| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc: Nâng lên tầm vóc mới

Thứ Năm 31/10/2019 , 09:02 (GMT+7)

Phát triển SX để nâng cao thu nhập cho người dân, là nội dung chính trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Vĩnh Phúc.

Một con đường nông thôn mới mở.

Trong 10 năm qua, nông nghiệp Vĩnh Phúc chuyển biến tích cực, phát triển toàn diện, SX gắn với xây dựng NTM đã giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
 

Mỗi huyện một vẻ

Có thể nói Vĩnh Phúc là một tỉnh điển hình của vùng trung du Bắc bộ. Câu hát “Quê em miền trung du/ Đồng quê lúa xanh rờn…” dường như nhạc sĩ sáng tác dành riêng cho Vĩnh Phúc. Địa hình Vĩnh Phúc từ núi, đồi cao, đồi thấp đến đồng bằng… cứ tuần tự từ bắc xuống nam. Có phải vì thế, mà các huyện, thành phố của Vĩnh Phúc mỗi nơi một vẻ, chẳng nơi nào giống nơi nào.

Vĩnh Phúc có 2 thành phố và 7 huyện. Cao nhất về địa lý, là huyện núi Tam Đảo, một vùng đất tiềm năng. Tam Đảo có Vườn Quốc gia Tam Đảo, thắng cảnh nổi tiếng của cả nước và cũng là nơi có khí hậu ôn đới cả 4 mùa, được ví như “Đà Lạt của miền Bắc” có nhiều thế mạnh chưa được khai thác. Tam Đảo còn có tiềm năng về cây rau màu canh tác ở vùng chân núi, mà nổi tiếng, đó là rau su su, thu hái quanh năm, “có ở Tam Đảo và chỉ có ở Tam Đảo”.

Sở dĩ nói như vậy, vì chỉ trồng ở Tam Đảo, cây su su mới cho những ngọn rau mỡ màng, đậm đà hương vị đặc trưng. Tam Đảo còn có rất nhiều danh thắng, tiềm năng du lịch phong phú. Tam Đảo hiện có tới 119 di tích lịch sử văn hóa…

Vĩnh Phúc có vùng đất cổ kỳ lạ, được gọi là vùng đất “thái cổ”, là Lập Thạch. Ngay cái tên cũng đã nói lên sự cổ kính. Lập thạch, có nghĩa là “đá dựng”. Những tảng đá lớn, dựng đứng, như để đánh dấu một khu vực, cho đến nay còn sót lại ở một số nơi. Lập Thạch là một huyện có nền đất trồi sụt, manh mún, canh tác rất vất vả, trong khi đa số người dân sống bằng nghề nông.

Lập Thạch có rất nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc có tập quán, phong tục khác nhau, sống độc lập, khép kín. Đó là một thử thách lớn cho chính quyền địa phương khi triển khai chương trình NTM trong huyện. Phải có chính sách, cách điều hành phù hợp, vẫn xây dựng NTM thắng lợi, mà không phá vỡ, làm xáo trộn phong tục, tập quán của từng dân tộc. Sao cho các dân tộc đoàn kết với nhau, cùng chung tay xây dựng NTM.

Vốn là anh em sinh đôi, huyện Sông Lô được tách ra từ huyện Lập Thạch, có cái khó là sinh sau đẻ muộn, là “đứa con mới ra ở riêng”. Nhưng dường như Sông Lô lại biến cái khó thành lợi thế, có điều kiện xây mới, làm mới tất cả. Nhờ vậy mà nhà mới xây, đường mới mở, khiến bộ mặt nông thôn Sông Lô nhanh chóng khởi sắc. Sức trẻ chuyển mình, chính là lợi thế của Sông Lô.

Vĩnh Tường có 3 con sông chảy qua, trong đó có 2 con sông lớn, là sông Hồng và sông Phó Đáy. Vĩnh Tường được ví như vùng đất “Địa linh nhân kiệt” của tỉnh, là huyện giữ nhiều kỷ lục của tỉnh…

Một khu công nghiệp trong tỉnh Vĩnh Phúc.
Khác với các huyện, hai thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên xây dựng NTM theo cung cách của thành phố. Vĩnh Yên đang chuẩn bị đón 120 năm ngày ra đời vào cuối năm nay. Và cũng cuối năm nay, Vĩnh Yên sẽ được công nhận là thành phố loại I. Nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Yên trong lòng thành phố công nghiệp.
Khác với thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên mới được công nhận là thành phố đầu năm 2018. Một thành phố rất trẻ. Nhưng dù “trẻ” và “bé”, Phúc Yên lại đang đóng góp cho ngân sách tỉnh tới hơn 80%. Thật đúng là “bé hạt tiêu”.

Bình Xuyên lại có đặc điểm riêng của một huyện ít núi nhiều đồng. Bình Xuyên không chỉ giữ gìn mà còn phát huy bản sắc văn hóa làng. Chính sự phát huy “văn hóa làng” giúp cho Bình Xuyên xây dựng NTM thuận lợi, là một trong 2 huyện về đích NTM sớm nhất tỉnh. Cũng là huyện củng cố, nâng cao các tiêu chí NTM đạt kết quả tốt, thực hiện đúng phương châm xây dựng NTM không có điểm dừng.
 

Hình thành những khu công nghiệp lớn

Mấy năm gần đây, Vĩnh Phúc liên tục mọc lên những khu công nghiệp (KCN), hầu hết lại là khu lớn, bề thế, ổn định. Trong 7 huyện và 2 thành phố, hầu như huyện và thành phố nào cũng có KCN. Có khu đang hình thành, đang xây dựng. Có khu đã hoạt động từ nhiều năm nay.

Tới thời điểm này, Vĩnh Phúc đã có tới 20 KCN, có 9 cụm công nghiệp. Các KCN mọc lên, Vĩnh Phúc có một bất lợi, là đất nông nghiệp phải dành cho xây dựng các KCN. Có xã ở huyện Bình Xuyên, như Bá Hiến, Thiện Kế…dành tới 1/3 đất nông nghiệp cho KCN.

Bù lại việc mất đất, các huyện, xã có điều kiện thu hút lao động địa phương vào làm việc với mức lương cao, ổn định, hấp dẫn giới trẻ. Có KCN, người dân được suất “ăn theo”, đó là cung cấp thực phẩm cho công nhân. Nhiều hộ đầu tư kinh phí, xây nhà trọ cho công nhân thuê, kiếm mỗi tháng từ chục triệu đồng trở lên.

Các KCN mọc lên, đồng thời mọc lên các trung tâm thương mại, các siêu thị, thậm chí các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp cũng được xây dựng. Hiện nay Vĩnh Phúc có tới 18 trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp tại các đô thị lớn, gần các KCN…

Trên tinh thần quy hoạch lại SX nông nghiệp, cơ cấu lại các ngành nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế của địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành. Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm. Quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của tỉnh đến năm 2020.

Về trồng trọt, nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào SX. Tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt gần 70% diện tích toàn tỉnh. Các cây rau màu có giá trị kinh tế cao như bí đỏ, bí xanh, cà chua, su su, dưa… được phát triển theo vùng SX hàng hóa, đạt 13.000 ha. Mô hình SX rau quả theo chuỗi giá trị đang từng bước phát triển, bước đầu có sản phẩm XK, trong đó thanh long ruột đỏ lần đầu tiên được chào hàng và XK thành công sang Malaysia. Sản phẩm ớt quả đã XK sang Hàn Quốc, Trung Quốc…

Phát triển vùng rau.

Chăn nuôi của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn 2010 – 2019, giá trị SX chăn nuôi tăng bình quân 6,02%/năm. Quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm của tỉnh đã có bước phát triển mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Đã hình thành một vùng SX hàng hóa tập trung, như vùng chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn... Phương thức chăn nuôi công nghiệp tiên tiến, hiện đại ngày càng phát triển. Đã có mô hình liên kết SX chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ công nghiệp, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2019 ước đạt 6.950 ngàn ha. Tổng sản lượng năm 2019 ước đạt 22 ngàn tấn, tăng 1,56 lần so với năm 2009. Đã xuất hiện nhiều điển hình thâm canh thủy sản và cải tạo vùng trũng cấy lúa vụ mùa bấp bênh sang SX 1 lúa + 1 cá có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, gấp tới 2 - 3 lần so với trước.

Tỉnh cũng chú trọng xây dựng nhiều mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên cây lúa, từ khâu gieo hạt, làm mạ, làm đất đến thu hoạch, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, tăng chất lượng nông sản, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trong SX nông nghiệp của tỉnh.

Với quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; người nông dân là chủ thể”, chương trình xây dựng NTM ở Vĩnh Phúc thấm nhuần tư tưởng “Cuộc vận động xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, không có điểm dừng”…

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất