| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc tăng 43 bậc về chuyển đổi số cấp tỉnh

Thứ Tư 17/08/2022 , 16:53 (GMT+7)

Bước đi đúng hướng, lựa chọn để đột phá, năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá xếp hạng thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 43 bậc so với năm 2020 về chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021. Kết quả xếp hạng đánh giá chuyển đổi số năm 2021 cho thấy Vĩnh Phúc đạt 0,4880 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh thành, tăng 43 bậc so với năm 2020. Trong đó, 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Vĩnh Phúc nằm trong top 10.

Đặc biệt trong 6 chỉ số chính thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung, Vĩnh Phúc xếp thứ 1/63 tỉnh thành về chỉ số thể chế số. Cùng với đó, các chỉ số nhân lực số, an toàn thông tin mạng xếp thứ hạng cao trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh với thứ hạng lần lượt là 3/63 và 4/63 tỉnh thành.

Từ kết quả đánh giá và xếp hạng của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, năm 2021, địa phương đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của chuyển đổi số trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến chuyển đổi số như kiện toàn Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh; Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị của UBND tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc; giao nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyển đổi số cho thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn; Quy định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số…

Các văn bản ban hành thể hiện rõ vai trò định hướng, dẫn dắt nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh đi đúng đường lối của Trung ương cũng như mục tiêu của tỉnh trong chuyển đổi số.

Kết quả xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh, Vĩnh Phúc tăng 43 bậc, so với năm 2020 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Kết quả xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh, Vĩnh Phúc tăng 43 bậc, so với năm 2020 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Kế hoạch số 327/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 xác định rõ, cần xây dựng các quy định, quy chế liên quan đến phối hợp triển khai chính quyền điện tử như thu thập, tạo lập, cập nhật, chia sẻ dữ liệu, khai thác thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận và sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Xây dựng các chính sách để huy động nguồn lực của các doanh nghiệp thông qua thuê, sử dụng dịch vụ. Xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa các nội dung về an toàn thông tin theo hướng quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin đối với tổ chức, cá nhân. Hoàn thiện việc tổ chức đánh giá xếp hạng chỉ số chuyển đổi số của các ngành, đơn vị, địa phương.

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nội dung chuyển đổi số vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số, ngày 16/5/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Chỉ thị số 23 ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng, "đưa đường chỉ lối" cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.

Thời gian tới, để giữ vững và vươn lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng DTI cấp tỉnh, Vĩnh Phúc xác định cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về thúc đẩy dịch vụ công thiết thực mức độ 3, 4, giai đoạn 2021-2025 với mục đích hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; UBND tỉnh ban hành, cập nhật bộ chỉ số chuyển đổi số áp dụng cho các cơ quan, đơn vị địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; cập nhật, sửa đổi Kế hoạch số 327/KH-UBND ngày 31/12/2021 về cải thiện và nâng cao chỉ số chuyển đổi số, giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với các tiêu chí tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/05/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông; điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số cho thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tại Quyết định số 488/QĐ-UBND ngày 14/3/2022 của UBND tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng số phục vụ xây dựng nền tảng số, dữ liệu số; củng cố an toàn thông tin, an ninh mạng (xây dựng Trung tâm giám sát an toàn, an ninh không gian mạng – SOC, triển khai hệ thống phòng chống mã độc, Virus, kết nối, chia sẻ thông tin tập trung); nâng cấp mạng máy tính, máy tính của các sở, ban, ngành của tỉnh; mạng máy tính, máy tính, máy in, máy quét cấp xã, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho cấp xã tham gia cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4, khai thác, vận hành hệ thống một cửa điện tử liên thông, triển khai các ứng dụng chuyên ngành, số hóa, cập nhật dữ liệu điện tử…

Phát triển dữ liệu số, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cổng dữ liệu mở, công cụ phân tích dữ liệu (hình thức thuê) cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, phân tích phục vụ sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo như: Cơ sở dữ liệu về đất đai, Hệ thống thông tin quản lý quy hoạch xây dựng, cơ sở dữ liệu về chủng loại, sản phẩm hàng hóa sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, cơ sở dữ liệu ngành công thương, ứng dụng du lịch thông minh. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm về công nghệ thông tin, hình thành đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực tham mưu xây dựng chính quyền điện tử.

Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia được ban hành tại Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/05/2022 của Bộ TT&TT.

Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh gồm 98 chỉ số thành phần với thang điểm đánh giá tối đa là 1.000 điểm, được cấu trúc theo 03 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số; bao gồm Thông tin chung, Chỉ số đánh giá gồm 9 chỉ số chính (6 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung, 3 chỉ số thuộc nhóm chỉ số nền tảng hoạt động).

Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 56 chỉ số thành phần, thang điểm tối đa là 500 điểm đánh giá về: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng và Đô thị thông minh. Nhóm chỉ số hoạt động gồm 42 chỉ số thành phần, thang điểm tối đa là 500 điểm đánh giá về: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.