Quyết liệt các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công
Một trong những kinh nghiệm hay được tỉnh Vĩnh Phúc áp dụng chính là coi đây là chỉ tiêu "cứng" để Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các sở, ngành, huyện, thành phố.
Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu, yêu cầu UBND cấp huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư và rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để sớm triển khai thi công các dự án.
Thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở cấp tỉnh và chỉ đạo thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn cấp huyện; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh theo sát tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo xử lý nghiêm các chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Với cách làm này, nhiều công trình, dự án dù ban đầu triển khai gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn hoàn thành đúng tiến độ cam kết.
Điển hình như dự án đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên với tổng chiều dài toàn tuyến 4,2km, tổng mức đầu tư trên 130 tỷ đồng. Quá trình triển khai thi công, dự án gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng do chưa nhận được sự đồng thuận từ một số người dân.
Song với phương châm mặt bằng sạch đến đâu thi công đến đó, đơn vị thi công đã chủ động tăng ca, huy động thêm nhân lực, máy móc gấp rút hoàn thiện các hạng mục, bảo đảm yêu cầu chất lượng. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng vận động, tuyên truyền để các cá nhân, tổ chức hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của dự án, nhanh chóng bàn giao mặt bằng triển khai dự án… Đến cuối tháng 8/2022, công trình đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên đã chính thức khánh thành.
Được khởi công xây dựng từ năm 2019, dự án xây dựng Trường THCS Vĩnh Tường giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 97 tỷ đồng. Trong quá trình thi công, dự án gặp khá nhiều khó khăn, phải thực hiện quy định giãn cách, thiếu nhân lực do ảnh hưởng dịch Covid-19 song nhà thầu đã tranh thủ thời gian, thực hiện đầy đủ quy trình, tiến độ, kỹ thuật xây dựng. Công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023 đã đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh, góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện.
Từ đầu năm đến nay, rất nhiều công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được hoàn thiện, bàn giao và đưa vào sử dụng như: Công trình cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 307 từ trung tâm huyện Lập Thạch đến Tuyên Quang, đoạn từ Km 16+600 đến Km 25+140; cầu Đầm Vạc; đường vành đai 4 đoạn Yên Lạc-Bình Dương; đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên, đoạn từ quốc lộ 2B đến quốc lộ 2C; đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn từ đường tỉnh 301 đến Khu du lịch sinh thái thung lũng Thanh Xuân, thành phố Phúc Yên; Quảng trường Văn hóa và Trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Yên Lạc…
Ngoài ra, có 3 công trình lớn trong lĩnh vực y tế mới được khánh thành là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và Trung tâm Y tế Tam Đảo giai đoạn 3.
Các công trình, dự án trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đã được bố trí cho 17 công trình và dự án chuyển tiếp, 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022.
Tính đến hết tháng 8/2022, ước thanh toán vốn đầu tư công đạt trên 3.634 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch vốn được giao và ước đạt trên 52% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.
So với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khá khả quan. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đặt ra đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Thực tế cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công không phải chuyện dễ bởi khi triển khai dự án sẽ liên quan trực tiếp đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cần tới sự đồng thuận cao từ người dân nhưng nơi nào người đứng đầu phát huy tốt vai trò, trách nhiệm thì dù khó khăn đến đâu cũng sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Yên Lạc - một trong những huyện đang dẫn đầu tỉnh về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng năm 2022. Để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được phân bổ hơn 600 tỷ đồng, ngay từ đầu năm, BTV Huyện ủy đã chủ động ban hành chỉ thị về thực hiện đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, đưa ra các biện pháp quyết liệt như: Thành lập các Tổ công tác; giao nhiệm vụ cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; yêu cầu chính quyền các địa phương đặt lộ trình cho từng dự án; thực hiện tốt từ khâu quản lý quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng đến cắm mốc quy hoạch, rà soát phân loại làm thủ tục trình thẩm định phê duyệt, quyết toán khi dự án hoàn thành; lựa chọn nhà thầu có năng lực tham gia đấu thầu… Với cách làm này, đến hết tháng 8/2022, lũy kế thanh toán vốn xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đã đạt 75% vốn kế hoạch năm 2022.
Quyết tâm bảo đảm giải ngân trên 95% vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm.
Đặc biệt, đối với các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình, các điều khoản hợp đồng đã ký kết và các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Một trong những việc cần làm ngay là tập trung nghiệm thu khối lượng theo tiến độ và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán. Riêng các dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng phải khẩn trương hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết toán, giải ngân vốn cho các nhà thầu đúng thời gian quy định; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và sẽ không ký kết hợp đồng đối với các nhà thầu tư vấn, thi công không có năng lực thực hiện.