| Hotline: 0983.970.780

Vỏ dưa hay vỏ dừa gì cũng người Việt, cũng hàng xóm, chạy đâu cho khỏi nắng?

Thứ Sáu 14/09/2018 , 06:50 (GMT+7)

Hiện tại hàng xóm của cháu ở chung cư này có tới 9 gia đình. Cầu thang ở giữa, hai căn hộ đối nhau. Thật là hãi hùng cô ạ. Những nhà trên nuôi chó nuôi mèo, những nhà dưới rác không buộc túm...

Cô kính mến!

Cháu còn nhớ có lần cô viết cho người nào đó nói rằng có ba thứ mà chúng ta không chọn được, thứ nhất quê hương, thứ hai cha mẹ và thứ ba hàng xóm. Quê hương sẽ có thêm quê thứ hai, quê mới, cha mẹ cũng có thể có thêm là cha mẹ chồng (hoặc vợ) hoặc cha mẹ nuôi và, hàng xóm, cũng có thể thay đổi.

Hiện tại hàng xóm của cháu ở chung cư này có tới 9 gia đình. Cầu thang ở giữa, hai căn hộ đối nhau. Thật là hãi hùng cô ạ. Những nhà trên nuôi chó nuôi mèo, những nhà dưới rác không buộc túm, hay khạc nhổ vào đúng các giờ ăn và chửi nhau. Họ chửi nhau, người trong nhà và chửi hàng xóm như cơm bữa. Đối diện với cháu là một gia đình từng rất giàu, nhà đất bán dần cho các con, ba người con trai vô công rồi nghề. Một người vừa chết vì tiểu đường, một người vừa đi cai ở trại ra, hai ông bà già hết thời như mèo ướt.

Cái cháu sợ nhất là người vừa đi cai ấy hay than mất xe, mất nghĩa là cầm hay bán để ăn. Sợ nữa là anh ta hay hỏi mượn tiền ba má cháu, mượn cả cháu khi gặp ngoài đường. Nhà cháu toàn phải đưa ra để chuốc lấy yên ổn lâu dài, sợ mà phải cười, không thích mà không dám để lộ, sợ trả thù, sợ làm hại.

Một hôm bạn anh ta tới, ra về, cháu nhìn qua khe cửa cháu thấy, hình như họ có hít hay tiêm gì đó, cái người đàn ông khách đó vãi ra quần, cứt đái. Cô ơi, cháu không dám kêu, chờ yên yên, cháu mở cửa ra lặng lẽ xử lý, bởi mấy thứ đó ngay chiếu cầu thang mình, để mình ngửi à và người đi, chó mèo đi dây ra tùm lum à?

Chắc cô sẽ hỏi, sao không bán nhà đi? Thưa cô, căn hộ này là tuổi trẻ của ba má cháu, những công chức xưa, bao nhiêu là kỷ niệm. Khi nào nhà nước bứng thì nhà cháu đi, như mọi người. Ba má cháu mới sống có 1 năm thì kết thúc chiến tranh, làm lưu dung, sau thành người được xét vô biên chế, nuôi hai anh em cháu nên người. Anh cháu đi theo nhà vợ ở nước ngoài, cháu là đứa không lấy chồng đến tận hôm nay, chăm sóc ba má. Nhờ anh cháu có hiếu, ba má có ít lương hưu, khá an nhàn. Còn mua nơi khác, thì tiền đâu, anh cháu như là ở rể mà cô.

Lá thư tâm sự chứ không biết cô sẽ khuyên sao nữa. Cảm ơn cô đã lắng nghe.

---------------------

Cháu thân mến!

Đúng là lá thư chỉ để than thở. Văn hóa sống ở đô thị của người mình còn quá kém, y như sống ở thôn quê. Ở chỗ nhau rốn cuả chúng ta, nói to, đi ần ầm, khạc nhổ, xả rác…không hề gì lắm. Đem thói xấu ấy vào đô thị, lôi cả chó mèo vào nữa, và giận nhau thì mở toang cửa ra chửi cho người khác nghe, và nữa, bất bình hàng xóm chuyện gì, cũng dùng thói chửi để giải quyết vấn đề. Hết biết!

Cô cũng không lạ gì cách sống này. Bởi cô cũng là nạn nhân của những người hàng xóm hắc-lem quanh mình. Cháu ơi, kinh khủng, rác, chó và mèo, có nhà nuôi những con chó ngoại mà dám góp ý sao, nó ghét nó xùy chó cắn chết mình. Có nhà mê mèo, bà tổ dân phố chứ ai, ở một mình, nuôi một bầy mèo, mùa mưa dầm khai thối inh lên như là tắc cống. Có nhà chửi nhau, chị em ruột cãi nhau như chửi, họ đi buôn bán, ở nhà ô-sin chửi con cái của chủ như tra tấn tù. Cô cũng chịu đựng chứ đi đâu, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa à?

Điều đáng nói là chính quyền không làm những việc như có phạt vạ những ai nuôi chó đưa ra ngoài, những ai nuôi mèo vô tội vạ, những ai đái bậy, những ai xả rác, những ai chửi nhau ồn, những ai mở nhạc to, những ai hát karaoke hết cỡ…Rất nhiều quy định nghiêm ngặt mà lý ra Dân phố, Khu vực, phường khóm…phải thuần thục, làm gương, quán xuyến, nhắc nhở, xử lý. Sống như không phải chỗ có chính quyền, tủi thân quá, đúng không cháu?

Chúng ta là những người sống biết điều. Thôi thì vỏ dưa hay vỏ dừa gì cũng người Việt, cũng hàng xóm, chạy đâu cho khỏi nắng? Vậy nên ta cải tạo không gian sống bằng cách lịch sự, nhã nhặn và chịu khó. Làm cho sạch, là sống được trong hơn một chút. Như cháu, làm cái việc như cháu mô tả là cần làm, là cô cô cũng làm. Và còn chuẩn bị tinh thần còn phức tạp nữa, còn bị bỏ quên nữa, còn phải tự xoay xở nhiều nữa cháu ơi.

Một câu nhịn chín câu lành. Chúng ta sống với chung quanh ra sao ta biết chứ. Tu tại gia, tu tâm, dần tâm thiện, hành vi thiện sẽ lan tỏa, như khí trời, như ánh sáng, như hương hoa. Nhớ nghe cháu, cứ làm cho chung quan sạch, trong dần và tốt lên, trời có mắt, nha cháu.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.