| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc xây bệnh viện trong cụm công nghiệp: Bệnh nhi "được hưởng" ô nhiễm ở cấp độ nào?

Thứ Hai 22/07/2019 , 16:43 (GMT+7)

Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Bệnh viện Sản Nhi vào giữa hàng chục cơ sở sản xuất sắt thép, tái chế phế liệu. 

Các nhà máy thép bao vây Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc luôn sẵn sàng nhả khói, bụi suốt ngày đêm.

Bệnh viện Sản Nhi được xây dựng tại Cụm Công nghiệp Hợp Thịnh, huyện Tam Dương có vị trí tiếp giáp như sau: Phía Đông Bắc, cách dự án 50 m là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Nhất Hoàng Gia hoạt động chuyên tái chế phế liệu; Doanh nghiệp tư nhân Hòa Thủy hoạt động chế biến nông sản.

Phía Nam là Quốc lộ 2A. Phía Đông Nam, cách 30 m là các cơ sở sản xuất tái chế sắt thép như: Công ty TNHH Thụ Ngọc Hằng; Công ty TNHH Việt Nga; Công ty CP kinh doanh  thương mại và tư vấn đầu tư Việt Anh; phía Tây, giáp với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tiến Phát chuyên sản xuất gia công kết cấu thép.

Cách khoảng 1 km là các cơ sở sản xuất tái chế thép gồm Công ty CP Công nghiệp Việt Nam; Công ty TNHH sản xuất và thương mại thép Việt Nga; Công ty CP thép Trường Biện.

Sau khi quyết định xây dựng Bệnh viện Sản Nhi trong khu Cụm Công nghiệp Hợp Thịnh, vào tháng 10/2018, trong chuyến đi kiểm tra thực  tế tiến độ thi công bệnh viện, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng chợt nhận thấy nguy cơ ô nhiễm khi xung quanh bệnh viện có tới hàng chục cơ sở sản xuất thép.

Ngày 19/10/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 8118 yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức khảo sát lấy mẫu và phân tích đánh giá tổng thể hiện trạng môi trường không khí xung quanh khu vực dự án Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Tháng 12/2018, Sở TN-MT tỉnh đã tiến hành lấy mẫu quan trắc và phân tích chất lượng môi trường nền đối với không khí xung quanh môi trường Bệnh viện Sản Nhi. Kết quả cho thấy 6/7 vị trí có thông số vượt quá giới hạn cho phép theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Sở TN-MT cũng xác định nguồn thải ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến Bệnh viện Sản Nhi chủ yếu từ các cơ sở sản xuất sắt thép, tái chế phế liệu.

Quy hoạch bệnh viện vào giữa Cụm Công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ giải bài toán phá vỡ quy hoạch này như thế nào?

Cụ thể, khu vực Cổng Bệnh viện Sản Nhi tiếp giáp với Quốc lộ 2A (KK1), hướng Đông Bắc dự án giáp cơ sở tái chế phế liệu Nhất Hoàng Gia (KK5); Phía Đông dự án giáp Cty TNHH Thụ Ngọc Hằng (KK6); hướng cổng Cty CP Công nghiệp Việt Nam (KK7) nhiều vị trí có hàm lượng bụi mịn PM10 vượt quá giới hạn cho phép từ 1,07 đến 1,72 lần. Vượt cao nhất là tại vị trí KK5 nơi có cơ sở tái chế phế liệu Nhất Hoàng Gia.

Tại các điểm: phía Tây dự án giáp với Cty Tiến Phát (KK2); vòng xuyến quốc lộ 2C gần Công ty Trường Bảo Gia Hải cách dự án khoảng 300 m (KK3); hướng Bắc dự án tiếp giáp một số đơn vị kinh doanh (KK4)  thì 2/6 vị trí có hàm lượng bụi tổng TSP vượt ngưỡng cho phép từ 1,54 đến 2,63 lần.

Nguyên nhân cơ bản hàm lượng bụi TSP tại các vị trí trên là do nằm cuối hướng gió Tây Bắc chịu ảnh hưởng của khí thải từ các cơ sở sản xuất sắt thép: Cty TNHH Thụ Ngọc Hằng, Cty TNHH Việt Nga và Cty CP Việt Anh đặc biệt mức độ ô nhiễm cao hơn vào ban đêm khi các nhà máy sắt thép hoạt động.

Đối với thông số tiếng ồn, tại các vị trí KK2 và KK6 cũng cao hơn từ 1,02 đến 1,06 lần.

Kết quả quan trắc cho thấy chỉ số ô nhiễm không khí quanh Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cao gấp nhiều lần cho phép.

Rõ ràng, tỉnh Vĩnh Phúc đã sai hoàn toàn khi quyết định xây dựng Bệnh viện Sản Nhi vào giữa khu Cụm Công nghiệp Hợp Thịnh, bởi với thực trạng ô nhiễm nêu trên bệnh viện sẽ không đạt tiêu chuẩn về cơ sở khám chữa bệnh, nếu không khắc phục thì sức khỏe của các sản phụ và bệnh nhi sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường. Nhưng cũng không thể “lật kèo” ép các doanh nghiệp sản xuất sắt thép ra đi khi mà chính các lãnh đạo tỉnh đã kí phê duyệt Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp. 

Vậy Vĩnh Phúc sẽ làm gì để giải bài toán phá vỡ quy hoạch này?

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.