| Hotline: 0983.970.780

Vợ xuất ngoại

Thứ Năm 24/05/2012 , 10:58 (GMT+7)

Chồng là thợ xây, vợ may gia công, gia đình anh Hải chị Hằng khá hạnh phúc với hai cậu con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Nhưng, từ khi chị Hằng đi xuất khẩu lao động, mái ấm của họ bắt đầu lung lay.

Chồng là thợ xây, vợ may gia công, gia đình anh Hải chị Hằng khá hạnh phúc với hai cậu con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn. Nhưng, từ khi chị Hằng đi xuất khẩu lao động, mái ấm của họ bắt đầu lung lay.

Vốn rất yêu vợ, thương con, lại chăm chỉ làm ăn, ban đầu, anh Hải không muốn vợ phải vất vả nơi xứ người. Nhưng dần dà, nghe lời phân tích của chị, lại thấy một số nhà trong thôn có người đi lao động nước ngoài nhanh chóng đổi đời, xây nhà, mua xe, mở cửa hàng, anh gật đầu.

Chị đi rồi, anh vẫn ra thành phố làm thợ xây, gửi con cho ông bà nội chăm, vài hôm lại về thăm chúng. Được một thời gian, vợ chú em sinh con, bà nội phải đến chăm sóc, anh về hẳn nhà lo cho các con.

Chẳng có việc gì làm ngoài nấu cơm và bảo hai thằng bé học hành, cả ngày, Hải lang thang từ nhà này đến nhà khác, ai nhờ việc gì thì giúp. Gần đây, làng trên xóm dưới lại bàn tán chuyện anh hay sang "giúp" chị Thủy ở làng bên. Chị này mới ngoài 30 tuổi, có chồng hay đi làm xa. Người ta thấy anh hay sang bên ấy, có hôm còn qua đêm ở đó.

Biết tin, người chị gái của Hằng viết thư bảo em đừng gửi hết tiền cho chồng nữa, "sợ chú ấy không biết chi tiêu lại phí mồ hôi nước mắt của em". Thấy vậy, Hải đâm ra ghét bên ngoại, càng ngang nhiên đi lại với chị Thủy. Hai đứa nhỏ thấy bố hay bị ông bà mắng, lại được các bác đe "bố mày chẳng ra gì đâu" nên càng xa lánh bố.

Nhiều năm trở lại đây, cơn sốt xuất khẩu lao động nước ngoài đã lan nhanh đến nhiều làng quê. Như ở một số xã ở Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình…, cứ bình quân vài ba gia đình lại có 1 người đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu là chị em phụ nữ ở độ tuổi 18-35. Cũng từ khi xuất hiện phong trào này, tỷ lệ những vụ ly hôn theo diện vợ đi nước ngoài-chồng ở nhà cũng có dấu hiệu gia tăng. Và đó là thực tế khá phổ biến ở nhiều địa phương.

Một trong những lý do dẫn đến hiện tượng ấy là các ông chồng nhàn rỗi, thiếu hơi vợ quá lâu, "lấp chỗ trống" bằng cách tìm kiếm nguồn vui bên ngoài. Như anh Tuấn ở cùng làng quê tôi chẳng hạn. Vợ đi xuất khẩu lao động, anh ở nhà chăm con. Vốn tính thích rượu chè, cờ bạc, vợ không có nhà, anh càng có cơ hội thực hiện sở trường. Thiếu vợ, lại sẵn tiền, anh cũng không ngại "cải thiện" khoản "ấy".

Không có bố kèm cặp, lại được cho tiền, thằng con trai đầu 14 tuổi của anh theo bạn chát chít, chơi game rồi có đêm không về nhà. Anh căn vặn, chửi mắng thì nó cãi lại: "Bố cũng đi suốt mà có ai nói gì đâu". Bất lực, anh đánh nó nhưng thằng bé ngày càng lỳ đòn và không sợ bố nữa.

Chuyện vợ đi làm để chồng ở nhà nuôi con và nuôi luôn cả bồ không còn là hiếm. Nhiều ông chồng vốn rất chân chất, yêu vợ thương con, nhưng cũng không cưỡng lại được cám dỗ. Câu chuyện của vợ chồng chị Năm, anh Đoàn ở Đông Anh, Hà Nội là một ví dụ. Sau khi chị Năm sang Đài Loan làm ôsin, anh Đoàn vẫn chăm chỉ cùng mấy anh em làm ruộng, chăm con và mong vợ từng ngày. Nhưng, hết thời hạn, được ông bà chủ giữ lại, chị Năm xin gia hạn hợp đồng, làm tiếp 2 năm, kiếm thêm tiền để vợ chồng có nhiều vốn làm ăn.

Trong thời gian này, anh Đoàn không còn từ chối những lời rủ rê của đám bạn, đi "vui vẻ" ở các quán xá ngoài thị trấn. Rồi quen lối, tuần nào anh cũng ghé quán và đem tiền vợ gửi để "chăm" các em chân dài. Anh tự bào chữa: "Chẳng qua chỉ vui vẻ tí chút khoả lấp lúc vợ vắng nhà, khi cô ấy về thì thôi". Có lúc anh còn nghĩ: "Chắc gì ở bên đấy cô ta còn nguyên lành, có khi đã qua tay ông này, cậu nọ rồi cũng nên.".

Hết hai năm, chị Năm về nhà. Biết chuyện của chồng, chị quyết định bỏ qua tất cả để gây dựng từ đầu. Thế nhưng, anh vẫn qua lại và mang tiền cho vài cô bồ ngoài thị trấn. Và mọi thứ như sụp đổ dưới chân khi chị biết chồng đã bị nhiễm HIV. Giờ họ đã ly thân, và chị lại vừa đăng ký một đợt đi xuất khẩu lao động tiếp. Hàng xóm tắc lưỡi tội nghiệp cho đứa con gái 5 tuổi, còn bố mẹ mà như trẻ mồ côi, phải ở với ông bà nội.

Theo như một chuyên gia tâm lý học, thuộc Hội kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam, hiện tượng vợ đi lao động nước ngoài, chồng ở nhà "nếm phở" khá phổ biến. "No cơm ấm cật, dậm dật mọi nơi", về mặt sinh lý, nam giới khi xa vợ lâu, đời sống lại đầy đủ, năng lượng giới tính dồi dào, có nhu cầu "xả" là đương nhiên. Hơn nữa, được vợ gửi tiền về, các ông càng có điều kiện tìm cách "cải thiện". Người nào có nghị lực lắm, yêu vợ lắm mới giữ được mình. Nhiều ông chồng không có bản chất trăng hoa cũng không cưỡng được cám dỗ. Đa số họ cho rằng, đó chỉ là thoả mãn nhu cầu sinh lý nhất thời, nhưng về sau có khi lại không thoát ra được.

Chuyên gia này cũng cho biết, việc bố ngoại tình, mẹ vắng nhà ảnh hưởng rất nhiều đến con trẻ. Bởi với con cái, điều chúng cần nhất là được cảm thấy an toàn, yêu thương trong vòng tay cha mẹ. Nếu còn nhỏ, thiếu những điều này, trẻ khó có sự phát triển nhân cách hoàn thiện được. Còn khi lớn hơn, nhất là ở tuổi vị thành niên, vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, lại thiếu sự giám sát của cha, trẻ rất dễ sa ngã. Nhiều người bố có bồ bịch, mang mặc cảm có lỗi lại lấy tiền cho con để thay thế sự quan tâm, càng khiến trẻ có cơ hội để chơi bời, hư hỏng…

Đó cũng là bi kịch!

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất