| Hotline: 0983.970.780

Vợ của người lính tàu HQ 605

Thứ Tư 16/10/2013 , 10:37 (GMT+7)

Nhìn chị Chỉnh, tôi không thể lý giải được trong cái thân thể mỏng manh nghị lực nào, ý chí nào lại cho chị những sức mạnh đến nhường ấy.

Nhìn vào căn nhà, nhìn vào những giấy khen treo chi chít trên tường của các con chị rồi lại nhìn vào chị tôi không thể lý giải được trong cái thân thể mỏng manh nghị lực nào, ý chí nào lại cho chị những sức mạnh đến nhường ấy.

>> Hai người đàn bà xứ linh tinh tình phộc

HQ 505, HQ 604, HQ 605 - những con tàu anh hùng đó đã quá nổi tiếng trong trận hải chiến đẫm máu ở Trường Sa ngày 14/3/1988. Đồng đội chết, tàu bị chìm, Khổng Ngọc Quang (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) bám vào chiếc xà gỗ lênh đênh trên biển ba ngày ba đêm, anh phải vớt từng con ốc bỏ vào mồm ăn sống mới trôi dạt đến đảo Sinh Tồn.

Khi vừa lên được bờ, Quang đã thấy mấy họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào đầu kèm tiếng hô đanh thép: “Giặc, giặc”. Vội vã thanh minh: “Không, Việt Nam, Việt Nam” anh đã thoát chết nhờ bộ râu đã thành “thương hiệu” của bộ đội Trường Sa, thành đặc điểm nhận dạng Quang "Râu”.

Khi đó ở nhà đài báo ngày ngày thông báo mấy chục chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam chết và mất tích trong trận chiến ở bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Hơn hai tháng đỏ mắt ngóng tin chồng mà không thấy gì cả gia đình đinh ninh anh đã chết.

Chuẩn bị phát tang chồng, chị Nguyễn Thị Chỉnh  bỗng nhận một lá thư tay viết vội trên mẩu giấy xé ra từ vỏ bao thuốc lá. Lá thư chỉ nghệch ngoạc vài vài dòng: “Em và con cứ yên tâm, anh vẫn sống. Khổng Ngọc Quang”. Nửa người chị Chỉnh như được sống lại lúc nhận ra đây là chữ của chồng. Lúc bấy chị đã có một đứa con gái nhỏ và đang mang trong bụng một cặp thai ở tháng thứ năm.


Ảnh gia đình chị Chỉnh ngày đoàn tụ

 

 

Lập gia đình rồi từ năm 1981, anh Quang đi biền biệt lo giữ biển để lại quê nhà người vợ tự trở dạ vượt cạn một mình, tự lầm lụi nuôi con thơ ấu.

Chị còn nhớ như in buổi tiễn anh đi Trường Sa, chồng đèo vợ trên chiếc xe đạp cũ ra tận bến Trung Hà giáp Hà Nội rồi đãi vợ một gói kẹo lạc. Gói kẹo là món quà duy nhất anh tặng chị từ thủa họ còn tìm hiểu nhau…

Đêm đêm bên ánh đèn dầu leo lét có hai cái bóng lủi thủi hắt lên vách. Giọng trẻ bi bô hỏi: “Bố con đâu rồi? Bao giờ về hả mẹ?” Chị xoa đầu con thủ thỉ rằng: “Đảo là nhà, sóng biển là quê hương. Bao giờ thắng giặc ngoại xâm bố con lại trở về”.

Chị là người đồng bằng về làm dâu xứ đồng chiêm, một mùa khô một mùa nước trắng, cái gì cũng lạ lẫm, học từ cách chống thuyền học đi. Mùa cấy, dây mạ lây lê lết trong bùn, mùa thu hoạch nước về đột ngột toàn gặt mò, gặt lặn.

 

Rét căm căm, sương muối sa xuống, ngày cầm nhủi tre đi xúc cá, tối chị tát đững bắt tôm dung, tôm gạo, tôm đào bơi theo dòng nước sáng trăng. Ngâm mương máng cả ngày, sườn vai trợt đỏ như chuột lột, đau nhức cùng mình. Chị học theo cách những người đàn bà quê đốt giẻ rách lấy khói hơ chân tay đến khi da vàng rộm, đến khi thịt thật dày cho nước khỏi ăn.

Bố mẹ chồng già, đàn em của chồng nhỏ dại, việc nhà vất vả chị vẫn tham gia vào công tác xã hội. Bà mẹ chồng lúc đầu ra chiều không đồng ý. Lắm buổi tối đi họp đội sản xuất về đến nhà cửa đã đóng, then đã cài.

Chẳng dám gọi, chị lặng lẽ ngủ vùi ở ngoài thềm hoặc trong chuồng trấu nơi xó bếp nhưng sáng ra vẫn cơm dẻo, canh ngọt, vẫn nằn nì: “Con có gì sai bố mẹ bảo ban chứ đuổi con làm gì? Con đã về nhà chồng sống gửi thịt, chết gửi xương”.

Chị Nguyễn Thị Nụ, bạn đồng niên kể trong sự nể phục về những vất vả của chị Chỉnh: “Cũng là đàn bà mà sao tôi thấy chị vất vả quá, vất nhất xóm. Bận chị đạp xe vào tận huyện Thanh Sơn cách nhà hai mươi cây số để mua sắn khô, loại sạn bán cho lợn, loại trắng bán người ăn.

Bận đạp xe lên tận tỉnh Tuyên Quang cách nhà 40 cây số bán mắm khi về giữa đường hỏng xe lại gặp mưa, gió sấm sét vừa đi vừa khóc. Ở nhà tối mịt, tối mờ, lợn kêu vì đói quá đứa con bốn tuổi đã ra hàng rào bứt lá cúc tần cho ăn rồi chính nó cũng khóc vì đói khiến cho hàng xóm phải mang bát cơm sang xúc giúp…

Làm quần quật cả ngày, ai đời nửa đêm nửa hôm chị còn vác nhủi đi lúc tôm cá đang ngủ, khắp mương trên máng dưới, chỗ nào cũng lội để bắt cua, mò ốc”.

Năm 1991 anh Khổng Ngọc Quang phục viên trở về, đứa con thơ mấy năm trời không biết bố là ai bỗng òa khóc vì chú “bộ đội” đứng ngay trước cửa nhà mình. Chồng về, chị bán thóc, bán lợn, mua than đóng gạch dựng lên một căn nhà nhỏ thay cho túp lều ngày trước. Anh làm bảo vệ HTX nông nghiệp mỗi năm được trả 6 tạ thóc, chị làm 8 sào ruộng nhưng chẳng bao giờ không đủ ăn cho lũ con.

Khổ quá chị mới bàn với anh cho đi buôn muối với giấc mơ nhỏ nhoi có cái giếng khơi để đỡ phải đi xin nước, có cái sân phơi thóc để đỡ cập rập lúc trời mưa, có cái bếp để khỏi phải bắc nồi đun ở ngoài thềm nhà. Vốn liếng dần dà tích góp mỗi ngày một tí, chị không còn đong muối của cánh lái buôn nữa mà đạp xe lên tận thị trấn mua về bán tại chợ xã.

Căn nhà nhỏ cũng được ngăn đôi, nửa kê cái giường bốn năm người ngủ, nửa làm kho muối. Hôm đầu chỉ bán được một cân những buổi sau vài ba cân đến cả yến. Thấy muối của chị bán rẻ động chạm đến quyền lợi sát sườn, cánh lái muối ở thị trấn phản ứng quyết liệt. Họ cạnh tranh bằng cách đổ muối đến tận nơi những mối mà chị Chỉnh hay đưa hàng với giá còn rẻ hơn cả giá chị nhập vào.


Chị Chỉnh bên mẹ chồng

Không chấp nhận chịu thua cuộc, chị Chỉnh cắm biển ngay trước cửa hàng, hạ giá muối xuống từng ngày, ở đâu chào giá rẻ, nơi chị còn rẻ hơn. Cuộc cạnh tranh khốc liệt, đôi bên đều thiệt hại vì đều phải bán dưới giá vốn, cuối cùng cánh lái muối đành hiệp thương với chị xin chấm dứt cuộc gây hấn.

Sẵn muối sẵn con tôm, con tép ở quê chồng, chị nghĩ ra cách làm mắm để thêm phần sinh lợi. Dần dà thấy dân quê cần gì chị bán thêm thức ấy, lúc thì xà phòng, khi dầu ăn, bận lại sữa...

Thương mẹ quá nhọc nhằn, đứa con đầu đang lớp 8 xin nghỉ để bán hàng giúp mẹ, nhường quyền học cho các em. Chị Chỉnh có cách dạy học rất độc đáo. Con ngồi vắt vẻo ở càng xe đạp, hai sọt muối nặng trĩu thồ sau baga, mẹ kẹp ở giữa thế mà nào chợ Tứ Xã, chợ Bản Nguyên, chợ Vĩnh Lại chị vừa đi vừa giảng bài mồm cho các con.

Mồ hôi mẹ chan hòa như muối mặn, những con chữ như muối thấm dần vào đầu con. Chúng học để trả nợ cho bố mẹ, trả nợ cho những sọt muối nhọc nhằn. Chúng thi đại học toàn 26, 27 điểm mà đỗ ở những trường tốp nhất. Ngày nhận tin báo hai con vào học đại học cũng là ngày ở nhà chồng chị biết tin mình mắc chứng ung thư, hai tháng sau anh mất.

Gắng gượng vượt qua nỗi đau đớn xa chồng, chị lại cặm cụi làm lụng dành tiền cho con ăn học, xây lại căn nhà tiên tổ, mua được mảnh đất tiền tỉ ở giữa Hà thành.

Giờ con cái đứa lấy chồng, đứa đi làm xa, chị ở với bà mẹ chồng Nguyễn Thị Quý. Hai người đàn bà góa, hai cái bóng lủi thủi vào ra, thủ thỉ tâm tình mà trong nhà lúc nào cũng ngọt ngào tiếng mẹ mẹ, con con. Nhìn vào căn nhà, nhìn vào những giấy khen treo chi chút trên tường của các con chị rồi lại nhìn vào chị tôi không thể lý giải được trong cái thân thể mỏng manh nghị lực nào, ý chí nào lại cho chị những sức mạnh đến nhường ấy?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất