| Hotline: 0983.970.780

Vụ 3 mẹ con hầu tòa vì đồng hồ nước: Bị cáo liên tục kêu oan trước tòa

Thứ Ba 20/08/2019 , 14:11 (GMT+7)

Ngày 15/8, TAND quận Hai Bà Trưng mở lại phiên tòa xét xử vụ án chống người thi hành công vụ xảy ra tại số nhà 15 Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hình ảnh hai công an viên Xuân và Thuấn đè lên người bị cáo Cường, bà Nguyệt túm thắt lưng anh Xuân để cứu con trai.

Ba bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Thị Minh Nguyệt (SN 1957), Nguyễn Bá Cường (SN 1981, con trai bà Nguyệt) và Nguyễn Thị Minh Thịnh (SN 1983, con gái bà Nguyệt).

Thi hành công vụ nhưng “quên” mang giấy tờ

Trước đó, khoảng 15h00 ngày 19/8/2017, hai công an viên phường Phạm Đình Hổ là ông Đỗ Văn Xuân và Nguyễn Đăng Thuấn cùng một nhóm công nhân tới nhà bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (số 15 Hàn Thuyên) để di chuyển đồng hồ nước bị Công ty Nước sạch Hà Nội đặt sai vị trí.

Từ phải sang: ba bị cáo Thịnh, Nguyệt và Cường tại phiên tòa xét xử.

Theo bị cáo Nguyệt, đây là điều rất vô lý, vì công an khi thực thi nhiệm vụ thì phải có giấy tờ của đơn vị. Nhưng lúc đến nhà dân, ông Xuân không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì và cũng không có tư cách gì để chỉ đạo đơn vị thi công phá đường ống nước. Đây là hành vi có dấu hiệu lạm quyền.

Tại tòa, bà Nguyệt khai: “Khi tôi hỏi ông Xuân đến đây làm gì, có giấy tờ gì không? Tôi đóng tiền nước đầy đủ sao lại vào phá đồng hồ nước nhà tôi? Ông Xuân vỗ ngực và thách thức: “Tôi chịu trách nhiệm, mọi người cứ phá đi”.Thấy nhóm người lạ chuẩn bị khoan bê tông ở vị trí đặt đồng hồ nước của gia đình, bà Nguyệt và con gái lần lượt chạy từ nhà ra và ngăn cản.

Từ phải sang: công an viên Thuấn, Xuân, Hoàng, Hiếu tại phiên tòa xét xử vụ án.

Trước đó, gia đình bà Nguyệt cũng chưa bao giờ nhận được bất cứ văn bản thông báo (hoặc quyết định hành chính) nào về việc di chuyển đồng hồ nước của gia đình mình.

Đáng chú ý, bà Nguyệt đã tự bỏ số tiền 4 triệu đồng để mua vật liệu nối đường ống dẫn nước từ đồng hồ vào nhà để sử dụng. Bởi vậy, việc di chuyển đồng hồ nước đồng nghĩa với việc phá tài sản của gia đình bà Nguyệt.

“Việc tôi ngăn cản nhóm người lạ mặt tiến hành khoan phá là để bảo vệ tài sản của gia đình mình, vậy mà 3 mẹ con tôi lại vướng vào vòng lao lý, pháp luật công bằng ở đâu?”, bà Nguyệt nghẹn ngào.

Theo cáo trạng của VKSND quận Hai Bà Trưng, bà Nguyệt và con gái là Nguyễn Thị Minh Thịnh “có hành vi la thét, chỉ tay, quát tháo, chửi bới đội thi công và các đồng chí công an phường”.

Tại tòa, hai bị cáo trên thừa nhận là có nói lớn tiếng, nhưng khẳng định không hề có chuyện quát tháo hay chửi bới. Đoạn video trích xuất từ camera an ninh tại thời điểm diễn ra vụ việc mà gia đình bà Nguyệt cung cấp cho HĐXX (đã được Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an giám định và kết luận không có dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung) cũng không có chi tiết nào thể hiện rõ hành vi “chửi bới” của thành viên trong gia đình bà Nguyệt với lực lượng công an.

Bà Nguyệt và chị Thịnh nhiều lần yêu cầu đại diện VKSND quận Hai Bà Trưng cung cấp vật chứng thể hiện những lời chửi bới của các bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng.

Cứu con trai, bà Nguyệt bị truy tố?

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bá Cường cho biết, khi xảy ra sự việc, bị cáo chạy tới dùng điện thoại quay lại và có bê một hộp sắt rất nặng đẩy ra chỗ khác. Sau đó, có 2 cán bộ công an phường bất ngờ bẻ tay bị cáo, đẩy bị cáo ngã ngửa xuống đất.

Ông Xuân nằm đè lên, dùng tay bóp vào cổ bị cáo. Lúc này bị cáo ngột ngạt, không có khả năng kháng cự và buông thõng tay xuống đất để hai viên công an muốn làm gì thì lam. Thấy bị cáo bất động, mẹ bị cáo mới cố gắng vào cứu con bằng cách nắm lấy cổ áo và thắt lưng đằng sau ông Xuân để kéo lên trên.

Để cứu con trai, bà Xuân túm cổ áo và thắt lưng da của ông Xuân để nhấc.

Việc làm của bà Nguyệt khiến ông Xuân ngã sang một bên, bị bật tung cúc áo, áo tuột khỏi vị trí cài trong quần, biển hiệu bị rơi.

Bà Nguỵệt cho biết: “Đó là hành động cứu người. Dù là bất kỳ ai thì khi thấy người đó bị bóp cổ, chẹn họng đến mức gần như tắc thở, tôi cũng sẵn sàng lao vào để cứu. Huống chi đó là con đẻ của tôi, không người mẹ nào đang tâm đứng nhìn con mình bị người ta bóp cổ như vậy”.

Còn công an viên Đỗ Văn Xuân thừa nhận trong quá trình giằng co, cánh tay mình có đè lên cổ của anh Cường nhưng đó chỉ là vô tình.

Bị cáo Thịnh: Công an bắt tôi trái pháp luật

Thấy anh trai bị công an dùng tay chẹn cổ và đè lên người đến mức gần tắt thở, mặt mày tím tái, Thịnh (em gái Cường) trợ giúp mẹ gạt ông Xuân ra để cứu anh. Lúc đó, ông Thuấn (công an phường Phạm Đình Hổ) liền vào khống chế Thịnh. Tuy nhiên sau đó, hình ảnh camera cho thấy, ông Xuân và ông Thuấn giữ tay, túm tóc chị Thịnh giật ngược về phía sau. Chị Thịnh ngã bệt dưới đất, tỏ ra vô cùng đau đớn.

Cảnh công an phường Phạm Đình Hổ giật tóc khiến chị Thịnh la thét trong đau đớn.

Ông Xuân gọi điện báo cáo sự việc về công an phường xin lực lượng hỗ trợ. Một lúc sau, hai công an viên mặc thường phục (là Lưu Minh Hoàng và Mai Quốc Hiếu - cảnh sát hình sự công an phường Phạm Đình Hổ) tới hiện trường.

Theo lời khai của các công an viên tại tòa, công an phường mời chị Thịnh về làm việc nhưng chị Thịnh không hợp tác. Ông Hoàng dùng hai tay xốc nách chị Thịnh từ phía sau để kéo về, do chị Thịnh liên tục tụt xuống nền bê tông cứng nên cơ thể bị xây xát.

Chị Thịnh cho biết: Do hai đồng chí công an đến sau mặc thường phục nên tôi không biết họ là ai. Tôi bị hai đồng chí công an Hoàng và Hiếu kéo lê dưới đất khoảng 200m từ nhà đến công an phường, khiến toàn thân xây xát và chảy má. Khi quần của tôi bị tụt trước mặt nhiều người, tôi vô cùng xấu hổ và nhục nhã. Tôi đã cầu xin các anh công an để tôi tự đi đến công an phường, nhưng các anh cứ thế kéo. Một người phụ nữ như tôi sao có thể chịu đựng được, do vậy tôi đã cắn vào tay đồng chí Hoàng để mong thoát ra.

Rất nhiều nhân chứng có mặt tại thời điểm diễn ra vụ việc.

Trước tòa, bị cáo Thịnh khẳng định bị công an phường Phạm Đình Hổ giữ trong 33 tiếng mới được cho về. Tại trụ sở công an phường, chị Thịnh bị xích tay, sau đó bị cán bộ trực ban vả liên tiếp khiến mặt chị Thịnh bị sưng và tím.

Chị Thịnh được đưa đi khám thương, kết quả giám thương Thịnh bị đa chấn thương phần mềm. Qua hình ảnh cung cấp cho Hội đồng xét xử, trên người Thịnh xuất hiện rất nhiều vết bầm tím, vết xước, đặc biệt là phần giáp hông và lưng chị Thịnh có vết loét khá rộng và chảy máu.

“Tôi khẳng định công an phường Phạm Đình Hổ đã bắt giữ người trái pháp luật”, chị Thịnh nói trước tòa tại các phiên xét xử.

Phiên tòa xét xử vụ án ba mẹ con bị truy tố vì tội chống người thi hành công vụ tại số 15 Hàn Thuyên.

Các bị cáo cũng cho rằng, nhiều nội dung trong bản cáo trạng của VKSND quận Hai Bà Trưng là sai sự thật, không khách quan, không đúng với bản chất sự việc. Đồng thời, lời khai của các nhân chứng (trừ ông Đỗ Đình Phương) là sai sự thật.

Bởi trước đó, các ông Chu Hải Công, bà Đỗ Thị Na, bà Trần Thị Hà, ông Nguyễn Duy Thành, ông Nguyễn Bằng Giang, và đại diện cụm dân cư là ông Vũ Đình Ly đều bị gia đình bà Nguyệt tố cáo vì hành vi lấn chiếm đất công của biệt thự cổ.

Các bị cáo Nguyệt, Cường và Thịnh đề nghị được trình chiếu đoạn video ghi lại hiện trường vụ việc để chứng minh các bị cáo không có hành vi phạm tội chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, hội đồng xét xử không đồng ý.

Vụ án truy tố ba mẹ con bị truy tố vì chống người thi hành công vụ khi bảo vệ đồng hồ nước đã kéo dài nhiều năm, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc trong dư luận. Trước đó, sau một ngày xét xử sơ thẩm, ngày 29/11, TAND quận Hai Bà Trưng, Hà Nội quyết định trả hồ sơ vụ án “Chống người thi hành công vụ”, xảy ra tại số 15 Hàn Thuyên, thuộc phường Phạm Đình Hổ cho cơ quan điều tra bổ sung.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.