| Hotline: 0983.970.780

Vợ làm gì khi chồng thường công tác xa nhà?

Thứ Bảy 15/07/2017 , 08:35 (GMT+7)

Vốn là một nhân viên kinh doanh nhanh nhạy, nên sau khi lập gia đình rồi sinh con, chị Mộng Hoàng mới nhận ra gánh vác một gia đình cụ thể là như thế nào khi ông xã của chị cứ vắng nhà triền miên.

Vắng chồng, chị Hoàng kiêm luôn công việc làm cha, còn chồng vì công việc mà thi thoảng mới về nhà. Chồng chị Hoàng, anh Trần Liêm, là một chuyên gia dầu khí, cứ quá đến nửa tháng làm việc ở giàn khoan, còn lại thì nghỉ ở nhà. Mỗi năm, anh Liêm cũng có vài chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài. Từ việc nhỏ, như trồng cây, chích ngừa cho thú cưng, bảo vệ, làm vườn, cho đến việc lớn như mua xe, mua đất, xây sửa nhà, và sau này là đi khám thai, sinh con, chọn trường cho con, đưa con đi nghỉ, chỉ một tay chị Hoàng gánh vác.

10-02-01_trng_14-3
Ảnh minh họa

Với thu nhập ngất ngưởng của chồng, chị Hoàng lo quản lý tiền bạc, tìm kênh đầu tư để tiền bạc sinh sôi nhiều hơn, chăm sóc nhà cửa, con cái. Cứ mỗi dịp hè đến, chị cùng các con đi nghỉ vì chuyến công tác dài ngày của chồng kết thúc thì bọn trẻ phải chuẩn bị nhập học.

Chị Minh Hạnh, có chồng là giám đốc một cảng vụ hàng không cách thành phố đến vài chục cây số. Anh Quốc Bình, chồng chị thường chỉ về nhà vào dịp cuối tuần, mọi việc học hành của con, nhà cửa, chuyện đối nội, đối ngoại anh đều “bàn giao” hết cho vợ, nhưng việc gì cần giải quyết, chị Hạnh vẫn muốn trao đổi với chồng.

Chị cho biết: “Làm tất cả mọi việc chưa phải là khổ nhất khi chồng thường hay công tác xa nhà. Đàn ông họ không chi tiết như phụ nữ nhưng về mặt khái quát, tổng thể, họ nhìn nhận thấu đáo hơn, có người bảo tôi cẩn thận, vì đàn ông thường xa mặt cách lòng lắm, nhưng tôi tin vợ chồng mình đã trải qua đủ chua, cay, ngọt, đắng để biết gì là quan trọng, cần giữ gìn để đi cùng nhau đến cuối đời”.

Điều luôn làm chị Hạnh lo lắng là việc chồng quá yêu chiều con cái, muốn bù đắp cho con mỗi khi về nhà. Tuy con cái của họ chưa tận dụng lợi thế này, nhưng cũng khiến chị lưu tâm. Thực tế, sự lo lắng của chị Hạnh không phải không có lý do. Hầu hết những người cha xa nhà đều có tâm lý muốn bù đắp cho con cái về vật chất và tình cảm.

Họ dễ chiều chuộng con từ việc nhỏ như cho ăn uống thoải mái hay nghỉ học khi trời mưa, khi cha vắng nhà, đến những việc lớn hơn, như cho con đi du học ở đâu. Để biến những thiếu hụt trở thành ưu thế là điều mà những phụ nữ vắng chồng, như chị Hạnh, phải tận dụng. Chị chọn cách kết nối với chồng và các con qua phương tiện video call hằng ngày, để anh Bình có cảm giác như mình vẫn ở nhà.

Chị Hạnh vui vẻ nói: “Các con tôi vẫn hôn ba của chúng mỗi buổi tối trước khi ngủ, bài vở vẫn hỏi han. Có khi mọi chuyện ở trường anh ấy còn biết trước cả tôi. Hiện nay, không ít gia đình mà các thành viên ngày ngày chạm mặt nhau vẫn không có sự giao tiếp. Không ít cặp vợ chồng khó nói chuyện với nhau qua câu thứ hai mà đôi bên không nổi cáu. Thế nên, khoảng cách và vẻ mặt nhẹ nhõm tươi cười với nhau trên màn hình có khi lại là một lợi thế”.

Một chuyên gia tâm lý có chia sẻ: “Tôi hiểu được cảm giác của người vợ khi yêu nhưng lại bị hạn chế về khoảng cách thời gian và không gian. Sẽ thật khó và thường cảm thấy cô đơn khi không thường xuyên nhận được những cử chỉ quan tâm, những lời nói âu yếm hay ánh mắt yêu thương từ chồng mình. Tôi đoán chắc anh ấy cũng buồn và cảm thấy nhớ bạn trong khoảng thời gian mà anh đi công tác. Bên cạnh đó, xa cách nhau như vậy có thể làm cho cả hai lo lắng rằng mình sẽ dần dần phai nhạt tình cảm và không còn trở nên quan trọng trong tư tưởng của bên kia”.

Để khắc phục những trở ngại trên, cả hai cần tìm cách làm sao để có thể chia sẻ thông tin cho nhau một cách tốt nhất. Đừng ngại kể cho chồng những việc hàng ngày của bạn, dù là những việc nhỏ nhặt nhất. Chính những thông tin ấy sẽ giúp anh ấy có cảm giác như vẫn đang ở cạnh vợ, cùng tham gia vào cuộc sống gia đình. Vợ chồng cũng có thể chọn những hình thức liên lạc khác như điện thoại, nhắn tin, email hoặc thậm chí có thể bằng cả những lá thư viết tay nữa.

Ngược lại, người chồng cần bày tỏ sự quan tâm dành cho vợ thông qua những buổi trò chuyện, hoặc viết những cảm xúc của mình vào cuốn sổ nhỏ, hay đơn giản mỗi ngày kể những câu chuyện nho nhỏ đã trải qua như một cách tâm sự với vợ. Chính những điều này sẽ làm cho cả hai luôn nghĩ về nhau cho dù đang ở cách xa.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?