| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Linh kiên cường

Thứ Năm 21/11/2013 , 10:15 (GMT+7)

Dù bị bão tố dồn dập nhưng không thể khuất phục được ý chí của người dân Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cả huyện đang nắm chặt tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM một cách kiên cường.

Dù bị bão tố dồn dập nhưng không thể khuất phục được ý chí của người dân Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Cả huyện đang nắm chặt tay thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM một cách kiên cường.

Nông nghiệp đột phá

Đi qua nhiều làng quê của huyện Vĩnh Linh bây giờ vẫn còn thấy tàn dư của cơn bão số 10 và 11 phá hoại phần lớn vườn cây kinh tế của bà con. Song bản tính của người Vĩnh Linh là vậy, càng khó khăn thì càng kiên cường, bất khuất, luôn xứng đáng với tên gọi “đất thép” của mình.

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, chia sẻ, nền kinh tế nông nghiệp được tổ chức có chiều sâu mà huyện đã sớm hoạch định từ nhiều năm trước đã sớm giúp Vĩnh Linh ổn định và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trong đó đáng chú ý là công cuộc xây dựng NTM ở địa phương đang có kết quả tốt. Đến nay, huyện đã hoàn thành phê duyệt đề án xây dựng NTM cho 100% số xã.

Để phát triển NTM, huyện Vĩnh Linh rất chú trọng huy động nguồn vốn xây dựng sở hạ tầng. Ông Hiền cho biết thêm, cùng với ngân sách Trung ương, UBND tỉnh phân bổ, huyện đã lồng ghép các chương trình dự án và trích ngân sách địa phương ưu tiên hỗ trợ cho các xã điểm NTM của tỉnh, của huyện với tổng số vốn 38 tỷ đồng. Trong đó vốn dành cho kiên cố hoá kênh mương hơn 5,5 tỷ đồng, vốn làm đường giao thông nông thôn hơn 11 tỷ đồng, vốn làm nước sạch gần 3,2 tỷ đồng... Ngoài ra, mỗi năm huyện đã huy động nguồn vốn xây dựng NTM đạt 5 đến 6 tỷ đồng từ sự đóng góp của nhân dân.


Thu nhập từ trồng cây cao su đã cải thiện đáng kể đời sống người dân Vĩnh Linh

Bước đột phá quan trọng của Vĩnh Linh là lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Toàn huyện hiện có gần 7.000 ha cao tiểu điền, trong đó có gần 4.500 ha đã cho khai thác mủ, mang lại thu nhập hằng năm trên 450 tỷ đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và thu nhập của nông dân. Ngoài ra, huyện còn có 6.800 ha lúa, 840 ha hồ tiêu, 2000 ha lạc, hơn 740 ha nuôi trồng thủy sản.

Huyện Vĩnh Linh đã có 342 trang trại cao su đạt tiêu chí của Bộ NN-PTNT, chăn nuôi từ nhỏ lẻ chuyển sang trang trại lớn, phát triển mô hình thâm canh, nâng cao giá trị thu nhập. Những mô hình lúa-cá-vịt, V-A-C-R tiếp tục phát triển từ khi công cuộc dồn điền đổi thửa của huyện thành công.

Ngoài ra, còn có 9 dạng mô hình kết hợp trên 4 vùng kinh tế của huyện, nhằm khai thác thế mạnh các tiểu vùng như ném (thuộc họ hành tỏi, còn gọi là hành tăm - PV) xen ngô đông xuân, dưa hấu, môn xen khoai lang gối sắn dây, lạc đông xuân, mướp đắng. Theo tính toán chưa đầy đủ thu nhập bình quân năm 2013 của huyện Vĩnh Linh đạt gần 23 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Hiền, thời gian tới, huyện tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đẩy mạnh xây dựng NTM làm nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn; chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông-lâm-hải sản, phấn đấu đến cuối năm 2015, bình quân thu nhập đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh đã đề ra.

Nhận thức của người dân không ngừng nâng cao

Nhìn lại kết quả thực hiện xây dựng NTM điều đáng quý nhất của Vĩnh Linh là nhận thức của người dân về chủ thể, nội dung phương thức thực hiện, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình MTQG xây dựng NTM luôn được nâng cao. Toàn bộ hệ thống chính trị các cấp đã vào cuộc bắt tay xây dựng NTM một cách mạnh mẽ.

Công tác tuyên truyền, vận động luôn được các cấp uỷ đảng, tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục cả chiều rộng và chiều sâu. Huyện Vĩnh Linh đã phê quyệt kế hoạch nhiệm vụ và chương trình hành động xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Tổ chức 8 lớp tập huấn, trong đó 5 lớp cho cán bộ chủ chốt xã và 3 lớp tại xã cho BQL xã và Ban phát triển thôn với tổng số 500 lượt người tham gia.

Bên cạnh huy động các nguồn lực, các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân còn tham gia phát động phong trào cải tạo vườn tạp, chặt bỏ cây bụi rậm, nạo vét cống rảnh, kênh mương. Hội Phụ nữ với phong trào nhà sạch, ngõ sạch, bếp sạch. Đoàn Thanh niên với phong trào giữ gìn an ninh trật tự, đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, thu dọn rác thải khu dân cư, rác thải các bao bì, chai lọ trong sản xuất nông nghiệp, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm...

Điển hình trong đó có nhiều bà con nhân dân các xã như Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Thành... tự nguyện hiến đất, hiến cây, tháo gỡ các công trình nhỏ của gia đình góp phần vào việc xây dựng NTM trị giá hàng tỷ đồng. Đặc biệt xã Vĩnh Thạch là một trong 3 xã của cả nước được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chọn bảo trợ xây dựng NTM. Niềm vinh dự và nguồn động viên tinh thần, vật chất này thực sự tạo đà cho Vĩnh Thạch phấn đấu xây dựng NTM về đích đúng lộ trình. Hiện Vĩnh Thạch đã đạt được 15/19 tiêu chí.

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh, nhận xét trong quá trình xây dựng NTM, huyện Vĩnh Linh cùng một lúc thực hiện tốt 2 nội dung quan trọng nhất là tổ chức tốt sản xuất và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn, điều này rất đáng hoan nghênh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.