| Hotline: 0983.970.780

Vụ án Út 'trọc': Giám đốc doanh nghiệp nghìn tỉ là sinh viên năm thứ nhất

Thứ Ba 19/05/2020 , 17:41 (GMT+7)

Khi kí văn bản gửi Quân chủng hải quân với chức danh GĐ Công ty Yên Khánh, bị cáo Vũ Thị Hoan mới là sinh viên năm thứ nhất, đang ở nhờ nhà Út 'trọc'....

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: A.Lúy.

Toàn cảnh phiên tòa. Ảnh: A.Lúy.

Ngày 19/5,  Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân tiếp tục xét xử đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các đồng phạm liên quan đến sai phạm về quản lý đất đai tại ba khu đất trên đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) .

Quân chủng Hải quân được xác định là bị hại trong vụ án do cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng các đồng phạm thực hiện.

Trước tòa, đại diện Quân chủng Hải quân cho  biết khu đất số 7-9, quân chủng bị các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan lừa đảo chiếm đoạt giá trị quyền sử dụng đất, đem đi thế chấp ngân hàng, đến nay chưa giải chấp. Nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời, khu đất có nguy cơ bị phát mại.

Hành vi của Hệ cùng các nhân viên là đã gian dối trong việc lập tờ trình gửi Bộ Tư lệnh Hải Quân phản ánh năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện. Chính vì tin tưởng, quân chủng đã không thẩm tra năng lực tài chính, kinh doanh, nguồn nhân lực của Công ty Yên Khánh, từ đó chấp thuận về liên doanh với công ty này. 

Đến khi làm việc với CQĐT, quân chủng mới biết tại thời điểm năm 2006, Công ty Yên Khánh mới thành lập được bảy tháng, không có vốn, không có cơ cấu, nguồn nhân lực. Đặc biệt, Vũ Thị Hoan là giám đốc công ty nhưng chỉ là một sinh viên đang học năm nhất.

Sau khi ký được hợp đồng liên doanh, các đối tượng đã làm thủ tục chuyển giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất số 7-9 sang cho Công ty Yên Khánh Hải Thành và thế chấp tại ngân hàng. Đến nay, công ty này không có khả năng trả nợ.

Quân chủng Hải quân đề nghị tòa xử lý Út 'trọc' và đồng phạm theo quy định của pháp luật. Ảnh: BTP.

Quân chủng Hải quân đề nghị tòa xử lý Út "trọc" và đồng phạm theo quy định của pháp luật. Ảnh: BTP.

Được hỏi về quan điểm xử lý đối với ba khu đất và số tiền hơn 939 tỉ đồng, đại diện Quân chủng Hải quân đề nghị tòa buộc các bị cáo và công ty liên doanh trả lại quyền sử dụng đất cho quân chủng, buộc Công ty Hải Thành nộp trả hơn 939 tỉ đồng về cho quân chủng quản lý, sử dụng.

Đối với hai khu đất số 2 và số 9-11, theo đại diện quân chủng, việc các bị cáo là cựu cán bộ Quân chủng Hải quân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, hiện các đối tác đã đầu tư số tiền rất lớn vào những dự án nói trên nhưng chưa thu hồi được vốn. Do vậy, Quân chủng Hải quân đề nghị tòa xử lý theo quy định của pháp luật, quân chủng sẽ đề nghị các cấp thẩm quyền có cơ chế phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho các bên.

Cũng trong ngày thứ 2 của phiên xét xử, HĐXX thẩm vấn đối với Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc Công ty Yên Khánh), một trong những bị cáo tham gia chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất 7-9 của Quân chủng Hải quân.

Bị cáo Vũ Thị Hoan tại tòa. Ảnh: A.Lúy.

Bị cáo Vũ Thị Hoan tại tòa. Ảnh: A.Lúy.

Theo cáo trạng, năm 2005, Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) nhờ Hoan (cháu gọi Hệ bằng cậu, sinh viên năm nhất Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) đứng tên giám đốc, đại diện theo pháp luật để thành lập Công ty Yên Khánh.

Thực tế, Hoan làm giám đốc nhưng không có thực quyền, mọi việc đều làm theo chỉ đạo, điều hành của Hệ. Từ năm 2009-2012, Hoan lần lượt ký quyết định bổ nhiệm Phạm Văn Diệt làm phó giám đốc rồi giám đốc điều hành Công ty Yên Khánh.

Hoan chính là người ký tờ trình gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh tại khu đất số 7-9; đồng thời đứng ra ký hợp đồng liên doanh với Công ty Hải Thành (thuộc Quân chủng Hải quân) và thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành.

Hoan còn bị cáo buộc cùng với Diệt thực hiện chỉ đạo của Hệ trong việc ký giả mạo biên bản họp HĐTV, HĐQT Công ty Yên Khánh Hải Thành, đem giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất số 7-9 thế chấp tại ngân hàng để vay tiền cho các công ty của Hệ. Hậu quả, Quân chủng Hải quân bị chiếm đoạt quyền sử dụng khu đất trên với giá trị hơn 525 tỉ đồng.

Tại tòa, HĐXX hỏi Hoan rằng Công ty Yên Khánh biết về dự án tại khu đất số 7-9 như thế nào? Nữ bị cáo khai mình chỉ là người đứng tên hộ công ty chứ không trực tiếp làm nên không nắm được.

Theo lời Hoan, Công ty Yên Khánh có trụ sở đặt tại tầng hai nhà riêng của Đinh Ngọc Hệ, do Hệ và Diệt điều hành. Ngoài công ty này, Hoan còn đứng tên cổ đông tại nhiều công ty khác do Hệ lập ra.

Về tờ trình của Công ty Yên Khánh gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị hợp tác đầu tư tại khu đất số 7-9, Hoan thừa nhận đúng là do mình ký. Tuy nhiên, thời điểm ký, bị cáo đang đi học và ở nhà của Hệ. Bị cáo không tham gia soạn thảo, khi nhân viên của Hệ mang về nhà đưa cho thì ký, không đọc và không hiểu gì về nội dung của tờ trình.

Hoan cũng thừa nhận mình là người đại diện Công ty Yên Khánh ký các hợp đồng liên doanh, góp vốn với Công ty Hải Thành. Dù vậy, lúc ký, bị cáo không hiểu bản chất của hợp đồng, mãi sau này khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo được giải thích thì mới biết bản chất là thuê đất.

HĐXX nhắc lại lời khai của Trần Trọng Tuấn (phó giám đốc Công ty Hải Thành, người đại diện pháp luật phần vốn góp của Công ty Hải Thành tại Công ty Yên Khánh Hải Thành) về việc HĐTV, HĐQT của Công ty Yên Khánh Hải Thành dù không họp nhưng vẫn ký các biên bản.

Hoan xác nhận điều này là đúng, bởi chính bản thân bị cáo dù không tham gia cuộc họp nào nhưng cũng ký.

Nữ bị cáo nhiều lần khẳng định bản thân không có năng lực, không hiểu biết pháp luật, tất cả do tin tưởng vào sự điều hành của Đinh Ngọc Hệ và Phạm Văn Diệt. Trong những lần đưa hồ sơ, Diệt đều giải thích việc ký là đúng, đảm bảo tính pháp lý nên bị cáo mới ký…

Chưa một ngày học quản lý kinh tế

Theo ông Nguyễn Văn Hiến, ông được đào tạo rất cơ bản với thời gian chín năm ở nước ngoài về chỉ huy quân sự. Tuy vậy, ông chưa từng một ngày học qua quản lý kinh tế, nhất là về đất đai.

Khi được hỏi với vai trò của người chỉ huy, ông đưa ra các quyết định của mình dựa trên những căn cứ nào? Bị cáo cho biết mình là người lãnh đạo chỉ huy quân chủng, bên dưới có rất nhiều cấp, cơ quan tham mưu, ngoài ra còn căn cứ vào tư vấn pháp luật.

Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng còn bày tỏ “không hoàn toàn đồng tình” với cáo trạng quy kết ông “không thực hiện kiểm tra”, vì ông đã ra lệnh tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật tất cả các dự án làm kinh tế trong Quân chủng Hải quân. Bị cáo còn yêu cầu đoàn kiểm tra đến từng công ty, từng khu đất, các công ty phải cử người có chuyên môn phối hợp…

Tuy nhiên, như ngày xét xử hôm trước, ông Hiến thừa nhận mình có khuyết điểm khi chưa đủ sát sao, quyết liệt, nhưng không phải là không làm.

Cuối phần xét hỏi, ông Hiến nhấn mạnh bản thân có một phần lỗi trong vụ án, bị cáo nhận lỗi và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tổ chức, pháp luật, anh em đồng đội về khuyết điểm này.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất