| Hotline: 0983.970.780

Vụ chìm thuyền ngao làm 6 người chết: Nỗi đau chồng nỗi đau!

Thứ Năm 18/12/2014 , 09:05 (GMT+7)

Trong 6 người xấu số, có 2 người lấy chồng xã bên cạnh. Đúng hôm trở về cào ngao thuê thì tai nạn xảy ra. Sáu người thì có đến 4 người là hai cặp anh em ruột trong một gia đình./ Tang trắng làng biển

* “Bó tay” với thuyền chở ngao

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, nguyên nhân khiến chiếc thuyền chở ngao chìm là do ống bao chân vịt bị hở. Nước chảy vào ồ ạt làm thuyền bị chìm nhanh chóng.

Lãnh đạo UBND xã Nam Thịnh cho biết, hiện địa phương có khoảng 650 chiếc thuyền chở ngao cỡ nhỏ. Nhà nào cũng đóng 1 – 2 chiếc làm phương tiện vận chuyển ngao. Và tất cả đều không đăng kí, đăng kiểm.

Theo bà Trần Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh, xã có diện tích nuôi ngao lớn nhất huyện Tiền Hải cũng như cả tỉnh Thái Bình. Ước tính có khoảng hơn 1.000 ha mặt nước bãi triều được người dân dùng nuôi ngao. Con ngao hiện đang “nuôi” gần như toàn bộ lao động thường xuyên của xã.

Vào vụ thu hoạch chính, con số này lên tới vài nghìn người. Tổng số hộ nuôi ngao toàn xã khoảng trên 300. Bãi triều xa nhất, cách cửa lạch khoảng 5 cây số đường chim bay. Người dân phải sử dụng thuyền gỗ loại nhỏ để vận chuyển.

Trung bình mỗi nhà có từ 1 – 2 chiếc, trọng tải trên dưới 4 tấn. Chiếc thuyền bị đắm rạng sáng 16/12 có tải trọng tối đa 4 tấn. Khi bị đắm, thuyền đang tải khoảng 2,6 tấn gồm 2 tấn ngao và 13 người. Giá trị một chiếc thuyền tải trọng 4 tấn khoảng 20 triệu đồng.

Bà Thủy cho biết, Nam Thịnh hiện có khoảng 650 chiếc thuyền như vậy. Vì không phải là tàu, trọng tải nhỏ nên tất cả các thuyền đều không được đăng ký, đăng kiểm. Điều đó có nghĩa, không có một cơ quan nào đứng ra đảm bảo độ an toàn cho những phương tiện này. Chính quyền xã cũng đành “bó tay”.

Ông Trần Mạnh Dũng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, đây là loại phương tiện cơ động, giá thành rẻ, rất phù hợp với việc thu hoạch và vận chuyển ngao. Đây là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra ở Nam Thịnh liên quan tới con ngao.

Cũng theo ông Dũng, loại thuyền này rất thịnh hành ở các vùng nuôi ngao khắp các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… Tai nạn xảy ra khi chiếc thuyền chở về sau một buổi cào ngao. Ông Dũng cho hay, kể cả có biết bơi, nhưng mặc đồ bảo hộ, vừa lạnh vừa đói, sóng to gió lớn cũng khó có cơ hội sống sót.

“Đồ bảo hộ mặc đến ngang người. Khi chìm xuống, nước chảy vào, có khác gì một cái túi đựng nước đâu. Thế là cả người bị kéo xuống. Khi đó vừa lạnh, lại bị hoảng, nếu ôm lấy nhau thì chắc chết hết”, vị Bí thư Đảng ủy xã buồn rầu.

Trong 6 người xấu số, có 2 người lấy chồng xã bên cạnh. Đúng hôm trở về cào ngao thuê thì tai nạn xảy ra. Sáu người thì có đến 4 người là hai cặp anh em ruột trong một gia đình. Nỗi đau chồng nỗi đau. Nạn nhân Trương Thị Huyền, sinh năm 1963, đơn thân, nuôi hai bố mẹ già gần 80 tuổi. Cả hai đều bệnh tật, không còn khả năng lao động. Bà Thủy cho biết, hiện các cấp, ban ngành từ xã tới tỉnh đã động viên, thăm hỏi, hỗ trợ mỗi trường hợp số tiền 30 triệu đồng.

Ngày 17/12, làng biển Thiện Châu và Thiện Tường chìm trong màu tang trắng. Tiếng khóc ai oán khiến chúng tôi không cầm được nước mắt. Cậu con trai lớn của nạn nhân Đinh Văn Sỹ (lái thuyền) cầm di ảnh bố, mặt cúi gằm.

Con ngõ nhỏ trắng một màu khăn tang. Lần lượt, 4 chiếc quan tài được đưa qua. Vẻ mặt bàng hoàng, tức tưởi thân nhân những người xấu số thực sự ám ảnh chúng tôi. Nhiều người khóc nấc lên rồi ngất lịm.

Bà Trần Thị Thủy cho biết, với ngư dân Nam Thịnh, việc đối mặt hiểm nguy chỉ như cơm bữa. Nhưng với địa phương mất mát này quá lớn, quá đau xót mà không ai ngờ tới. Mắt vị chủ tịch xã đỏ hoe, ngấn lệ.

Cũng tại Nam Thịnh, năm 1997, một tai nạn lật thuyền đánh cá đã cướp đi sinh mạng của 12 thanh niên trai tráng. Họ đã hòa mình vào với biển cả.

Và giờ đây, Nam Thịnh lại có thêm một ngày giỗ chung. Sẽ không ai quên một ngày đau buồn, một ngày không đáng nhớ…

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất