| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc cuống cuồng “cấy chạy”

Thứ Năm 04/03/2010 , 15:30 (GMT+7)

Trong khi hầu hết các tỉnh ĐBSH đã cấy xong vụ ĐX 2009-2010 một cách yên ổn thì hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang “quàng chân lên cổ” đi vét nước sông Hồng để cấy. Vì “cố thủ” giữ lịch cấy xuân muộn nên tỉnh này đã tự làm khó mình.

Nhiều diện tích lúa đã cấy tại Vĩnh Phúc bắt đầu dính hạn
Trong khi hầu hết các tỉnh ĐBSH đã cấy xong vụ ĐX 2009-2010 một cách yên ổn thì hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang “quàng chân lên cổ” đi vét nước sông Hồng để cấy. Dù đã được cảnh báo trước về nguy cơ thiếu nước, nhưng vì “cố thủ” giữ lịch cấy xuân muộn nên tỉnh này đã tự làm khó mình.

5 ngày nữa không nước thì nguy!

Dọc theo vùng lúa trọng điểm dọc sông Hồng của Vĩnh Phúc thuộc huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc thời điểm này, chúng tôi không khỏi lo lắng khi đã hết lịch thời vụ cấy vụ ĐX 2 ngày nhưng nhiều cánh đồng vẫn còn trơ trọi, nứt nẻ chưa có bóng cây mạ.

Nghỉ tay cuốc bên thửa ruộng vẫn đang khô rang, anh Hoàng Xuân Diệu (thôn Phù Cốc, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường) lo ngay ngáy: “Vụ này nhà tôi có mỗi 3 sào đất lúa nhưng hiện vẫn còn gần 1 sào đất này chưa có nước cấy. Đáng ra thì khu ruộng trũng này đã cấy trà xuân sớm từ trong Tết nhưng đang làm đất dở thì ao đầm không còn nước nên bị “mắc kẹt”, đành phải để chờ nước cấy theo trà xuân muộn. Thế nhưng từ Tết ra đến giờ đợi mãi nước vẫn không có. Bây giờ đã hết lịch cấy rồi, đành cuốc đất sẵn, may ra vài ngày nữa có nước thì cấy, không thì trồng ngô đậu vậy”.

Đứng tần ngần ở khu ruộng cấy trà xuân sớm đã nứt nẻ bên cạnh, nông dân Trần Đức Thọ ái ngại cho biết có gần nửa hộ dân trong thôn Phù Cốc hiện chưa cấy xong vụ ĐX. Sợ quá muộn thời vụ, nhiều hộ đành phải gắng “cấy khan” (cấy khô) vì nước không đủ. Ông Hoàng Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Tam Phúc dẫn chúng ra đồng đổ mồ hôi lo lắng: “Hầu hết diện tích lúa xuân sớm hiện đã khô nứt nẻ và bắt đầu…héo! Một số ruộng đã ngả màu vàng, có biểu hiện bệnh. Còn diện tích trà xuân muộn vừa cấy xong cũng đã lập tức hết nước. Khoảng 5 ngày mà không có nước thì lúa trà nào cũng gay go hết”.

Ông Hà cho biết vụ ĐX 2009-2010 theo chỉ đạo của huyện, xã vẫn đẩy gần 60% diện tích lúa sang trà xuân muộn giống như mọi năm. Không ngờ vướng chuyện nước. “Lịch thời vụ của huyện, tỉnh đặt thì địa phương phải tuân theo. Nhưng tôi mà biết trà muộn năm nay khổ vì thiếu nước thế này thì thà đẩy hết sang cấy trà chính, thà năng suất thấp hơn chút nhưng chắc ăn hơn” - ông Hà thẳng thắn.

Do EVN cắt nước sai lịch?

Ngược sang 2 trạm bơm Liễu Trì và Đại Định, hệ thống máy bơm chính tại đây hiện đã bị tê liệt hoàn toàn. Để cấp tốc có nước cấy, hàng chục chiếc máy bơm dã chiến đang phải chạy hết công suất 24/24h. “Cả 4 máy bơm dã chiến hiện đang phải chạy quá sức, có nguy cơ bị cháy do mực nước sông không đủ lấp miệng hút”- ông Lê Tiến Đắc, Trạm trưởng trạm bơm Liễu Trì lo lắng.

Trong khi các tỉnh đã cấy xong xuôi thì hệ thống máy bơm dã chiến ở Vĩnh Phúc đang “vắt sức” vét nước để cấy

Tuy nhiên cũng theo ông Đắc thì với hơn 100 ha lúa trạm bơm phải phục vụ hiện vẫn chưa có nước để cấy, dù có cố gắng đến mấy cũng khó có đủ nước cấy theo đúng lịch thời vụ (hạn cuối đến ngày 5/3 theo chỉ đạo của Cục Trồng trọt). Vì vậy sẽ có ít nhất 27 ha đất lúa thuộc các xã Phú Đa, Vĩnh Thịnh… (Vĩnh Tường) phải chuyển làm màu.

Còn theo ông Nguyễn Gia Quyền, GĐ Cty TNHH MTV Thuỷ lợi Liễn Sơn gánh vác việc cấp nước cho gần 2/3 diện tích lúa của tỉnh thì đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 200 ha ruộng do Cty đảm nhiệm cấp nước vẫn chưa có nước cấy. Để cứu vãn, UBND tỉnh đã quyết định huy động 20 máy bơm dã chiến tại trạm bơm Đại Định, 10 máy dã chiến tại trạm Bạch Hạc, 4 máy tại Liễu Trì…Tuy nhiên hiện mới chỉ mua và lắp đặt được 10 máy (với tổng công suất 8.000m3/h) do việc mua máy bơm rất khó. “Chúng tôi đang phải chạy đôn chạy đáo xuống các NMSX máy bơm ở Hải Dương để đặt hàng loại máy bơm dã chiến cỡ lớn do các cỡ máy này không SX sẵn”.

Lí giải về nguyên nhân khiến Vĩnh Phúc rơi vào cảnh “mắc kẹt”, ông Quyền kêu trời: “Theo lịch xả nước đã được Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất thì vụ ĐX 2009-2010 dự kiến sẽ có 3 đợt xả (đợt 1 từ 26/1-3/2, đợt 2 từ 7/2-13/2, đợt 3 từ 22 đến 24/2). Do nhiều huyện của Vĩnh Phúc, mà đặc biệt là 2 huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường có tới hơn 90% diện tích cấy tập trung vào trà xuân muộn nên chúng tôi cứ đinh ninh là sẽ tập trung lấy nước đủ vào lần xả thứ 3 của EVN.

Trao đổi với NNVN, Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi Đàm Hoà Bình khẳng định, để đảm bảo khung thời vụ tốt nhất, theo truyền thống vụ lúa xuân ở miền Bắc phải gieo cấy xung quanh tiết lập xuân. Năm nay lại lập xuân từ trước Tết Nguyên đán (ngày 4/2/2010). Tuy nhiên theo tập quán, nhiều địa phương ở Vĩnh Phúc thường cấy trà xuân muộn sau Tết. Vì vậy mới xẩy ra việc “lệch pha” như vậy!

Thế nhưng không hiểu vì sao đến ngày 22/2, chúng tôi mới ngã ngửa khi EVN đưa tin trên truyền hình là sẽ cắt đợt xả nước lần 3 để tiết kiệm nước do các tỉnh ĐBSH đã cấy xong. Họ có biết đâu lúc đó hơn 90% lúa xuân muộn của Vĩnh Phúc vẫn chưa cấy. Cả tỉnh nháo nhào hết cả lên".

Ông Quyền kể, nông dân còn đem cả mạ, phân bón lên tận UBND huyện đòi trả lại cho cán bộ. Sau khi biết chuyện, Cục Thủy lợi, EVN mới về kiểm tra và quyết định cho xả tiếp đợt 3 (từ 5h ngày 25/2 đến 18h ngày 26/2). Thông báo là vậy nhưng thực ra họ lại chỉ xả nước có một ngày. Đến 8h sáng 26/2 họ đã cắt (ít hơn thời gian thông báo xả khoảng 10 tiếng). Cùng với việc mực nước sông Hồng xuống quá thấp, việc EVN “ăn bớt” thời gian xả nước như vậy khiến tới bây giờ vẫn chưa bơm đủ nước để cấy.

Ở một phương diện khác, ông Quyền cho rằng “trục trặc” trong việc xả nước là một chuyện, nhưng xét cho cùng thì việc các địa phương cố tình giữ lại lịch thời vụ tập trung vào trà muộn cũng là rất mạo hiểm bởi năm nay tình hình hạn nặng đã được báo trước. “Dẫu biết Vĩnh Phúc có đặc thù lúa xuân muộn có năng suất cao. Tuy nhiên với năm hạn nặng, mà lại được cảnh báo từ trước như năm nay thì không nên mạo hiểm giữ lại lịch như mọi năm”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất