Đó là lời khai ban đầu trước cơ quan chức năng của nạn nhân thoát chết trong vụ cháy khiến 8 người tử vong.
Hồi chuông cảnh báo
Ngày 8/5, Công an quận 11 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM vẫn đang phong tỏa, khám nghiệm hiện trường vụ cháy căn nhà số 47/58/2 Lạc Long Quân, P.1, Q.11, làm 8 người tử vong do ngạt khói.
Theo cơ quan chức năng, căn nhà xảy cháy có diện tích 126m2. Kết cấu 2 tầng và một lửng. Ngoài cửa chính, căn nhà còn có cửa hông, nhưng khóa chặt. Chủ hộ là bà Nguyễn Thị Lệ Thanh. Ông Hồ Đình Thắng, em rể chủ nhà, một trong 8 nạn nhân, là người kinh doanh xi đánh bóng gạch được chế biến từ sáp đèn cầy và dầu lửa tại nhà.
Khi xảy cháy, bên trong đang có 9 người, ông Nguyễn Thành Tựu (40 tuổi, em bà Thanh), là người duy nhất thoát được ra ngoài.
Làm việc với công an, ông Tựu khai, trong lúc khiêng thùng xi đánh bóng gạch vừa mới nấu thì vô ý làm đổ xuống sàn nhà, chảy lan ra bếp lửa đang nấu sáp đèn cầy gần đó. Do vật liệu dễ cháy, nên ngọn lửa đã bùng lên rất nhanh. Công an TP.HCM đã điều động 18 xe chữa cháy và gần 100 cảnh sát đến hiện trường dập lửa.
"Trong một thời gian ngắn, cả nước xảy ra mấy vụ cháy nghiêm trọng, điều này cho thấy, rất nhiều người dân còn chủ quan trong việc phòng cháy. Không lường trước những tình huống có thể xảy ra.
Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở và kiểm tra định kỳ, nhưng để hạn chế những hậu quả thảm khốc từ hoả hoạn như mấy vụ gần đây, mỗi người cần nâng cao ý thức, chủ động phòng nguy cơ xảy cháy, nâng cao kiến thức về phòng cháy, chữa cháy.
Đặc biệt, cần chuẩn bị phương án thoát hiểm khi không may xảy ra hoả hoạn", một cán bộ điều tra hiện trường vụ cháy trăn trở.
Chủ tịch nước, Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh an toàn PCCC
Liên quan đến vụ hỏa hoạn nghiêm trọng làm 8 người tử vong do ngạt khói, tối 7/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn và yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình, tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy, chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn.
Chủ tịch nước yêu cầu chính quyền các cấp tại TP.HCM tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, rà soát các khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, các cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ ảnh hưởng tới tài sản và tính mạng của người dân.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có công điện gửi Bộ Công an, chính quyền TP.HCM. Ngoài gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân người bị nạn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, UBND TP.HCM chỉ đạo các lực lượng chức năng khắc phục hậu quả vụ cháy, đồng thời khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
“Cần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”, công điện của Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng TP.HCM cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn. Đồng thời, chính quyền khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị nạn, tập trung khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn.
Trong số các nạn nhân tử vong do ngạt khói, có chị Nguyễn Thị Y Linh (30 tuổi, quê Cà Mau), đang học thạc sĩ tại một trường đại học ở TP.HCM. Chiều 7/5, chị Linh đến căn nhà này để dạy thêm.
7 nạn nhân còn lại trong vụ hỏa hoạn gồm: Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh (44 tuổi, chủ nhà), ông Hồ Đình Thắng (43 tuổi, em rể bà Thanh), Hồ Đình Nam (9 tuổi), Lê Kim Tuyến (18 tuổi), Lê Ngân Tuyến (13 tuổi), Lê Tân Tuyến (9 tuổi), Nguyễn Tấn Đạt (15 tuổi, đều là cháu bà Thanh).