| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc đảm bảo an toàn đê điều

Thứ Sáu 21/12/2018 , 10:05 (GMT+7)

Hiện các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đảm bảo an toàn, các hoạt động vi phạm Luật Đê điều ngày càng giảm, ý thức của người dân cũng được nâng lên.

Hệ thống đê vững chắc

Tỉnh Vĩnh Phúc là nơi hợp lưu của 3 con sông lớn là sông Hồng, sông Lô và sông Phó Đáy, kết hợp với hệ thống sông suối nội đồng xen kẽ đã tạo nên một hệ thống đê điều gồm 4 tuyến đê sông chính (tả Hồng, tả Lô, tả Phó Đáy, hữu Phó Đáy); 2 tuyến đê nội đồng (đê sông Phan - Sáu Vó; đê sông Cà Lồ) và 1 tuyến đê bối sông Hồng. Tổng chiều dài các tuyến đê 152,7km (trong đó có 91km đê từ cấp I - cấp III; 32,2km đê cấp IV; 29,5km bờ bao sông nội đồng). Đây là hệ thống đê phòng lũ rất quan trọng bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân trong tỉnh và một phần khu vực thuộc tỉnh Bắc Ninh, TP Hà Nội.

11-05-53_nh_2
Hệ thống kè bờ sông được lát đá, bê tông kiên cố

Đê tả sông Hồng: Là tuyến đê cấp I có tổng chiều dài là 28,770km, bắt đầu từ xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường kết thúc tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc. Đê có cao trình đỉnh đê hiện tại từ (+17,51m) - (+19,80m) đảm bảo cao trình thiết kế, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1971 từ 1,2 - 1,6m.

Mặt đê được thiết kế rộng 24m, kết cấu mặt bằng bê tông xi măng với mặt. Tại đoạn từ K0-K17+950 - địa phận huyện Vĩnh Tường, tuyến đê đã thi công cơ bản toàn bộ nền đường đến lớp K95, K98 theo thiết kế và hoàn thiện mặt đường bê tông xi măng. Đã cứng hóa được 15,633Km mặt đê một làn đường và 2,2 km mặt đê hai làn đường.

Trước khi thực hiện dự án toàn tuyến có 24km cơ đê phía sông và 28,2km cơ đê phía đồng. Do thực hiện dự án mở rộng nền đê nên đã bỏ các vị trí có cơ cũ và đắp mở rộng đê trùm lên hệ thống các cơ đê.

Thân đê, nền đê: Các đoạn đê có nền địa chất yếu, các vị trí có tổ mối đều được khoan phụt vữa, khoan cọc nhồi thân đê. Một số vị trí có ao, hồ ven đê được san lấp phía hạ lưu, làm sân phủ giảm áp phía thượng lưu. Một số vị trí có dòng chảy sát đê và các đoạn bị sạt lở bờ đã xử lý bằng giải pháp xây dựng hệ thống kè cứng lát mái trong khung bê tông và hệ thống các mỏ hàn chỉnh trị.

Đê tả sông Lô: Là tuyến đê cấp III, có chiều dài 27,9km, điểm đầu tuyến tại xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô điểm cuối tại xã Cao Phong, huyện Sông Lô. Hiện đê có cao trình từ (+18,22m) - (+21,38m), đạt cao trình thiết kế, cao hơn mực nước lũ lịch sử 1971 từ 0,6m - 2m.

Thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đê, một số đoạn đê tả Lô được mở rộng mặt cắt ngang từ 6m lên 9m (với tổng chiều dài đã thực hiện được khoảng 15,3km/27,9km). Hiện tại, toàn tuyến đê đã được cứng hóa bằng nhựa Asphalt trên mặt đê cũ với chiều rộng 5m.

Về thân đê, nền đê: Một số đoạn có nền đê yếu thường xảy ra rò rỉ, thẩm lậu, khi nước sông lên báo động II như đoạn Km17+700 - Km18+200 đã được xử lý khoan phụt từ những năm 2011.

Đê bối Vĩnh Tường – Yên Lạc: Chiều dài 27,130km. Điểm đấu nối với đê tả Hồng tại K4+600 (xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường); điểm cuối nối với đê tả Hồng tại K30+600 (xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc). Đê có cao trình từ (+14,06m) - (+16,72m), cao hơn mực nước thiết kế báo động III từ 1,06m - 1,52m và thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1971 từ 0,8m - 1,1m. Mặt đê rộng từ 5m - 7m; mái thượng, hạ lưu 1,5m. Toàn tuyến đã cứng hoá 100% mặt đê bằng bê tông với mặt đê 5m.

Đê Cà Lồ: Là đê sông nội đồng cấp V với tổng chiều dài là 23km, gồm tuyến tả Cà Lồ 9km và tuyến hữu Cà Lồ 14km. Tuyến đê Cà Lồ có cao trình, mặt cắt ngang đủ tiêu chuẩn đê cấp V; mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông với bề mặt rộng 4m - 5 m.

Hệ thống các kè lát mái chống sạt lở và các cống dưới đê đều đảm bảo chống được lũ thiết kế; các vị trí xung yếu đã được đầu tư xây dựng các điếm canh đê đạt tiêu chuẩn. Hiện tại trên tuyến đê tả Cà Lồ đang được xử lý mối, khoan phụt vữa, đổ bê tông mặt đường để đảm bảo an toàn đê phục vụ chống lũ và đảm bảo giao thông trong vùng.

Đê Sáu Vó: Là đê sông nội đồng cấp V với tổng chiều dài 6km. Đây là tuyến đê sông nội đồng hết sức quan trọng của tỉnh, có nhiệm vụ bảo vệ và chống úng ngập nội đồng cho một vùng rộng lớn thuộc các huyện Bình Xuyên, Yên Lạc và TP Vĩnh Yên.

Đến nay cao trình đỉnh đê và mặt đê được tôn cao mở rộng, mặt đê được bê tông hoá, mái và cơ đê dần được hoàn thiện để đảm bảo chống được lũ ngập úng lịch sử năm 2008.
 

Hướng đến tuyến đê kiểu mẫu

Đi thực tế tại tuyến đê tả sông Phó Đáy thuộc huyện Vĩnh Tường, chúng tôi thấy toàn tuyến được đầu tư có hệ thống, nhờ vậy đê đảm bảo an toàn, hành lang sạch đẹp. Hệ thống thân đê, mái đê, mặt đê… đều được đầu tư, tu bổ kiên cố. Hệ thống kè, cống, bờ sông… được lát đá, bê tông. Hành lang an toàn đê được chỉnh trang thông thoáng, không còn nơi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng, rác thải, không có hiện tượng lấn chiếm hành lang an toàn đê…

11-05-53_nh_1
 

Theo Hạt quản lý đê tả sông Phó Đáy, toàn tuyến đê có chiều dài 23,370km, bắt đầu từ xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương kết thúc tại xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, được phân thành ba cấp đê: Đê cấp IV dài 5km; Đê cấp III dài 2km; Đê cấp II dài 16,370km.

Cao trình đỉnh đê hiện tại từ (+19,80m) - (+20,84m) đảm bảo cao trình thiết kế. Mặt đê rộng 5m - 7m được cứng hóa bằng bê tông. Mái đê: Phía sông có mái bằng 2; phía đồng có mái bằng 3. Cơ đê: Phía sông có 13km, phía đồng có 15km.

Đối với thân đê, nền đê đã được xử lý được 6km mái đê lát đá trong khung đá xây vữa xi măng 100, dày 0,4m; Toàn tuyến đê tả Phó Đáy đã có 8,6km/23,370km đê được khoan phụt vữa.

Tuyến đê tả Phó Đáy có 5 hệ thống kè lát mái bảo vệ đê và 2 hệ thống kè lát mái bảo vệ bờ sông. Kè được xây dựng với kế cấu lát mái bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn trong khung bê tông; cao trình đỉnh kè từ (+13m) - (+14m). Đã hoàn thành được 12,1km/13,1km, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2018. Toàn tuyến đã bê tông hoá được 5km hành lang bảo vệ đê và đang tiếp tục đầu tư xây dựng các đoạn còn lại. Hiện nay một số đoạn hành lang từ K20+300 - K21+500 bị xuống cấp cần được đầu tư duy tu sửa chữa.

Theo ông Trần Bá Long, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê tả sông Phó Đáy: “Hệ thống đê tả sông Phó Đáy đều đảm bảo cao trình chống lũ, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Toàn hệ thống có hành lang đê phía đồng, rất thuận tiện cho việc quản lý tuyến đê, chống lấn chiếm vi phạm, đồng thời tạo nên trục giao thông đi lại cho bà con ở chân đê được thuận tiện. Dự án kè tả sông Phó Đáy đã được đầu tư xây dựng đến nay cơ bản hoàn thiện, nên hiện trạng xói lở bờ sông không có. Toàn tuyến không có hiện tượng hút cát, nên không có hiện tượng sạt lở”.

Cũng theo ông Long, với công tác tuyên truyền thường xuyên nên ý thức người dân ngày càng được nâng cao, các vi phạm về luật đê điều giảm đi. Song song với đó là thái độ kiên quyết xử lý các vi phạm, đã tạo cho tuyến đê bộ mặt mới, hướng đến tuyến đê kiểu mẫu của tỉnh.

“So với các tuyến đê khác thì tuyến đê tả sông Phó Đáy tốt hơn nhiều. Năm 2017, Hạt Quản lý đê đã đăng ký xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, phấn đấu đến 2020 trở thành tuyến đê kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc. Hằng năm chúng tôi mở các lớp tuyên truyền về luật đê điều, luật phòng chống thiên tai…các hộ dân ven đê hưởng ứng, tham gia đầy đủ. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền bằng hình thức lưu động”, ông Long hào hứng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đức Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc cho biết: “Hiện đê điều ở Vĩnh Phúc cơ bản đảm bảo an toàn. Đến nay 100% tủ sách pháp luật của UBND các xã và các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện có đê được trang bị tài liệu về Luật Đê điều; Luật Phòng, chống thiên tai… nên ý thức của nhân dân được nâng cao rõ rệt”.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực chỉ đạo vào cuộc ngăn chặn, xử lý ngay những vi phạm đê điều; không nể nang với tất cả các trường hợp vi phạm, tạo sự tin tưởng trong nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành Luật Đê điều, nhất là đối với các hộ đang sinh sống ven đê. Chỉ đạo các Hạt Quản lý đê phát động phong trào “Xây dựng tuyến đê điển hình - Hạt quản lý kiểu mẫu” và xây dựng “Quy chế phối hợp giữa Hạt với cấp chính quyền xã trong công tác quản lý bảo vệ đê điều”, ông Nguyễn Đức Sinh.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Quy hoạch vùng trồng hoa hồng lớn nhất tỉnh Kon Tum

Làng tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) được quy hoạch xây dựng thành vùng trồng hoa hồng Bulgaria lớn nhất Kon Tum.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm