| Hotline: 0983.970.780

Vợ của cháu là thế hệ con ít, con cưng, làm gì cũng ỷ lại gu-gồ, Internet

Thứ Tư 04/07/2018 , 06:50 (GMT+7)

Vợ nghĩ chồng giỏi, chồng chiều, đẻ con trai cho chồng là lên hạng, lên mây xanh, không đáp xuống cái bếp nữa...

Thưa cô!

Cháu là trai Bắc lớ xớ lập nghiệp trong Nam, cuối cùng thấy khí hậu và tính người trong này dễ chịu, cháu ở trong đây và cưới vợ luôn. Vợ cháu là dân miền Đông (chắc có khác với dân miền Tây cô nhỉ?). Chồng công việc khá, thu nhập chính, vợ có bằng cấp và cũng đi làm, sinh con, hộ sản rồi lại đi làm, tạm ổn.

Vấn đề là vợ cháu không chịu nấu ăn cô ạ. Hồi mới tìm hiểu, cô ấy rất cầu thị trong chuyện bếp núc. Thí dụ như tìm đọc, tra trên mạng những món Bắc mà cháu thích để học làm, bún bung, bún chả, canh riêu, canh dưa, cá kho riềng, thịt giả cầy…món nào cũng tạm được, chủ yếu ở cái tinh thần mà cô. Cháu mua được căn hộ cũ trước khi cưới, bố mẹ cháu vào, cô dâu tương lai trổ tài ông bà vui lắm.

Cưới xong, mẹ vợ cháu hay lên chơi, đến khi vợ cháu nghén, bà gần như ở hẳn. Bà giỏi giang, bao biện, khéo tay, con gái là con gái một nữa nên vợ cháu không giỏi cũng phải. Bà góa sớm, có nhà có vườn ở một thị trấn nhỏ, với con trai và hai cháu nội. Chị dâu của vợ cháu thuộc loại giỏi nên mẹ chồng cứ theo con gái để đỡ đần, sợ con gái cực và chồng nó không vừa ý.

Căn hộ có 45 mét vuông, hai phòng, mẹ vợ không ở được hoài dù cháu biết bà rất muốn ở cùng vợ chồng cháu để chăm cháu ngoại và nấu nướng bếp núc cho con gái nhàn hạ. Con đi nhà trẻ, bà ngoại về, khi ấy mới biết phụ nữ hiện đại khác với phụ nữ truyền thống như thế nào. Mua và ăn ngoài hết cô ạ. Vấn đề là các hàng ăn trong này luôn nấu ngọt, cháu không thể quen được, ấy là chưa kể kém vệ sinh. Cho con ăn cũng thế, cháo dinh dưỡng sáng, chiều đón về, lại mua ăn, chủ yếu uống sữa đắt tiền. Bấy giờ mẹ cháu mới kêu ca càm ràm, như thể cháu lấy phải cô vợ Tây vừa chả thiết nấu nướng vừa lọng cọng không ra làm sao.

Cháu đã giúp vợ rất nhiều, rửa bát, giặt giũ phơi phóng từ máy giặt, cả là ủi cho mình, cho vợ luôn vì vợ bận con nhỏ. Cả quét và lau nhà. Mẹ cháu vào thì cháu cố làm ít đi kẻo bà xót rồi càm ràm dâu con. Vợ nghĩ chồng giỏi, chồng chiều, đẻ con trai cho chồng là lên hạng, lên mây xanh, không đáp xuống cái bếp nữa. Mẹ cháu về, cháu lại nai lưng ra, đi chợ luôn, vào bếp luôn.

Chả lẽ mời mẹ vợ lên? Sẽ có phức tạp kiểu một bà mẹ kè kè bên cạnh. Tình yêu có vơi đi chứ cô, đàn ông yêu bằng dạ dày mà cô. Nhưng thấy con trai ngày mỗi đáng cưng, lại bỏ qua, lại nai lưng, vợ được đằng chân lân đằng đầu, chán.

--------------------------

Cháu trai thân mến!

Đúng là gu ẩm thực hai miền khác như nước với lửa. Cô từng lấy chồng Nghệ Tĩnh, sống ở Hà Nội lâu cô biết và cô quen lưỡi với những món Bắc, về Nam cô bắt đầu không ưa những món nêm ngọt đường và nấu canh chua kiểu Nam cũng không nêm thạo nữa, bà con của cô trêu, canh chua này mới tới bến xe miền Tây chứ chưa tới miền Tây. Vậy đó, bắc và nam, về đại nét, vẫn là người Kinh, người Việt, về tiểu tiết, khác nhau rất nhiều.

Vợ của cháu là thế hệ con ít, con cưng, làm gì cũng ỷ lại gu-gồ, Internet. Nghĩ là khi cần sẽ tra cứu để học theo nhưng có làm thường xuyên mới thạo, mới thấm, mới giỏi. Vả lại khi con khóc con la mà đang chuẩn bị một món nấu, không lẽ chạy đi tra? Vẫn là căn bệnh phổ biến của ích kỷ, ngại làm, dựa vào cha mẹ cùng với một quan niệm đã bị đẩy đi rất xa: chồng và vợ đều là người có bằng cấp, đi làm, về nhà chồng phải cáng đáng hết để vợ chăm con mà thôi. Bên Tây Mỹ, đàn ông có bao biện thật, dỗ con, bế con, rửa bát, phơi phóng, lau nhà… họ quan niệm vợ mang nặng đẻ đau khó nhất, mình những việc này, chuyện nhỏ!

Nhưng có lẽ vợ cháu thuộc hàng cá biệt. Cũng từng ham thích nấu ăn, nhưng khi đã có con thì vừa trở lại thói quen chây ỳ bên mẹ, vừa quan niệm như cô nói trên, mô hình vợ chồng hiện đại, chồng phải gánh vác. Cháu trai bắc, gia trưởng có, chịu khó cho vợ con nhàn, cũng có, nhưng mọi thứ nó chỉ giai đoạn mà thôi. Bắc hay Nam gì vợ cũng phải bếp núc, chồng phải xông ra thương trường hay công sở, kiếm tiền chủ yếu nuôi vợ nuôi con.Chồng thu nhập chính, về nhà còn đủ thứ việc vặt, có mà chết sớm!

Mẹ cháu âm ỉ bức bối. Mẹ vợ bồn chồn muốn giúp. Có lẽ, nên để mẹ vợ lên với các cháu thường hơn, để cho con của cháu lớn hẳn, vào cấp I, khỏe mạnh lên, ăn nhà hay ăn ngoài nhiều cũng không sao. Giữa hai thứ phải chọn, theo cô, nên chọn phương án mẹ lên, vợ cháu sướng, con của cháu có bà giúp, tuyệt chứ. Nhà chật nhưng nhà bỗng rộng khi mẹ dọn, mẹ nấu, mẹ vui. Một mẹ già bằng ba con ở, không mướn người, thì đành nhờ mẹ, trông cậy vào mẹ lúc này đã. Coi chừng tòi ra một đứa nữa, khi ấy, cần mẹ dài lâu và mình thì đành chung sống với cái nết lười nấu nướng của vợ vậy thôi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất