| Hotline: 0983.970.780

Virus Corona thử thách hôn nhân

Thứ Bảy 11/04/2020 , 14:10 (GMT+7)

Ở nhà ăn chơi không, có làm sổ sách giáo án mãi rồi cũng hết việc... Đó là lúc Vinh có dịp chứng kiến tận mắt cảnh tất bật từ sáng đến tối của vợ.

Ảnh mang tính minh họa.

Ảnh mang tính minh họa.

Cũng vì đại dịch Corona mà Vinh phải nghỉ dạy kéo dài. Ở nhà không chỉ là chuyện nhàn rỗi nhàm chán, anh còn phải đối diện với trách nhiệm gia đình giữa anh và vợ.

Từ trước đến nay Vinh vẫn được xem là chủ quản trong gia đình. Anh là giáo viên dạy toán ở trường cấp 3, ngoài giờ dạy ở trường anh còn dạy thêm ở trung tâm.

Về đến nhà, buổi tối anh soạn giáo án, chấm bài vở và sổ sách các thứ, cho nên mọi việc trong gia đình, từ cơm nước chợ búa cho đến dạy hai con nhỏ học chữ đều rơi vào tay Hiền, vợ anh.

Hiền có nghề bán giò chả. Hàng giò của cô bán đắt khách, giả sử nếu không có tiền của Vinh đưa về, cô bán giò chả vẫn đủ sức lo liệu nuôi hai con nhỏ.

Tại sao Vinh là người thuộc giới trí thức lại kết duyên với một phụ nữ lao động thuần túy, trong khi gia đình Hiền cũng không thuộc diện giàu có gì? Sở dĩ như vậy là vì hai người đã chơi với nhau từ thuở thiếu niên.

Họ ở gần nhà nhau. Hiền học chỉ tới lớp chín thì nghỉ, cô sớm theo phụ giúp mẹ buôn bán và chăm sóc cho các em. Vinh tốt nghiệp đại học sư phạm rồi đi dạy. Họ thành hôn với nhau, biết chồng bận rộn công việc, Hiền tự nguyện đảm nhận hết mọi việc cho Vinh được rảnh tay chuyên lo dạy học.

Về phía Vinh, anh đã quen được vợ lo liệu nên cũng không nghĩ ngợi nhiều về các việc đa đoan trong gia đình. Anh thuộc mẫu người không lo nghĩ sâu xa, vả lại anh là con một trong nhà, vốn đã quen được bố mẹ nuông chiều. Cho đến khi lấy vợ rồi có con cái, vẫn tiếp tục duy trì lối sống như trước. Mẹ của Hiền trước đây từng bảo rằng, “Mày mà lấy thằng ấy thì khổ, vì nó không phải là đứa biết lo.”

Nhưng Hiền vẫn cam lòng chịu đựng, lắm khi cô lấy mối giò chả xong đi bán ngoài chợ, rồi về đến nhà lại tíu tít với các công việc, kể cả đưa đón hai con đi học, có lúc cô phát đuối, kiệt sức phải nằm nghỉ gần cả ngày. Những việc như thế vẫn hay xảy ra, nhưng Vinh không hề lấy làm nghĩ.

Cho đến gần đây khi đại dịch Corona bùng phát khắp nơi. Các trường học phải đóng cửa để tránh lây nhiễm, Vinh lâm vào cảnh nhàn rỗi, ở không kéo dài. Ở nhà ăn chơi không, có làm sổ sách giáo án mãi rồi cũng hết việc... Đó là lúc Vinh có dịp chứng kiến tận mắt cảnh tất bật từ sáng đến tối của vợ.

Không vì chồng ở nhà mà Hiền tìm cách giao việc cho Vinh làm. Cô vốn là người tốt tính lẫn vị tha, chỉ nghĩ rằng bấy lâu nay Vinh phải vất vả, bây giờ có dịp được nghỉ ngơi nên cứ để cho anh ấy xả hơi dưỡng sức. Hơn nữa ở cô vẫn tồn tại cái tâm lý cả nể chồng là người có học vị cao hơn mình nhiều, vì thế nên cũng tự ti mặc cảm không dám mở lời, lỡ sợ làm phiền lòng chồng thì sao?

Không phải Hiền suy nghĩ thái quá đâu. Về phía Vinh cũng thế, trong thâm tâm anh cũng ỷ lại cái bằng cấp của mình, và cho rằng mình xứng đáng được ưu đãi như vậy.

Vinh nghỉ ở nhà, cái ngại nhất anh nhìn thấy là cảnh vợ lúc nào cũng tất bật với các công việc nhà. Anh muốn giúp vợ, nhưng ngại vất vả, ngại với tâm lý sợ phải cáng đáng việc “đáng lẽ không phải của mình”, chẳng hạn như anh có thể đỡ đần vợ bằng cách phụ giúp lau dọn nhà cửa, tắm cho các con, hay rửa chén đĩa, v.v... đều là những chuyện vốn xưa nay vẫn “việc ai nấy lo”. Thế là Vinh trốn tránh trách nhiệm bằng cách đến nhà bạn bè chơi, nhưng đi mãi rồi cũng thành ra vô vị.

Có hôm Vinh làm siêng phụ giúp vợ được một vài công việc nhà, nhưng anh đã mau chóng bỏ việc chạy lấy người.

Rồi chuyện gì đến cũng đến, Hiền lao lực nhiều đâm ra bị rối loạn tiền đình, đầu cô bị choáng váng xây xẩm, phải gọi điện thoại cho em gái đến đưa đi bệnh viện.

Được tin báo từ cô em vợ, Vinh đang ở nhà bạn vội vàng đến gặp Hiền. Thấy vợ đang nằm vô nước biển trên giường bệnh, anh cảm thấy vừa xấu hổ vừa thương vợ lẫn tự trách bản thân.

Trong thời gian Hiền nằm viện ba ngày, Vinh phải tự lo hết các công việc vòng ngoài. Đó là các công việc “không tên” mà trước đây vợ anh vẫn đảm nhận, như làm bếp, lau nhà, chăm con, cộng thêm lui tới bệnh viện thăm nuôi vợ.

Chuyện kể ra có vẻ bình thường nhỏ nhặt, nhưng với Vinh đó là một sự hy sinh và tạo ra những thay đổi lớn trong cái nhìn về trách nhiệm gia đình của anh. Từ đó anh mới biết rằng đi làm, kiếm tiền đem về nhà vẫn chưa đủ, mà hơn thế nữa, còn cần phải biết chia sẻ các trọng trách trong gia đình.

Hết bệnh, Hiền quay về với nhịp sống thường nhật lo toan trong gia đình. Điều cô cảm thấy vui mừng hơn hết chính là chồng cô giờ đây đã biết cảm thông và chia sẻ tình yêu trong mái ấm chung của hai người.            

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm