| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng như 'chồng bát đĩa xô'

Thứ Hai 02/03/2020 , 13:54 (GMT+7)

Cháu lấy chồng tính đến nay đã gần 20 năm. Cháu may vá, buôn bán, còn chồng cháu là công nhân.

Phức tạp rối rắm đủ kiểu nhưng lúc này, cháu cần bản lĩnh, cầm trịch và khôn khéo với chồng. Ảnh: Minh họa.

Phức tạp rối rắm đủ kiểu nhưng lúc này, cháu cần bản lĩnh, cầm trịch và khôn khéo với chồng. Ảnh: Minh họa.

Đi lên từ đôi bàn tay trắng, chẳng có khó khăn nào mà cháu chưa trải qua. Giờ đây, khó nhất và mắc nhất là chỗ chồng cháu.

Cháu biết, vợ chồng nào mà chẳng có lúc như “chồng bát đĩa xô”, năm bữa nửa tháng lại quay về bình thường. Nhưng có lẽ cháu bị “xô, đẩy” nhiều quá, nên giờ thành ra chán và chai sạn cô ạ.

Từ thời con gái, cháu được nhận xét là xinh xắn và may vá giỏi, lại chịu thương chịu khó. Lấy chồng về, được người họ hàng đi làm ăn xa cho mượn căn nhà trong ngõ hẻm, ban ngày cháu vươn ra chợ để buôn bán, tối về cặm cụi may vá thuê.

Còn chồng cháu, lương công nhân, từ ngày cưới nhau đến giờ mỗi tháng anh chỉ đưa được cho cháu đúng 3 triệu đồng để trang trải gia đình, không hơn.

Cháu chưa bao giờ chê số tiền đó ít, mà cháu muốn chồng cháu có trách nhiệm hơn. Làm lụng, tiết kiệm, cháu cũng mua được mảnh đất rộng rãi, xa trung tâm một chút nhưng chưa có tiền để làm ngay được. 2 năm trở lại đây, mẹ chồng cháu có chia cho mỗi người con một mảnh đất.

Cháu bàn với chồng thế chấp mảnh đất đó để lấy tiền xây nhà. Thủ tục xong xuôi, cộng với số tiền tích cóp, vợ chồng xây được ngôi nhà rộng, có vườn tược thoáng mát. Ai vào cũng khen vợ chồng cháu giỏi. Nhưng cũng từ đó, chồng cháu sinh tật.

Cô em làm cùng phân xưởng bắt đầu “thả thính” và đương nhiên, chồng cháu “bắt sóng” ngay. Về nhà, anh khó chịu với thằng con trai lớn đang tuổi cấp ba ẩm ương. Anh nói không đúng, nó cãi, nhiều lần anh chửi rủa và đuổi nó đi.

Hôm đó, trong bữa cơm, bố nó lại đuổi và nó đi thật, cháu phải đợi nó đi bộ một đoạn, sợ con ra ngoài bị bạn bè xấu rủ rê, nên cháu đã lấy xe đuổi theo. Cháu đưa con vào nhà một người bạn để gửi.

Về nhà, cháu nói chuyện với anh về cách dạy con, cháu nói dối bảo anh đuổi con đi, cháu không tìm thấy. Vậy mà anh vẫn thản nhiên: “Nó muốn đi đâu thì đi, chứ về nhà này thì tao giết”...

Cháu còn một con gái nhỏ nữa, hàng ngày ông bà ngoại trông con giúp cho cháu đi làm. Vậy mà, tối về anh không thích, còn bảo cháu: “Mày bảo bố mẹ mày đừng vác mặt đến nhà tao nữa, tao không khiến”.

Đấy, cô xem, tình nghĩa vợ chồng thế này có còn được nữa hay không? Vi phạm liên tiếp hết lần này đến lần khác. Xin lỗi, sửa lỗi được vài hôm lại tái phạm. Cháu muốn giải thoát có được không cô?

----------------------

Cháu thân mến!

Lá thư cho thấy cháu có trình độ và sự thực rất vén khéo, có duyên và không tụt hậu. Nhưng chồng là công nhân mấy chục năm dài, nói lên điều gì, lý ra cậu ấy phải vượt lên, là niềm ngưỡng mộ cho vợ con, ở đây, gần như giẫm chân tại chỗ.

Đã mua được mảnh đất và lại được bố mẹ chồng chia cho đất. Cô không chỉ trích, cô chỉ hơi băn khoăn dù cô hiểu, cảnh sống tạm bợ nhà thuê nhà mượn đã khiến cháu mỏi mệt. Cô khen cháu tháo vát, tích cóp giỏi, đàn bà Việt Nam số đông rất giỏi, thu vén rất hay và hiệu quả khiến người chung quanh phải ngạc nhiên.

Nhưng cô băn khoăn về cách có nhà cao cửa rộng của người mình. Đất cầm cố nợ nần, để có một ngôi nhà vườn như mơ ước. Nhưng số tiền nợ cầm mảnh đất ấy sẽ không để các cháu yên.

Nó âm thầm gặm nhấm bữa ăn giấc ngủ của vợ chồng và có thể, cháu đã càu nhàu, có thể, chồng sinh tật ông chủ của nhà vườn khang trang, có thể và có thể… Quan hệ vợ chồng và con cái không tốt lên, không tương xứng với ngôi nhà được tấm tắc nhưng sâu xa, nó vừa rút cạn tiền dành dụm và còn phát sinh một món nợ.

Ngôi nhà đã biến đổi đứa bé ẩm ương. Ngôi nhà có lẽ đã khiến chồng cháu phủi trách nhiệm, ta xong nhé, bố mẹ ta đã đóng góp vào đấy nhé. Với lại, khi con trai lên cấp ba thì bố nó cũng vào trung niên, tuổi sinh sự của đàn ông, chán vợ, oải con, hướng ngoại.

Cô nhắc lại, cô không chỉ trích, cô chỉ thấy đa số người dân mình chết sống cho một ngôi nhà sáng choang để rồi, vợ chồng lục đục nhiều hơn.

Khi một gia đình vợ chồng vào trung niên, phải đầy tình đầy nghĩa thì hôn nhân mới vững. Không thì lao đao lục đục là chuyện phổ biến. Chồng say nắng với cô nào đó, có không, đã đến mức là nguyên do chính để ly dị chưa?

Hay chỉ vì tư cách người bố với các con mà nên nỗi? Chồng nói những câu khó nghe trong khi nóng nảy, một gã công nhân 20 năm nóng nảy, cô đâu có lạ, trình độ ấy, vụ việc ấy, là xử lý kiểu ấy mà.

Vậy nên, phải bình tâm, cân nhắc, không thể định bỏ là bỏ được cái gã cục súc ấy trong khi nợ ngôi nhà còn phải vắt kiệt cháu hơn. Cậu ta bắt đầu hỗn với bố mẹ cháu có lẽ vì sâu xa, cậu ta nghĩ ngôi nhà vườn này có đóng góp của nhà nội và bên ấy đừng có mà lui tới nhé.

Vậy đó cháu, phức tạp rối rắm đủ kiểu nhưng lúc này, cháu cần bản lĩnh, cầm trịch và khôn khéo. Không thì tan hoang chứ không chỉ là tan vỡ, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.