy ánh mắt háu đói tri thức chính là ngọn đèn dầu lạc đời tôi và nhờ nó, tôi đã gặp được những người thầy giỏi, trong đó có thầy Hiến mà tôi học được nhiều hơn rất nhiều người đồng môn… 

Ngay cả bây giờ thầy, khi đã không còn hiện diện trên cõi đời này, thì ánh sáng của sao Văn xương, Vũ khúc mà thầy Hiến khúc xạ đến chúng tôi vẫn còn rọi sáng...

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm