| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng người đồng nát tình nguyện hiến giác mạc, nội tạng

Thứ Tư 18/09/2019 , 10:01 (GMT+7)

Nhặt rác kiếm tiền đồng bạc lẻ qua ngày nhưng ông bà lại tình nguyện hiến đi thứ quý giá nhất không dễ mua được bằng tiền là giác mạc và nội tạng.

Bà chỉ tiếc di nguyện cuối cùng của chồng không thành bởi người ta đã… quên không báo cho người đến lấy kịp thời.
 

Cơ thể tôi có gì dùng được đều hiến

Nghe tiếng xe đạp loẹt quẹt quen thuộc từ trong nhà con bé đã chạy tót ra ngoài cổng, vồn vã hỏi: “Bà nội hôm nay đi nhặt rác có nhặt được đồ chơi nào cho cháu không?”. Đôi mắt huyền đen như hạt nhãn của nó chợt sáng bừng lên khi thấy đằng sau chiếc xe của bà có buộc một con thú nhún cũ kỹ bên cạnh lỏng chỏng những chai, lọ, hộp, bìa…

nh-2130114186
Bà Thống trên hành trình đi nhặt rác.

Từ bao lâu nay, hai đứa cháu nội mồ côi mẹ của bà Bạch Thị Thống ở số nhà 13, ngõ 219 tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi, TP Bắc Giang vui với những thứ đồ chơi vứt đi ấy của thiên hạ còn bà thì vui với những ngày nhặt được nhiều rác.

Mồ hôi vẫn còn mướt mả trên khuôn mặt ngoại 70 tuổi nhưng dựng xong chiếc xe đạp cũ vào sân bà đã xăm xắn ngồi chọn chọn, lọc lọc, phân loại ra từng thứ sắt, nhựa, chai lọ để một chỗ. Cả buổi đi nhặt từ trưa đến tối được chừng 30 - 40 nghìn đồng, đủ cho bà cháu, mẹ con rau dưa qua ngày.

nh-8130116155
Đứa cháu nội vui đùa bên đồ chơi mới được bà nhặt về cho.

Với đồng lương hưu ít ỏi chỉ 3 triệu đồng/tháng đã hơn 20 năm nay bà Thống gắn bó với nghề nhặt rác để kiếm thêm từng đồng bạc lẻ như vậy nhưng mỗi lần từ thiện cho quỹ vì người nghèo bà đưa cả triệu đồng hề không tiếc. Thậm chí ông bà còn viết đơn tình nguyện hiến đi những thứ quý giá có tiền cũng khó có thể mua được là nội tạng và giác mạc.

 

Chuyện rằng, ông Nguyễn Đức Thoa và bà Bạch Thị Thống nên nghĩa vợ chồng, sinh được đàn con 4 đứa nhưng hoàn cảnh không được may mắn như mọi nhà. Người con đầu của họ bị bệnh tim phải mổ sau đó sức khỏe yếu không thể lao động nặng được còn ba người con kế sau cũng chỉ làm nghề tự do kiểu vừa ráo mồ hôi là hết tiền.

Bởi vậy mà từ khi về hưu bà đã tranh thủ đi nhặt rác kiếm thêm, lúc thì chợ Phân Đạm, chợ Ngô Quyền, chợ Thương khi lại sang phố Khách mặc cho con cái đã không ít lần khuyên can. Bà bảo chúng nhặt rác với người ngoài có chút bệ rạc nhưng mình làm việc tốt thì sao phải băn khoăn?

nh-6130115643
Bà Thống sau một buổi đi nhặt rác về.

9 đứa cháu nội thì bà thương nhất hai đứa của người con út đã sớm mồ côi mẹ trong khi cha của chúng sức khỏe lại yếu, đang lao động trong Nam thời gian gần đây anh phải về nương tựa nơi mẹ già. Hành trang của bà đơn giản chỉ là cái xe đạp, cái nón và chai nước, 8 h sáng đi thì trưa về nghỉ, 1 h chiều đi thì 5-6 h về.

Trước đây, khi còn khỏe mạnh mỗi ngày bà có thể nhặt được 100.000 đồng nhưng giờ chỉ khoảng 30 - 50 nghìn đồng, đủ để đỡ đần cho con cháu chút ít và tiết kiệm được khoảng 500 - 700 nghìn đồng/tháng. Nghèo nhưng mỗi năm bà đều làm từ thiện một lần với số tiền 1 triệu đồng. Giấy khen của Hội chữ thập đỏ phường, Hội chữ thập đỏ thành phố treo kín trên tường ngôi nhà cấp bốn khiêm tốn của họ.

Một sáng ngày 20/4/2013 bà thấy chồng mình dắt xe rời nhà liền thuận miệng hỏi: “Ông hôm nay đi đâu đấy?” thì ông trả lời: “Tôi ra Hội chữ thập đỏ tỉnh làm đơn xin hiến tạng, hiến giác mạc đây. Mình già rồi, sau này sẽ chết thể xác cũng bỏ đi hết nhưng bao người mù lòa cần có giác mạc, bao người hỏng thận, hỏng gan cần thận, gan để thay thế. Bà có đi với tôi không?”. Không nghĩ ngợi nhiều, bà bảo: “Ông đợi tôi tí rồi mình cùng đi”. Vậy là mỗi người một xe họ thủng thẳng đạp đến Hội chữ thập đỏ tỉnh, ngồi hí hoáy viết đơn: “Tất cả những bộ phận gì người khác cần chúng tôi đều hiến hết…”.
 

Sự lãng phí không thể lý giải

Tuổi già lại bị viêm đa khớp nên sức khỏe của ông Thoa cứ lụi dần như một ngọn đèn đã cạn dầu. Biết mình không thể qua khỏi, ông lặng lẽ viết di chúc trong đó ghi mấy nội dung chính cần dặn người ở lại: Phần nhà đất để lại bà quản lý, hương khói cho tổ tiên; Tổ chức ma chay thật tiết kiệm, chỉ thông báo cho nội ngoại hai bên từ cháu ruột trở lên, bạn bè thân mấy người tri kỷ; Khi tắt thở báo ngay cho Hội chữ thập đỏ tỉnh để họ báo cho người Ngân hàng mắt về bóc giác mạc hoặc có cần tạng thì lấy…

Ông ra đi thật thanh thản trong vòng tay của vợ con lúc 10h kém 15 tối 20/11/2016. Lúc tang gia bối rối bà vẫn không quên chạy sang nhờ chị Ngô Thị Phượng - hàng xóm đồng thời cũng là một thành viên của Hội chữ thập đỏ sông Thương để điện ngay cho Hội chữ Thập đỏ tỉnh. Về sau, chị Phượng kể lại với tôi rằng: “Tôi gọi ngay lúc 11h đêm, họ bảo yên tâm, sẽ cho người xuống lấy sớm nhưng mãi 8h sáng hôm sau họ mới gọi lại, xin lỗi và bảo do thời gian đã quá 8 tiếng, không biết cách bảo quản nên giờ giác mạc có lấy cũng hỏng, không dùng được nữa.

Hai vợ chồng bà Thống lúc ông còn sống.

Kể từ đó bà Thống thất vọng nhiều lắm! Buồn bởi trước có hai vợ chồng cùng rủ rỉ tuổi già mà giờ chỉ một mình đơn bóng. Buồn bởi tâm nguyện của chồng về một người hiến giác mạc có thể giúp cho hai người thấy ánh sáng không thành. Ông bà chính là người đầu tiên của tỉnh Bắc Giang viết đơn xin hiến giác mạc đấy!”.

Còn bà Thống bảo trước bàn thờ chồng bà cũng khấn rằng người ta đã xin lỗi rồi, có gì ông bỏ qua cho: “Tôi vẫn thường bảo với các con rằng: Chết là hết, thân xác rồi cũng tan vào cát bụi hết, cái gì dùng được thì nên cho đi. Khi nào mẹ mất thì các con phải chủ động gọi cho Hội chữ thập đỏ để thông báo sớm không lại để phí như của bố!”…

Mất bạn đời, bà suy sụp, ngày đêm vào ra như một chiếc bóng. Mất 3 tháng ròng chông chênh như thế một buổi bà lại quyết định dắt xe đi nhặt rác.

Mấy chục năm đạp xe quen rồi, nhặt rác không chỉ kiếm thêm mà còn là hình thức tập thể dục lại được giao lưu, gặp gỡ với nhiều người quen đã chữa lành vết thương tinh thần cho bà.

Có đi mới thấy nhiều người còn khổ sở hơn mình, đấy như đâu xa, cô Loan hàng xóm nhà bà ở nhà trông trẻ những mong kiếm thêm được chút kinh tế nhưng nào ngờ có người phụ nữ nhỡ nhàng sau khi gửi đứa con đỏ hỏn đã bỏ đi biệt. Mãi sau này mới biết chị ta đi xuất khẩu lao động sang tận Đài Loan.

Năm đầu tiên còn gửi chút ít tiền về nuôi con nhưng sau đó thì mất dấu khiến cho chị Loan không biết phải xử lý ra sao. Thấy vậy, bà Thống thỉnh thoảng tìm sang, cho gói quà, tấm bánh rồi động viên: “Con ạ, cứu vớt một cháu bé là cứu vớt một cuộc đời. Dù có nghèo vẫn phải nuôi dạy nó lên người đấy!”.

Đứa bé ấy giờ đây đã trưởng thành, mãi hơn 10 tuổi nó mới có làm được giấy khai sinh bởi chị Loan không hề có giấy tờ cho nhận con nuôi gì cả.

“Chúng tôi tự nguyện chứ chẳng có ai mời hay tuyên truyền gì cả đâu thế mà có người vẫn hỏi hiến tạng, hiến giác mạc như thế có được nhiều tiền hay không”, bà Bạch Thị Thống nói.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.