| Hotline: 0983.970.780

Vợ nhặt

Chủ Nhật 24/11/2019 , 14:15 (GMT+7)

- Cháu ơi... cháu... Nghe tiếng gọi, Liên dừng xe. Từ một ngôi nhà ven đường, một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi chạy ra

- Mày đi nhặt phế liệu hả cháu?

- Vâng ạ

- Thế mày vào đây dọn dẹp cái nhà này giúp bác với. Rồi thứ nào lấy được thì lấy, bác không lấy tiền đâu.

Liên theo ông ta vào nhà. Một ngôi nhà hai tầng nằm giữa một khu vườn rộng dễ đến 3 sào vườn. Nhà bừa bộn rác rưởi, có lẽ lâu lắm rồi không được quét. Khắp vườn rải rác nào vỏ lon bia, nào ống nhựa, đoạn thép... Toàn những thứ rất hấp dẫn đối với những người làm nghề thu gom, nhặt phế liệu như Liên. Thu gom được một đống phế liệu xong, Liên toan chất lên xe, thì ông ta bảo:

- Còn cái chuồng gà bằng sắt với lại đống xoong nồi cũ ở góc vườn kia kìa, cháu rinh nốt nó đi giúp bác với.

Thấy Liên loay hoay với cái chuồng gà, ông chủ liền khiêng giúp. Thêm đống xoong nồi cũ đến hơn chục cái nữa, cái xe đạp của Liên không sao thồ hết. Ông chủ bảo:

- Cái chuồng gà này là ngày bà xã nhà bác còn sống, bà ấy nuôi. Những thứ xoong nồi này cũng vậy. Hỏng rồi nhưng bà ấy tiếc, vẫn gom lại rồi gọi đồng nát vào bán. Nhưng rồi bà ấy mất, chẳng ai thu dọn nữa. May nhờ được cháu giải quyết giúp cho. Mày có biết đi xe máy không?

- Dạ có ạ.

- Thế thì để bác mượn cho cái xe ba gác, chất các thứ lên, rồi buộc càng xe vào sau cái xe máy của bác kia mà chở về, mai mang xe sang trả bác, chứ cái xe đạp rách này của mày, thì thồ đến bao giờ hết.

Chỉ loáng sau, ông ta đã kéo cái xe ba gác về, giúp Liên buộc xe vào sau cái xe máy của ông rồi giúp Liên chất đồ lên.

Thật là một ngày đại cát. Vừa đi, Liên vừa nghĩ. Thường ngày, đạp xe rạc cẳng may ra mới được trăm ngàn. Nhưng với đống đồ này, ngày nay phải được bẩy tám trăm.

Hôm sau, mang trả xe cho ông, thấy nhà cửa bẩn quá, Liên tìm chổi quét giúp. Ông chủ có vẻ cảm động:

- Cảm ơn cháu. Bác hỏi nhá. Mỗi ngày cháu đi thế này, thu nhập có được vài trăm không?

- Làm gì được, thưa bác. Ngày nào may mắn thì được trăm rưỡi, có ngày không được. Bình quân mỗi ngày cháu chỉ được một trăm thôi.

- Thế bác nhờ cháu giúp một việc, được không? Mỗi tuần cháu sang đây giúp bác hai ngày, vào thứ bẩy chủ nhật. Việc của cháu là lau dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, nấu cơm rồi nếu còn thời gian thì cắt cỏ dọn vườn. Mỗi ngày bác trả công cho cháu hai trăm, được không?

Liên nhận lời. Từ đó cứ thứ bẩy chủ nhật cô sang nhà ông, chiều tối nhận tiền công rồi về. Trưa hôm đầu tiên, ngồi ăn cơm với ông chủ, ông bảo:

- 5 năm nay bác mới được ăn cơm nhà. Thường ngày bác chỉ trưa ăn cơm quán, tôi làm gói mỳ tôm hoặc cái bánh mỳ rồi đi ngủ.

Ông cho Liên biết, ông tên là Đạo, là luật sư, thường ngày cứ 8 giờ ra văn phòng ở nội thành làm việc, 17 giờ về nhà. Hai đứa con đều định cư ở nước ngoài. 5 năm trước vợ ông chết vì ung thư. Từ đấy, một mình ông thui thủi. Nghe ông kể, Liên chợt thấy chạnh lòng, thương ông vô cùng.

Nghe ông hỏi về gia đình mình, Liên cúi gằm mặt vì tủi thân. Lấy chồng được một thời gian thì chồng Liên đâm đổ đốn, vừa nghiện rượu, nghiện cờ bạc vừa nghiện ma túy. Để có tiền hút chích, hắn buôn heroin với số lượng lớn rồi bị bắt, bị tuyên án tử hình. Án vừa được thi hành được nửa năm.

Gặp phải bà mẹ chồng độc ác, nanh nọc, không ở nổi, Liên đành mang hai đứa con gái về nhà mẹ đẻ. Nhưng con vợ thằng em trai quá hỗn xược với chị chồng. Lại không thể ở được, cô phải đi thuê nhà rồi hàng ngày đi nhặt phế liệu nuôi con.

Nghe Liên kể, ông luật sư bùi ngùi.

- Thế thì cháu hãy đưa hai đứa con sang đây mà ở. Nhà bác rất rộng, đỡ được khoản tiền thuê nhà. Cháu đừng đi nhặt phế liệu nữa, hãy làm người giúp việc cho bác. Việc ăn uống, tiền đi lớp mẫu giáo, đi học của 2 đứa cháu để bác lo. Hàng tháng bác trả công cho cháu 5 triệu, được không?

Liên nhận lời. Mấy hôm sau cô dẫn hai đứa con sang nhà ông. Vừa thấy ông, hai đứa con Liên cất tiếng:

- Cháu chào ông.

- Gọi ta là bác thôi, nghe chưa. Vì tuy đã lớn tuổi nhưng giờ bác vẫn là trai chưa vợ.

Nghe vậy, hai đứa con Liên răm rắp vâng lời. Từ đó, hàng ngày ông đi làm, giao cho Liên toàn quyền chợ búa, mua sắm cơm nước. Vốn tính tham việc, hàng ngày Liên cuốc vườn trồng rau, mang bán chợ để tăng thêm thu nhập.

Thoáng chốc, mẹ con Liên đã ở nhà ông Đạo được đầy năm. Hai đứa con Liên rất quấn quýt bác Đạo mỗi lúc bác ở nhà. Một hôm, ông bảo Liên:

- Liên ơi, cho tôi được nhận hai cháu là con nuôi nhé.

Nghe hỏi, Liên trào nước mắt vì cảm động. Đêm hôm ấy, thấy ông Đạo cứ trằn trọc, chốc chốc lại trở dậy, Liên pha cho ông một ly cà phê mang lại. Đỡ tách cà phê, ông ân cần:

- Cảm ơn em, mời em ngồi xuống đây. Tôi muốn hỏi em một câu:

Chờ mãi không thấy ông mở lời tiếp, Liên hỏi :

- Bác hỏi gì ạ?

- Tôi là bố hai đứa con. Liên là mẹ chúng nó. Vậy tôi với Liên là gì?

Nghe hỏi, trái tim Liên rung động, thổn thức. Không đắn đo, Liên trả lời luôn:

- Anh muốn là gì, thì sẽ là cái đó.

Luật sư Đạo đứng dậy, kéo Liên lại gần, ôm lấy Liên:

- Vậy chúng ta hãy là vợ chồng nhé. Anh thầm yêu em từ lâu rồi. Không ngờ cuối đời, anh lại nhặt được niềm hạnh phúc to lớn thế.

Liên nghẹn ngào:

- Vâng, em sẽ làm vợ anh.

(Kiến thức gia đình số 47)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?