| Hotline: 0983.970.780

Vợ đẹp vợ ngon, con khôn con ngoan, còn mong muốn nào hơn?

Thứ Hai 30/07/2018 , 06:50 (GMT+7)

Khi tôi biết mình đã sai lầm thì quá trình chồng làm vợ, vợ thành chồng trong gia đình tôi không đảo ngược lại được. Khách hàng đến nhà, tưởng cô ấy là con gái tôi. Vợ trẻ, vợ xinh ai chả thích nhưng...

Thưa chị,

Tôi biết mình đã tàn, những tâm sự này viết lên cho khuây chứ không thay đổi được gì nữa. Âu là, biết đâu những người đàn ông thế hệ sau tôi nếu đọc được, sẽ có ích gì đấy cho họ.

Tôi sắp lục tuần, dù chị lớn tuổi hơn tôi đôi chút, nhưng chúng ta cùng thuở thiếu thời chiến tranh, hòa bình và đói kém. Đọc chị tôi biết, thời “Miền Nam em dừa nhiều, miền Nam em dứa nhiều, miền Nam em xoài thơm”, bài hát ấy chúng tôi ở Bắc nghe để thèm, để mong muốn thống nhất đất nước giàu có. Thế nhưng hậu chiến không như chúng ta hình dung, cả tôi và chị, riêng tôi, lính nghĩa vụ năm 18 tuổi, ở biên giới phía Bắc. May mà thoát chết.

Với tôi cô ấy là người đẹp nhất. Có lẽ tôi thừa hưởng cái nết từ bố mình, nông dân nhưng rất chiều vợ, rất văn minh với vợ. Cô ấy ít hơn tôi 4 tuổi, khi tôi giải ngũ cũng đã 28, muốn đi tiếp binh nghiệp tôi phải đi trường sĩ quan.

Tôi nhất quyết ra quân, đi nghề mộc, tôi muốn là nghệ nhân, nghề ấy bền, không cần vốn mà ngày mỗi đông khách vì nhu cầu của thời bình. Nhưng phải cưới vợ đã chứ, tôi 30, cô ấy cũng đã chờ tôi, phụ nữ 26 tuổi đâu còn nhiều cơ hội nữa.

Làng quê tôi là làng nghề gỗ. Tôi dựng nhà, vừa làm nghề vừa học, vợ vẫn đi làm cái việc yêu thích của cô ấy. Nhìn vào thấy chồng khi nào cũng bụi bặm mà vợ là viên chức phòng thuế (sau cô ấy chuyển về chi nhánh một ngân hàng to).

Tôi làm tất, bố mẹ tôi ở gần đem cháu về chăm, lần lượt hai đứa, thấy tôi kiêm cả việc bếp núc, mẹ tôi xót con cũng hay sang giúp. Dần dần tôi gạt đi, vì tôi biết nấu và nấu giỏi. Mẹ tôi xời, anh đội vợ lên đầu! Mẹ quên, mẹ cũng được bố bao biện, mẹ có giỏi nấu nướng gì đâu.

Ngẫm ra với đàn bà được chân lân lên đầu. Mẹ tôi được chiều nhưng không hư, có lẽ bà thuộc thế hệ xưa, truyền thống nho gia. Vợ tôi, càng ngày càng lóng lánh, coi chồng như lão bộc, như quản gia.

Khi tôi biết mình đã sai lầm thì quá trình chồng làm vợ, vợ thành chồng trong gia đình tôi không đảo ngược lại được. Khách hàng đến nhà, tưởng cô ấy là con gái tôi. Vợ trẻ, vợ xinh ai chả thích nhưng vợ như bà hoàng chồng là bầy tôi, thằng đàn ông nào chịu được hở chị?

Nhưng hai đứa con tôi yêu tôi một cách tuyệt vời. Chúng đã trưởng thành, ăn học và làm việc ở thủ đô. Con trai bảo sẽ noi bố, cưới vợ muộn, sau ba mươi mới tính. Đứa con gái mộng đi học cao học thời trang ở nước ngoài.

Nhìn con tôi mãn nguyện nhưng nhìn vào đời sống vợ chồng mỗi ngày, tôi quá thương tôi, tôi đã hy sinh quá nhiều cho vợ con, đến mức, tôi không biết mình đã có những ngày hạnh phúc đích thực hay chưa. Bài học là chồng giỏi thì vợ kém, nhưng kém không nghĩa là xấu tính và bạc, ấy là điều tôi chiêm nghiệm bấy nay đấy chị.

-------------------

Bạn thân mến!

Trong đời sống vợ chồng, ít khi có công bằng tuyệt đối. Tôi nghiệm chính mình và nhìn quanh, đã có tổng kết đại thể vậy. Mấy ai chồng giỏi mà vợ cũng giỏi? Mấy ai chồng hào phóng mà vợ cũng thảo thơm? Mấy ai chồng cần cù mà vợ cũng siêng năng cần kiệm? Mấy ai chồng đẹp mà vợ cũng đẹp nữa?

Không bao giờ, trừ cánh nghệ sĩ, siêu sao… nhưng họ bỏ nhau xoành xoạch và nhìn bề ngoài thế thôi, họ cũng rất nhiều tâm trạng, bi kịch.

Có câu “dạy con dạy thuở còn thơ, dạy vợ dạy lúc ban sơ mới về”, ở miền Nam tôi đó. Chữ dạy ở đây hơi quá, khi đặt dạy con cũng như dạy vợ. Nhưng thực chất, dạy vợ ở đây là giúp, điều chỉnh, lưu ý sở thích nết ăn nết ở phù hợp với vị trí dâu con và người vợ trong ngôi nhà hôn nhân của mình.

Có thể cô vợ của bạn từng đẹp, tôi biết có người đẹp từ da đến dáng nhưng đẹp không có nghĩa là ngồi mãi trên đầu chồng. Bạn đã sai lầm, rất sai lầm là làm thay, làm hết để chứng tỏ ta yêu vợ, ta văn minh, ta chiều vợ. Đúng, đàn bà được 5 thì đòi 6, được 9 sẽ đòi 10, đến lúc chồng không thể đáp ứng được nữa mới thôi. Nhưng nào có thôi, quen rồi, lóng ngóng toàn diện và ỷ lại.

Đàn bà không nấu nướng, không thạo món nào, không có món tủ, theo tôi, đó là đàn bà vứt đi. Với bất kỳ lý do gì, đẹp ư, bận ư, đoảng ư, vụng ư, không lý do nào châm chước được.

Tôi không hình dung được mấy mươi năm qua vợ bạn làm gì khi rời công sở, chồng hầu nhưng chắc chắn cũng biết nuôi con, chăm con, lau dọn nhà cửa bếp núc và nấu một số món chứ? Những ngày nghỉ, làm gì, lượn ư, tám ư, mua sắm ư? Thật không hình dung được.

Bạn làm mộc tại gia, chắc là khéo tay nên biết cả nấu nướng. Có một ông chồng lấm láp cam chịu một bà vợ như bà hoàng sao? Hẳn cô nàng phải giòn, phải rất xinh và rất khéo mồm nên chồng mới cam những mấy chục năm.

Đó là hạnh phúc của bạn đấy, vợ đẹp vợ ngon, con khôn con ngoan, còn mong muốn nào hơn? Nếu vợ bạn lười, quen ăn sẵn mà không hai lòng, thì ngôi nhà của bạn có thứ hạnh phúc mà mọi người nhìn vào sẽ thấy ngay: vợ là bình hoa mà bạn là người vun phân tưới nước chăm bón mỗi ngày.

Thôi nhé, già rồi, không ai trọn vẹn như mình từng mong muốn, hình dung. Nhắc bạn đừng cố quá, đừng để tàn quá, đừng xài cái thân mình quá. Vợ sẽ về hưu, cũng đã già, lo chi, một chặng khác của cả hai, hãy tin là vợ sẽ quanh quẩn với chồng và sẽ thay đổi.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất