| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng hiếm muộn gian nan bảo vệ hạnh phúc

Thứ Bảy 30/03/2019 , 09:05 (GMT+7)

Những lúc trầm tư Duy vẫn không khỏi băn khoăn nghĩ đến cuộc hôn nhân giữa anh và Hạnh. Chung sống với nhau đã hơn mười lăm năm, nhưng hai vợ chồng vẫn đồng sàng dị mộng.

Ảnh minh họa

Ngày ấy họ đến với nhau như bao cặp tình nhân đẹp đôi nhất trên đời khác. Thời tuổi trẻ người ta yêu nhau vì tình nhiều hơn là vì tính toán nọ kia. Nhưng sống với nhau đã lâu, hai vợ chồng vẫn không có tin vui. Để tìm quên nỗi buồn không thể giải quyết được, họ lao vào làm ăn để tìm niềm vui khuây khỏa. Duy có nghề hàn nồi, xoong chảo. Đây là nghề gia truyền, trong đám bốn anh em hai trai hai gái nhà anh. Về phía con trai cũng chỉ mình anh theo được nghề của bố. Được cái nhà ở gần chợ, lại chỉ có mình Duy làm nghề này, mối men đã quen người quen việc nên hầu như lúc nào cũng có việc để làm, chưa kể nhiều khi anh làm không hết việc.

Còn Hạnh vẫn có cửa hàng bán quần áo phụ nữ ngoài chợ, cô đã theo nghề từ lúc chưa lấy chồng. Việc làm ăn ngày càng đắt khách và phát tài hơn. Vợ chồng cô lấy nhau, nhưng ngay từ đầu giữa họ đã sớm hình thành một giao kèo bất thành văn, đó là tiền ai nấy giữ. Hàng tháng họ cùng đóng một khoản tiền để trang trải các chi phí chung trong nhà... Duy phụ trách đi chợ mua thức ăn và các thứ vật dụng. Anh tự nghĩ mình làm chồng, tất nhiên phải bao biện phần lớn.

Trên thực tế, các khoản chi phí mà Duy trả vẫn nhiều hơn vợ, nếu không nói là chủ yếu. Tuy biết rõ điều đó nhưng Hạnh vẫn tảng lờ làm ngơ. Mặc dù thu nhập của cô cao hơn của chồng nhiều. Trong khi Duy làm lụng chỉ đủ ăn và dư dả chút đỉnh, dư được bao nhiêu anh bỏ tiền ra giúp đỡ cho các em. Vì thế so với Hạnh, Duy vẫn gần như trắng tay, trong khi Hạnh có tiền gửi ngân hàng. Điều đó Duy không bao giờ hỏi đến mà cũng không muốn biết. Mà dẫu anh có hỏi thì vợ anh cũng giấu, không tiết lộ.

Tuy là vợ chồng, nhưng kể từ khi đi bác sĩ phụ khoa, biết mình không thể có con, kể từ đó Hạnh cư xử với chồng sòng phẳng như thể người ngoài.

Cả ngày đi buôn bán ở ngoài chợ, chiều về cơm nước đã có Duy nấu nướng dọn sẵn, hai vợ chồng cùng dùng cơm. Thông thường, sáng sớm khi Duy thức giấc, Hạnh đã ra cửa hàng rồi. Từ lâu cô cũng đâm ra lạnh nhạt chuyện chung chạ vợ chồng. Đêm đêm, tuy hai người vẫn ngủ chung giường nhưng mạnh ai nấy ngủ, như thể những người bạn cùng sống chung phòng trong một căn nhà trọ. Ngôi nhà ấy là do cha mẹ Hạnh mua cho hai vợ chồng hồi mới cưới. Vì thế cô không dám đả động đến chuyện ly hôn bởi vì sợ phải chia đôi căn nhà cho Duy.

Vợ chồng không có con cái dễ có khả năng nảy sinh những bất ổn. Trong trường hợp của vợ chồng Duy, xem ra vấn đề còn phức tạp hơn nữa. Trong cảnh hiếm muộn, Duy chỉ lo gia đình không có hạnh phúc. Anh cũng không dám nghĩ đến chuyện ngoại tình để có con, bởi vì từ trước Duy đã được bố mẹ giáo dục cấm đoán không cho ngoại tình, phải giữ chung thủy với vợ bằng mọi giá. Bản tính anh thuần hậu, cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện tìm người khác. Duy chỉ nghĩ rằng vợ anh đã lấy anh, hẳn nhiên cô ta trông cậy tất cả vào anh, vì thế anh phải là chỗ nương dựa của cô và không thể làm cho vợ phải thất vọng vì mình.

Đó chính là lý do chính khiến cho vợ chồng họ sống chung lâu dài với nhau mà không xảy ra điều tiếng nào. Một đàng thì chịu đựng, một đàng thì chỉ biết lo vun vén cho bản thân, nhưng nói chung mối quan hệ giữa hai người vẫn không bị sứt mẻ.

Vấn đề chỉ xảy ra khi có một gã đẹp trai tên Khánh lân la đến cửa hàng tán tỉnh Hạnh. Ban đầu cô ta còn tỏ ra lạnh nhạt, nhưng nước chảy đá mòn, Khánh vốn là tay sành sỏi trong chuyện tán tỉnh phụ nữ. Rốt cuộc người đàn bà luống tuổi, thiếu thốn tình cảm nọ đã không cưỡng lại được và sa vào vòng tay của gã. Từ lâu tuy ở bên chồng nhưng Hạnh vẫn chẳng khác một người đàn bà sống độc thân cô quạnh.

Khánh là người đã đánh thức dậy ngọn lửa khao khát bừng lên trong cô. Hạnh ăn ở rất chi li tính toán từng chút với chồng nhưng lại không tiếc gì với Khánh. Chỉ trong vòng một năm, bao nhiêu tiền của từ túi của cô trôi hết sang gã trai bòn rút. Cho đến khi Hạnh tỉnh ngộ thì không những tất cả gia sản của cô đã đi theo Khánh và còn gánh thêm món nợ hai tỷ đồng nữa. Đến chừng đó Khánh mới bỏ rơi cô.

Hạnh xấu hổ, không còn mặt mũi nào nhìn mặt chồng, vừa tiếc của lẫn vừa ân hận. Cô tránh mặt Duy, chỉ về đến nhà khi anh đã đi ngủ. Riêng Duy vẫn đối xử bình thường với vợ. Rốt lại, việc cô quay trở về với gia đình đối với anh vẫn là một món quà lớn hơn mọi món quà khác. Duy thường an ủi vợ rằng, miễn người còn thì vẫn còn có cơ hội gầy dựng lại tài sản. Anh khéo léo lựa lời nói để tránh làm tổn thương thêm tinh thần vốn đã bị suy sụp của vợ. Và cũng kể từ đó, Hạnh thay đổi hẳn lối sống. Thậm chí cô quan tâm chăm sóc anh còn nhiều hơn những gì anh đã làm cho cô.

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?