| Hotline: 0983.970.780

Vô vàn cơ hội khởi nghiệp nông nghiệp

Chủ Nhật 06/09/2015 , 16:57 (GMT+7)

Thế giới đang tiến đến giai đoạn yêu cầu phải sản xuất nông sản nhiều hơn với nguồn tài nguyên ít hơn. Điều đó đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng mang lại vô vàn cơ hội khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Khắc Minh Trí - người cầm micro - say sưa kể về những ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp - Ảnh: Đức Tâm


Đó là ý kiến chung của nhiều diễn giả trong phiên thảo luận chủ đề “Sức sáng tạo và cơ hội khởi nghiệp của các bạn trẻ Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)” tại Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp ĐBSCL (Mekong Connect CEO Forum) do Câu lạc bộ Doanh nhân dẫn đầu phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức chiều 4-9 tại Thành phố Cần Thơ.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Huỳnh Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Rau quả thực phẩm An Giang chia sẻ, ĐBSCL luôn là một vùng trũng của cả nước xét trên mọi khía cạnh từ thu hút vốn đầu tư, phát triển hạ thành cơ sở cũng như phát triển nông nghiệp. Câu chuyện nông nghiệp hiện tồn tại vô số vấn đề, đó là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp, ông Vinh nói.

Dẫn chứng cho phát biểu của mình, ông Vinh lấy ngay chính câu chuyện công ty ông thường xuyên phải trả lại một lượng xoài nhất định khi mua xoài của nông dân do sản phẩm bị dập, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Vậy, làm sao sử dụng vật liệu phù hợp để chế tạo các sọt đựng xoài để giải bài toán va đập chính là một cơ hội cho các bạn trẻ, ông Vinh phân tích.

“Đó chỉ là một ví dụ nhỏ. Nông nghiệp ĐBSCL đối mặt vô sô vấn đề, và mỗi một vấn đề là một cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp.” một lần nữa ông Vinh nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của một người nước ngoài về câu chuyện khởi nghiệp Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Israel tại Việt Nam, trong một clip phỏng vấn do BSA đưa vào ngay phiên thảo luận, nhận xét: “Qua theo dõi các hoạt động khởi nghiệp tại VN, tôi thấy chủ yếu thuộc lĩnh vực điện thoại và web, đó là điều bình thường.

Nhưng tôi phải nói rằng ở một đất nước mà 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan, các bạn không thể cầm cự nếu thiếu đi những hoạt động khởi nghiệp và đổi mới trong nông nghiệp.”

Theo bà Shahar, thế giới đang tiến đến giai đoạn cần phải sản xuất nhiều hơn trong điều kiện tài nguyên ít hơn do sự gia tăng dân số toàn cầu, điều đó đòi hỏi sự chính xác cao trong nông nghiệp, hay nói cách khác chính là cần công nghệ và sự đổi mới trong công nghệ.

Vậy thế nào là sự chính xác cao trong nông nghiệp?

Nói nôm na, theo ông Nguyễn Khắc Minh Trí, Giám đốc Công ty MimosaTek, một công ty khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thì nông nghiệp chính xác cao là cung cấp nguyên liệu đầu vào cho cây trồng/vật nuôi đúng liều lượng, đúng thời điểm tương ứng với từng giai đoạn phát triển của cây trồng/vật nuôi.

Để dễ hiểu hơn, ông Trí đưa ra một ví dụ minh họa từ câu chuyện nghe qua khá nghịch lý trong việc nuôi tôm. “Người dân thường, vì thương con tôm mình nuôi, nên cho ăn nhiều hơn lượng cần thiết. Cho ăn nhiều hơn với mong muốn tôm phát triển tốt hơn nhưng ngược lại tôm lại chậm phát triển. Nghịch lý chăng? Điều này không hề nghịch lý vì khi lượng thức ăn thừa sẽ phân hủy và ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm. Điều này làm tôm chậm phát triển, chưa kể một lượng thức ăn dư thừa bị dùng phí đi không cần thiết.” ông Trí chia sẻ.

Không dừng lại ở vấn đề nêu ra, ông Trí còn kể thêm giải pháp mà các bạn Úc đã thực hiện thành công là họ lắp các cảm biến để giám sát việc tôm ăn thức ăn. Cụ thể, khi tôm ngừng ăn, các cảm biến sẽ truyền tín hiệu đến máy cho tôm ăn ngừng hoạt động.

Câu chuyện thứ hai được ông Trí kể không kém phần thú vị đó là bệnh phấn trắng ở cây nho Ấn Độ. Khi nho sắp thu hoạch, lại bị bệnh phấn trắng, nông dân lo lắng xịt thuốc trừ sâu với khối lượng lớn để xử lý và vô tình để lại hàm lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép. Đơn hàng không thể xuất khẩu. Mùa vụ thất bại. Và sau đó Ấn Độ giải quyết bài toàn này nhờ nông nghiệp chính xác bằng cách lắp cảm biến để kiểm soát quá trình phát triển của bệnh và đưa ra phương án xử lý từ sớm để tiết kiệm lượng thuốc mà lại tăng tính hiệu quả. 

Trước câu hỏi, chính xác hơn là một lời than của một bạn trẻ cho rằng khởi nghiệp trong nông nghiệp quá khó khăn, ông Vinh thẳng thắn: “tôi không đồng ý cách suy nghĩ như vậy. Khởi nghiệp chẳng có gì dễ cả, nếu dễ người ta đã làm hết rồi. Khởi nghiệp là để biến khó khăn thành cơ hội. Còn nếu ngại khó khăn thì đừng nên khởi nghiệp.”

Cơ hội khởi nghiệp trong nông nghiệp là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên số lượng các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực này còn khá khiêm tốn. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?

Từ góc nhìn của một doanh nhân trong nước, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn cho rằng có 2 nguyên nhân chính khiến ít bạn trẻ dám khởi nghiệp trong nông nghiệp; một là lĩnh vực này đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lâu; hai là điều kiện vay vốn, nhận hỗ trợ vốn khó khăn.

Xin hãy nghe ý kiến của bà Shahar, một người con của đất nước Israel nổi tiếng với tinh thần khởi nghiệp, chia sẻ: “Đôi khi thế hệ trẻ Việt Nam nghĩ rằng nông nghiệp không dành cho họ. Họ muốn trở thành doanh nhân. Hay mọi người đều muốn làm trong ngành ngân hàng. Điều đó cũng tốt thôi. Nhưng tôi cho rằng ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bằng những đột phá công nghệ, có thể làm mới (re-brand) chính mình. Các bạn cần đột phá công nghệ khi trước khi làm ra sản phẩm. Nhưng các bạn cũng phải làm mới nông nghiệp, chỉ cho thế hệ trẻ thấy rằng nông nghiệp không nhất thiết phải làm theo cách cũ. Rằng nông nghiệp chính là tương lai. Đây không chỉ là nhu cầu riêng của Việt Nam mà còn là nhu cầu của toàn thế giới.”

Vậy các bạn trẻ nên làm nông nghiệp như thế nào? Từ kinh nghiệm bản thân, ông Vinh khuyên các bạn trẻ hãy nên bằng đầu bằng những dự án thật nhỏ, để tồn tại, tích lũy rồi mới tính đến chuyện phát triển mở rộng thị trường. Còn những bạn thích làm lớn, hãy tự dự phòng ngân sách chi tiêu của mình ít nhất trong một năm trong điều kiện chưa có doanh thu.

 

(TBKTSG Online)

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm