| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng cọ dầu

Thứ Hai 29/08/2011 , 10:13 (GMT+7)

Chẳng biết “ma xui quỷ khiến” thế nào, suốt ngày đôi vợ chồng đã suýt soát 70 này đem tuổi già ra quần nhau với ngót trăm ngàn cây cọ dầu.

Hai ông bà tuổi suýt soát 70, điều hành một doanh nghiệp lớn, tiền bạc chắc có thừa. Vậy mà chẳng biết “ma xui quỷ khiến” thế nào suốt ngày họ đem tuổi già ra quần nhau với ngót trăm ngàn cây cọ dầu. Họ ăn, sống, ngủ, nghỉ, buồn, vui…với loại cây có nguồn gốc ngoại quốc này.

Từ nuôi trâu sữa đến trồng cọ dầu 

Cách đây 10 năm, vợ chồng ông Triều và bà Hồng rủ nhau sang Singapore và Malaysia  du lịch. Nhằm đúng Tết Nguyên đán, chứ ngày thường hai ông bà điều hành Cty TNHH Ruby đã mệt phờ râu tôm, ăn uống tại bàn làm việc lấy đâu thời gian đi du hý.

Đúng là chuyến đi nhớ đời. Hai thân già xuất ngoại, cái gì bà Hồng cũng thấy mới mẻ. Bà cứ xoắn lấy cô hướng dẫn viên người Mã hỏi đủ thứ chuyện. Lạ cái hỏi gì họ cũng trả lời, không như hướng dẫn viên Việt Nam khách Tây hỏi nhiều quá, hiểu biết có hạn nên cứ ấp a ấp úng, chỉ tìm cách… trốn, trốn được càng nhiều càng tốt. Tính bà Hồng thích quan sát, cái gì không biết phải hỏi cặn kẽ, kỳ hiểu mới thôi.

Malaysia có 2 loại cây nổi tiếng - cọ dầu và cao su. Năng suất cao su của Malaysia thì khỏi phải nói, chênh lệch trời vực so với năng suất cao su trồng tại Việt Nam. Thế mà chính phủ vẫn hô hào người dân chặt bớt cao su, nhường đất cho cây cọ dầu. Trên đường đi, trong khách sạn, ven biển chỗ nào cũng thấy cọ dầu. Y hệt làng quê Việt Nam những năm trước, đi đâu cũng thấy cây tre. Tự nhiên thấy mến cây cọ dầu, bà Hồng lấy máy ảnh chụp lia lịa. Chuyến đi ăn tết đầu tiên ở nước ngoài của hai thân già không ngờ chỉ toàn… cọ dầu. 

Malaysia giàu có nhờ xuất khẩu dầu cọ, mỗi năm thu về vài tỷ Mỹ kim. Cọ dầu đã trở thành biểu tượng của quốc gia này cùng với tháp đôi Petronas. Sở dĩ cọ dầu “hot” như vậy vì dầu đậu nành ngày một đắt đỏ. Dầu cọ rẻ, ít cholesterol, nhiều chất dinh dưỡng trộn với dầu đậu nành giúp giảm giá dầu ăn. Cách đây nửa thế kỷ, công thức pha chế này được coi là một phát kiến dinh dưỡng tuyệt vời, nhờ nó ngay cả những nông dân châu Á nghèo nhất cũng có cơ hội mua được chai dầu rán, thay cho mỡ lợn trường kỳ đã bao đời. 

Ông Triều (phải) hướng dẫn khách thăm vườn cọ dầu 7 năm tuổi

Về nước hai ông bà bắt đầu lên mạng Google tìm kiếm thông tin liên quan đến cọ dầu. Cũng nhờ vậy, ông bà lần mò được địa chỉ kỹ sư Mai Xuân Tạnh, nguyên là giám đốc trại thí nghiệm cây cọ dầu Hương Sơn, Nghệ An (thành lập 16/4/1971). Ông Tạnh cho biết, từ năm 1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Bộ Nông nghiệp phát triển cây cọ dầu. Năm 1979, đồng chí Lê Duẩn vào thăm trại, có chụp ảnh chung với ông Tạnh bên buồng cọ dầu nặng 37 kg. Cọ dầu có sức quyến rũ kinh người, nó biến 2 ông bà vốn gốc thú y thành 2 kỹ sư trồng trọt tự lúc nào. Nghe chuyện, mấy người bạn mắt tròn mắt dẹt. Kinh doanh nguyên liệu thuốc thú y đang ngon lành, bỗng nhảy sang trồng cấy, vướng bận vào đất cát, phân tro - hay ông bà bị ma ám.

Người ta còn nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, Viện Chăn nuôi quốc gia có một trại trâu sữa đóng gần hồ Đại Lải (Vĩnh Phú cũ) nuôi mấy trăm con trâu nước ngoài viện trợ cho ta. Ông Triều khi ấy vừa học thú y bên Cuba về được điều xuống trông coi đàn trâu. Bà Hồng tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp 1 cũng khăn gói theo chồng đi nuôi trâu. Hai vợ chồng cứ mê mải với đàn trâu sữa. Có khi người khổ hơn trâu. Trâu có định lượng thức ăn hàng ngày, chứ các kỹ sư nuôi trâu thì chế độ tem phiếu về chậm cả tháng.

Rồi ông Triều đi học tiếp Ấn Độ, bảo vệ luận án phó tiến sĩ trở về nước vẫn chăn trâu. Âu cũng là cái số, đời ông đã cột vào đàn trâu rồi. Ai hỏi ông đều cười ồ - thì anh hùng như anh Hồ Giáo cũng chăn bò trên đỉnh Ba Vì đấy thôi. Mà ông thì đâu có nhiều công trạng như Hồ Giáo để được chuyển sang công việc nhàn hạ hơn. Viện Chăn nuôi còn một trại trâu sữa nữa trong Sông Bé, là quà của Ấn Độ tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thời thế đưa đẩy thế nào, hai ông bà phiêu bạt tiếp vào tận Sông Bé, nhưng vẫn theo cái nghề nuôi trâu. Dường như con trâu sữa không muốn rời họ, ngược lại hai ông bà cũng mến chúng.

Nhưng cơm áo không đùa với nhà khoa học. Theo đuổi đàn trâu thì lấy gì nuôi đàn con nheo nhóc. Đàn con hơn hay đàn trâu hơn. Nhiều đêm hai ông bà nằm trằn trọc mãi. Cuối cùng họ "oản tù tì"- ông Triều vẫn nuôi trâu, bà Hồng bỏ cơ quan Nhà nước ra ngoài bán thuốc thú y, lấy tiền nuôi con. Nếu cứ theo đuôi mấy con trâu cả nhà chết đói hết. Đành chân trong chân ngoài, mang tiếng làm kinh tế tư bản để lấy cái cho vào nồi.

Đầu những năm 1990, bà Hồng bắt tay vào kinh doanh thuốc thú y từ một chiếc mẹt bán thuốc nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn, và cũng ít vốn đến mức không thể ít hơn. Bà Hồng nhận thuốc của các Cty về bán, có tiền mới trả. Suốt ngày bà đem mẹt thuốc ra đầu đường Mạc Đĩnh Chi ngồi, gặp thuốc gì bán thuốc nấy, miễn là có người cần mua và miễn là có chút lời nuôi con. Cô sinh viên  ĐH Nông nghiệp 1 ngày nào bắt đầu làm quen với bài toán kinh tế thị trường thời kỳ nửa tối nửa sáng.

Nhưng kinh doanh không vốn mãi cũng khó. Chỉ làm nhỏ được, muốn thoát cảnh buôn thúng bán bưng, nhao ra làm ăn lớn phải có đồng tiền dận lưng. Bà Hồng chạy bổ đến nhà người thân vay vàng, người nửa chỉ, người một cây, ai có bao nhiêu vay tất. Cũng không ít người bán tín bán nghi, giữa thời buổi nước hoa Thanh Hương đang nở rộ, vỡ nợ ào ào. Lúc đầu vay vài chục người, vay người này để trả người kia theo kiểu gối nợ. Về sau chủ nợ nhiều quá, đếm không hết. Ông bà mạnh dạn đến vay tiền ông Hồ Giáo. Cty Ruby ra đời làm ăn khấm khá dần, bà Hồng tính chuyện mua đất ngoại thành trồng cọ dầu. Cũng mua gom bán nhặt, mỗi nhà vài trăm mét, giờ ông bà đã có hàng chục ha đất ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn trồng ngót trăm ngàn cây cọ dầu - thỏa giấc mơ trồng trọt của bà.

Bà Hồng nói: “Tôi già rồi, cả đời gắn với chuồng trại, thấy cái gì lợi cho nông dân thì làm chứ đâu muốn giành giật thành tích của ai. Chỉ có điều lạ là, một cây trồng có giá trị kinh tế như thế mà sao mấy anh bên Viện dầu không thừa nhận, cứ hắt hủi, đổ tội cho nó. Cọ dầu trồng khắp Malaysia, Thái Lan, Campuchia… thì cớ gì mình không trồng được. Vừa rồi anh bạn tôi đi Thái về kêu ầm lên cọ dầu bên đó cây nhỏ, quả bé thua cọ dầu nhà tôi trồng. Thế mà Chính phủ Thái Lan vẫn trợ giá cho người trồng cọ dầu, coi đấy là cây chiến lược. Tôi chỉ mong Nhà nước thừa nhận cây cọ dầu mà không ai chịu chứa chấp nó”.

“Chị lấy giống cây cọ dầu ở đâu?". Tôi hỏi, và như đụng vào đúng “long mạch”, bà Hồng lại thao thao kể. Chuyện cây cọ dầu chui vào nhà bà Hồng, vào bữa cơm, giấc ngủ nhà bà làm ai cũng say như điếu đổ. Thấy bố mẹ suốt ngày bàn tán cọ dầu, làm được bao nhiêu tiền cũng dồn mua đất ngoại thành dự định trồng cọ, mấy con bà Hồng cũng ham lây. Tiếc là chuyến đi Malaysia ông bà không đem được hạt giống nào về trồng. Con trai bà Hồng nghe nói ngoài sở thú Sài Gòn (Thảo Cầm Viên) có cây cọ dầu do người Pháp khi đô hộ Đông Dương mang ở Campuchia về trồng. Người Pháp rút đi, Thảo Cầm Viên còn đó, cây cọ dầu vẫn còn nhưng nó bị lãng quên, nằm khuất nẻo.

Lấy được ít hạt về trồng, cả nhà bà Hồng canh như canh trẻ con mới đẻ. Không ngờ cây cọ dầu hợp đất đai thung thổ đến thế, trồng cây nào sống cây đó, chúng lớn nhanh như thổi. Cây cọ dầu đã trở thành một thành viên trong gia đình bà Hồng. Lại rộ lên tin đồn cọ dầu là cây ngoại lai, ngành nông nghiệp cấm ngặt sợ lây lan ra “tấn công” cây trồng khác. Ông Triều, bà Hồng lặn lội đến gõ cửa các cơ quan chuyên môn, ngọt nhạt thuyết phục họ hãy tin cây cọ dầu, nó không xâm hại đến ai, ngược lại nó có thể làm giàu cho nông dân.

Mấy ông Viện Nghiên cứu cây có dầu chưa buông tha, còn phao tin cọ dầu trồng ở ta không có quả, ông bà lại đánh xe dẫn họ đến tận vườn chứng kiến những buồng quả cọ dầu to như buồng chuối tây, nặng mấy chục ký. Họ chưa chịu "đầu hàng" cứ khăng khăng cây cọ dầu có quả nhưng không cho dầu, rằng các nhà khoa học đầu hai thứ tóc đã nghiên cứu chán vạn rồi, đâu chờ đến lượt ông bà là dân ngoại đạo - chuyên bán thuốc thú y lại nhảy sang lấn sân của họ.

Nản quá. Ông bà trồng cọ dầu đâu phải để lấy tiếng, để khẳng định giỏi hơn mấy nhà khoa học. Tuổi già trồng cây như một cách tìm đường về cội, lấy vườn cây để xỏa bóng tâm hồn. Vả lại cây cọ dầu có ích như thế, nếu được trồng rộng rãi thì nông dân được lợi, xã hội được lợi.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất