| Hotline: 0983.970.780

Vòng quay vụng chèo khéo chống

Thứ Bảy 16/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Lẽ ra, máy xét nghiệm Covid-19 phải có tiêu chí chung về giá cả lẫn chất lượng, để tránh chuyện người bán, kẻ mua vô ý hoặc cố tình nhẫm lẫn lung tung.

Các đối tượng bị khởi tố trong đường dây thổi giá máy xét nghiệm tại Hà Nội. Ảnh: BCA.

Các đối tượng bị khởi tố trong đường dây thổi giá máy xét nghiệm tại Hà Nội. Ảnh: BCA.

Với chiêu trò thổi giá máy xét nghiệm Covid-19 lên gấp 3 lần để trục lợi, 8 đối tượng bị khởi tố trong vụ án hình sự “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đã cúi đầu nhận tội.

Tuy nhiên, máy xét nghiệm Covid-19 được mua sắm ở nhiều địa phương khác đã không thể nào nhận diện được cái lưỡi không xương trăm đường lắt léo của những kẻ ít trách nhiệm nhiều biến hóa vụng chèo khéo chống.

Thứ trưởng Bộ Công an - Lương Tam Quang cho biết về quá trình phanh phui đường dây liên minh ma quỷ ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội: “Bước đầu các đối tượng đã khai báo hành vi phạm tội, tự nguyện khắc phục hậu quả và nộp lại số tiền chênh lệch.

Không chỉ tại Thủ đô, qua nắm tình hình các địa phương, Bộ Công an đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế yêu cầu một số tỉnh, thành có báo cáo về việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch.

Đồng thời, cũng thanh tra các gói thầu mua sắm thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, nhất là mua sắm máy thở. Sau khi Thanh tra Bộ Y tế hoặc thanh tra các tỉnh vào cuộc thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chúng tôi sẽ tiếp nhận, xử lý theo quy định”.

Theo điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, thì hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống dịch Covid-19 khi nhập về Việt Nam có giá 2,3 tỉ đồng. 

Vì vậy, nếu tính cả chi phí lắp đặt, chi phí hướng dẫn sử dụng, chi phí bảo hành thì mỗi máy xét nghiệm chỉ nằm ở mức 3 tỷ đồng.

Kỳ lạ thay, nhiều nơi lại dùng ngân sách để mua máy xét nghiệm với giá cao gấp hai lần, hoặc gấp ba lần. Một trong những ví dụ được quan tâm nhất là máy xét nghiệm 7,23 tỷ đồng ở Quảng Nam, mà Giám đốc Sở Y tế tỉnh này đã bật khóc ngon lành khi giải trình trước dư luận.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh đã chỉ đạo làm rõ vì sao có cuộc mua bán máy xét nghiệm trớ trêu kia: “Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ sang cho cơ quan công an. Tinh thần rất thẳng thắn, nếu có công phải được tuyên dương, khen thưởng, ghi nhận, nếu vi phạm phải được nghiêm khắc xử lý nghiêm minh.

Chúng ta là những người thừa hành công vụ vừa là trách nhiệm, vừa là lương tâm, đạo đức trước xã hội, trước nhân dân, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch hiện nay. Cần có kết quả sớm để minh bạch cái này, đúng chỗ nào, sai chỗ nào”.

Ngày 20/5 là hạn chót để Thanh tra tỉnh Quảng Nam có kết luận gửi lên UBND tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng, khi những động thái thực thi pháp luật bắt đầu triển khai, thì lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam lại đề xuất trả lại máy xét nghiệm đã mua.

Nghe cứ như một trò đùa. Hợp đồng đã ký, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của bên bán lẫn bên mua, hàng hóa cũng đã giao nhận, sao lại có chuyện hủy kèo đơn giản.

Bà Lê Thị Tuyến- Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt, đơn vị đã bán máy xét nghiệm giá 7,23 tỷ đồng cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu trả lại chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho công ty cung cấp vì máy đã qua sử dụng, trở thành máy cũ thì khó có thể tiêu thụ được: “Hiện nay chúng tôi chưa rõ phía Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nói trả máy thì trả như thế nào, nên chưa thể đưa ra ý kiến của mình được. Chúng tôi đang chờ kết luận thanh tra và xem hướng giải quyết từ phía UBND tỉnh Quảng Nam rồi mới đưa ra quyết định”.

Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt cũng không phải tổ chức đã nhập khẩu máy xét nghiệm, mà chỉ đơn thuần kinh doanh mua đi bán lại.

Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông mới thực sự là đơn vị nhập khẩu máy xét nghiệm. Cũng chính Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông đã bán máy xét nghiệm cho Hà Nội giá 7 tỷ đồng và cho Quảng Ninh 8,4 tỷ đồng.

Khi biết tỉnh Quảng Nam cần mua máy xét nghiệm, thì Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt đã mua lại của Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông, để chào hàng cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam như một kỹ thuật thương mại kiếm lời. Giá máy xét nghiệm 5,2 tỷ đồng, hóa chất 550 triệu đồng, chi phí chuyên gia 50 triệu đồng.

Tổng cộng Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt đã bỏ ra 5,8 tỷ đồng để sở hữu một máy xét nghiệm. Bán lại cho Sở Y tế tỉnh Quảng Nam với giá 7,23 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt đã có lợi nhuận trước thuế là 1,43 tỷ đồng.

Chỉ cần tay nọ chuyền sang tay kia đã có lãi khủng, thì thật đáng kinh ngạc cho một phi vụ ngoạn mục, mà bà Lê Thị Tuyến lý giải: “Bao nhiêu người sẵn sàng đi vào khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao kinh doanh để được hưởng gần 14,5% lợi nhuận như vậy? Với câu hỏi này, chúng tôi chắc chắn rằng quý lãnh đạo, các cơ quan báo chí và dư luận sẽ tự trả lời tỷ suất lợi nhuận này là cao hay thấp so với rủi ro về tính mạng, sức khỏe”.

Oái oăm thay, sau khi UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thanh tra, thì Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt lập tức giảm giá khá sâu, từ 7,23 tỷ đồng xuống còn 4,853 tỷ đồng.

Chấp nhận rủi ro để “hưởng gần 14,5%” thì tại sao lại chịu thua lỗ nhanh chóng như vậy? Bán thấp hơn cả giá mua, thì khác gì thiêu hủy tất cả các giáo trình kinh tế xưa nay? Đấy có phải là cái tình san sẻ khó khăn lúc hoạn nạn không? Nếu đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông cũng đồng ý thương thảo lại giá bán, thì giá thật của mỗi máy xét nghiệm là bao nhiêu?

Bộ Y tế đang yêu cầu các tỉnh thành báo cáo về việc mua sắm máy xét nghiệm Covid-19. Ảnh: BYT.

Bộ Y tế đang yêu cầu các tỉnh thành báo cáo về việc mua sắm máy xét nghiệm Covid-19. Ảnh: BYT.

Bằng khả năng ứng biến linh hoạt của người kinh doanh, bà Lê Thị Tuyến phân bua Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt không hề nâng khống giá: “Khi chúng tôi kinh doanh có lãi, chúng tôi mua 5, bán 6 hay thậm chí bán 10, thì đây là lợi nhuận hợp pháp mà chúng tôi được hưởng.

Chúng tôi nhấn mạnh Nhà nước không có bất cứ quy định nào về giới hạn biên độ lợi nhuận áp dụng cho doanh nghiệp kinh doanh thương mại như chúng tôi.

Khi chúng tôi có lợi nhuận, chúng tôi thực hiện đóng thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định cho nhà nước. Nay chúng tôi phải gánh chịu thêm rủi ro pháp lý, rủi ro về truyền thông, đối diện với dư luận xã hội theo chiều hướng bất lợi, chúng tôi cảm thấy bất lực và kiệt quệ về cả thể xác và tinh thần.

Chúng tôi tự hỏi, nếu hôm nay tất cả các doanh nghiệp kinh doanh chân chính như chúng tôi đều dị nghị, lên án, chỉ trích, kỳ thị thì ngày mai nếu dịch bệnh bùng phát mạnh thêm một lần nữa, sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế như chúng tôi còn dám hăng hái tham gia cùng tuyến đầu chống dịch, với mong muốn vừa được cống hiến cho xã hội, vừa làm giàu cho bản thân?”

Ghê thật, miệng lưỡi người khôn cực kỳ rộn ràng giữa hai mức giá 7,23 tỷ đồng và 4,853 tỷ đồng. Con số chênh lệch 2,377 tỷ đồng có thể làm lẫn lộn gian và ngay, làm lẫn lộn cao thượng và thấp hèn, làm lẫn lộn minh bạch và khuất tất chăng?

Những giọt nước mắt khóc cho ai xem của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và những lời gian ruột nói cho ai nghe của Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt, một lần nữa chứng minh: Trong lúc cả nước căng thẳng từng giờ từng phút để ngăn chặn và đẩy lùi virus corona, thì vẫn có những kẻ thong dong ngồi làm phép tính rắc rối xuôi ngược một cách tỉnh táo xuất thần.

Máy xét nghiệm giữa thời đại dịch toàn cầu, đâu phải mớ rau con cá mà nay bán kiểu nọ mai bán kiểu kia. Lẽ ra, một công cụ chuyên dụng đang là nhu cầu nóng bỏng của xã hội thì ngành y tế phải đưa ra tiêu chí chung về chất lượng và giá cả, để người bán và người mua không rơi vào hoàn cảnh vô ý hoặc cố tình bị nhẫm lẫn lung tung, rồi cái lưỡi không xương lại được dịp lắt léo trăm đường.

(Kiến thức gia đình số 20)

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.