| Hotline: 0983.970.780

"Vòng kim cô" Ethoxyquin được nới lỏng?

Thứ Năm 28/06/2012 , 13:52 (GMT+7)

Nhiều khả năng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật sẽ hủy bỏ việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam XK sang nước này.

Cục Quản lí chất lượng NLTS (Nafiqad) cho biết, nhiều khả năng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi (gọi tắt Bộ Y tế) Nhật sẽ hủy bỏ việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam XK sang nước này.

Thông tin trên được ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Nafiqad khẳng định vào ngày hôm qua (27/6). Theo ông Tiệp, Uỷ ban ATTP Nhật Bản và Hiệp hội các DN nhập khẩu tôm của Nhật Bản đã thông báo chính thức với Nafiqad về việc, Bộ Y tế Nhật Bản đã quyết định dừng việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin với tần suất 30% của tôm Việt Nam XK sang nước này kể từ ngày 26/6/2012. Tuy nhiên ông Tiệp cho biết thêm, hiện Nafiqad vẫn chưa nhận được thông báo chính thức về quyết định này từ phía Bộ Y tế Nhật. Trong khi đó, phía Uỷ ban ATTP Nhật Bản và Hiệp hội các DN nhập khẩu tôm của Nhật Bản cho biết vào ngày thứ 6 tuần này (29/6), Bộ Y tế Nhật sẽ có cuộc họp với hai đơn vị này và các cơ quan liên quan nhằm quyết định chính thức việc hủy bỏ việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin của tôm Việt Nam. Đây là thông tin vui cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật sau một thời gian dài hoang mang lo lắng.


Việc Nhật dừng kiểm tra tồn dư Ethoxyquin đối với tôm là một tin vui cho các DN XK tôm của Việt Nam

Không chỉ có Ethoxyquin, Nhật Bản cũng vừa có quyết định sẽ nâng mức tồn dư tối đa cho phép (MRL) đối với nhiều chất khác trong tôm, điều này sẽ rất có lợi cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật. Được biết, đây là kết quả sau nhiều nỗ lực làm việc và đàm phán của Nafiqad với các cơ quan của Nhật trong thời gian qua.

Cụ thể từ ngày 18 đến ngày 24/6/2012, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Nafiqad đã có chuyến làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nông lâm ngư nghiệp của Nhật nhằm đàm phán về những vướng mắc của việc XK tôm Việt Nam trước quyết định gia tăng tần suất kiểm soát dư lượng Ethoxyquin của nước này. Cùng với Ethoxyquin, Việt Nam cũng đã đàm phán với phía Nhật về mức tồn dư cho phép của hai chất khác mà nước này từng cảnh báo đối với tôm của Việt Nam đó là Trifluralin và Enrofloxacin.

Đối với Ethoxyquin, Hội đồng chuyên gia về tồn dư Thuốc BVTV của Codex (JMPR) cho biết, hiện quy định “Lượng ăn vào hàng ngày chấp nhận được” (ADI) của Ethoxyquin đối với thủy sản là 0,005 mg/kg thể trọng. Tuy nhiên, Bộ Y tế Nhật khẳng định, do chưa đủ thông tin dữ liệu để đánh giá rủi ro ATTP của Ethoxyquin nên hiện tại nước này vẫn chưa có quy định cụ thể về mức tồn dư tối đa cho phép của Ethoxyquin đối với tôm. Phía Việt Nam đã cam kết, sẽ cung cấp cho phía Nhật thông tin dữ liệu theo yêu cầu. Trong thời gian Nhật Bản chưa có kết quả đánh giá rủi ro của Ethoxyquin trên tôm, phía Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế Nhật tạm thời hủy quy định mức MRL mà nước này đang áp dụng là 0,01 ppm, thay vào đó là nâng mức MRL lên mức 1 ppm như nước này đang áp dụng đối với sản phẩm cá, đồng thời hủy bỏ quy định nâng tần suất kiểm soát tồn dư Ethoxyquin trên tôm ở mức 30% mà Nhật đang áp dụng. Phía Bộ Y tế Nhật đã tiếp thu ý kiến, và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh như đã nói.

Đối với Trifluralin, báo cáo đánh giá rủi ro của Uỷ ban ATTP Nhật Bản cho phía Việt Nam biết, hiện ADI đối với thủy sản của chất này là 0,024 mg/kg thể trọng – cao hơn so với mức do Cơ quan đánh giá rủi ro của EU quy định hiện nay là 0,015 mg/kg thể trọng. Vì vậy, phía Nhật Bản khẳng định, trong mùa hè năm nay, sẽ quyết định điều chỉnh tăng mức MRL của Trifluralin trong thủy sản (trong đó có tôm) từ mức 0,01 ppm như hiện nay lên mức 0,4 ppm. Phía Việt Nam hoan nghênh quyết định này của phía Nhật, và đây sẽ là một thông tin vui cho các DN XK tôm của Việt Nam trong thời gian tới, khi mà "vòng kim cô" kiểm soát dư lượng Trifluralin sẽ được nới lỏng.

Đối với Enrofloxacin, Nhật cho biết ADI của chất này hiện là 0,002 mg/kg thể trọng – tương đương với quy định của FAO và WHO, tuy nhiên do chưa xác lập được MRL của Enrofloxacin nên hiện nay Nhật vẫn áp dụng ở mức Uniform limit (tức 0,01 ppm). Phía Việt Nam đã đề nghị trong thời gian chờ xác định mức MRL, tạm thời quy định MRL đối với Enrofloxacin trên tôm là 0,1 ppm, tuy nhiên chưa được phía Nhật đồng ý.

Diễn biến của “sự cố” Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam XK sang Nhật:

+ Giữa tháng 5/2012, Bộ Y tế Nhật phát hiện các lô tôm của Việt Nam XK sang nước này có tồn dư Ethoxyquin vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước này (0,01 ppm) và quyết định nâng tần suất kiểm tra các lô tôm XK của Việt Nam lên mức 30%. Đồng thời cảnh báo sẽ nâng tần suất kiểm tra lên mức 50%, thậm chí 100% nếu tiếp sau đó tiếp tục phát hiện thêm các lô tôm vượt ngưỡng cho phép. Quyết định này của Nhật khiến nhiều DN XK tôm lao đao.

- Giữa tháng 6/2012, Bộ NN-PTNT chỉ đạo Nafiqad làm việc và đàm phán với Nhật, đồng thời yêu cầy các đơn vị và Hiệp hội khẩn trương có các giải pháp nhằm tránh bị phía Nhật nâng tần suất kiểm tra.

- Ngày 19/6/2012, Tổng cục Thủy sản quyết định cấm đưa Ethoxyquin vào thức ăn thủy sản.

- Từ ngày 18 đến ngày 24/6/2012, Nafiqad làm việc và đàm phán với Nhật.

- Ngày 26/6/2012, Uỷ ban ATTP Nhật Bản thông báo, Bộ Y tế Nhật đã quyết định hủy bỏ việc kiểm soát dư lượng Ethoxyquin của tôm Việt Nam.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất