| Hotline: 0983.970.780

Vụ Cty CP Thủy sản Bình An nợ nông dân: Sẽ bán cổ phần, thế chấp nhà máy để trả nợ!

Thứ Năm 08/03/2012 , 09:21 (GMT+7)

Chiều 7/3, Công ty CP Thuỷ sản Bình An đã tổ chức buổi họp báo tại Khách sạn Golf Cần Thơ để làm rõ thông tin quanh vấn đề nợ nần...

* Bà Diệu Hiền – Tổng Giám đốc bỏ trốn hay đi trị bệnh?

Ban lãnh đạo Cty CP TS Bình An, ông Trần Văn Trí ngồi giữa tại buổi họp báo

Gần một tháng qua, liên tiếp dư luận không ngớt về một đại gia trong ngành nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra ở Cần Thơ tổ chức đám cưới đình đám cho con trai với dàn siêu xe khủng trị giá mỗi chiếc hàng chục tỉ đồng. Lời bàn tán xôn xao chưa dứt lại nổi lên chuyện công ty nợ nần dây dưa nông dân bán cá tra hẹn ngày kéo nhau ra tòa.

Rồi một vài ngân hàng ngưng cho vay khiến nguy cơ lâm cảnh vỡ nợ hiện lên càng gần. Tâm điểm chú ý vào đại gia đó chính là bà Phạm Thị Diệu Hiền – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Thủy sản Bình An (Cần Thơ). Người từng được báo chí một thời ngợi khen là người “đàn bà cá”, “nữ doanh nhân thành đạt”... Mới đây, thông tin nổi bật nhất vừa được kiểm chứng, bà Diệu Hiền đã đi ra nước ngoài. Có phải vì lâm nợ bà Tổng giám đốc bỏ trốn? Sự thật tình hình nợ nần của Bình An như thế nào?

Chiều 7/3, Công ty CP Thuỷ sản Bình An (Cty Bình An) tổ chức buổi họp báo tại Khách sạn Golf Cần Thơ, do ông Trần Văn Trí – là chồng và là người được bà Diệu Hiền ủy quyền với chức danh Tổng Giám đốc chủ trì. Tham dự buổi họp báo có đại diện UBND TP Cần Thơ, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin truyền thông, đại diện các cơ quan báo chí và một số nông dân có bán cá cho Cty Bình An.

Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Định Cường – đại diện quản trị thông tin truyền thông đại chúng Cty Bình An trình bày về quá trình Cty thành lập và đi vào hoạt động cùng những đóng góp cho kinh tế xã hội tại địa phương. Bình An là DN từng đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng XK thủy sản ở ĐBSCL với kim ngạch XK gần 200 triệu USD/năm và đứng vào top 10 các đơn vị có doanh thu XK cao trong ngành thủy sản Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Bình An có vùng nuôi thủy sản 100 ha, sản lượng 20.000 tấn/năm ở hai tỉnh Vĩnh Long, An Giang, là DN tư nhân đầu tiên thành lập Viện nghiên cứu thủy sản tư nhân và nhà máy sản xuất nước uống Collagen đầu tiên trong nước. Trong 9 tháng đầu năm 2011, Bình An hoạt động ổn định. Tuy nhiên vào những tháng cuối năm do các ngân hàng đồng loạt thu hồi vốn và không tiếp tục giải ngân, trong khi công ty đang rất cần tiền thu mua nguyên liệu sản xuất theo các hợp đồng đã ký. Việc nợ tiền cá của nông dân là những lý do khách quan…

Liên quan nhiều câu hỏi của các PV báo chí về dư luận đang quan tâm, ông Trần Văn Trí giải trình: Nợ nần của Bình An, công ty có nhiều đối tác chứ không riêng cá nhân gia đình tôi. Thời gian qua do chính sách thắt chặt tiền tệ nên công ty còn nợ tiền của nông dân. Về vụ án ông Liền, bà Mai (hai nông dân bán cá và đang đòi nợ Cty Bình An - PV) xảy ra thời gian qua là rất đáng tiếc. Nếu tôi có điều hành công ty thì sẽ không xảy ra việc này. Nhưng tôi khẳng định sẽ trả nợ cho người dân. Kế hoạch trả nợ, công ty hiện có ký hợp đồng với một số đối tác nước ngoài (xin được giấu tên)… Hôm nay tôi sẽ nói hết toàn bộ.

Ông Trí thông tin chính thức: Cty Bình An sẽ bán 80% CP cho đối tác nước ngoài bằng 120 triệu USD. Đối tác nước ngoài đã đồng ý. Nhưng sau các bài báo đưa tin, đối tác chỉ chấp nhận mua 80 triệu USD. (Đề nghị sau này báo chí có ghét vợ tôi thì cứ chửi nhưng đừng viết như thế). Về chuyện bà Diệu Hiền đi xuất ngoại. Thật sự là chuyện mấy năm nay gia đình tôi giữ kín.

Trước đây, năm 2008 vợ tôi đã mổ khối u. Hôm rồi sau khi báo đăng vợ tôi bị tai biến nhẹ, được chuyển qua Singapore theo đường hàng không mang theo 20.000 USD. Nhưng bác sĩ bên Singapore chạy nên vợ tôi phải chuyển qua Mỹ. Bên Mỹ đòi 500.000 USD, nhưng chúng tôi không có tiền. Về đám cưới con tôi vừa qua, chi phí ở TPHCM tốn 220 triệu đồng (cả đàn trai và đàn gái), ở Cần Thơ 155 triệu đồng. Mong muốn của chúng tôi là ổn định sản xuất, trả nợ cho nông dân, ổn định việc làm cho công nhân. Hiện nay Bình An đang thực hiện 2 hợp đồng xuất khẩu 18 triệu USD qua Mỹ và 24 triệu USD qua Nhật.

Báo Tiền phong: Hiện công ty nợ nông dân bao nhiêu? Kế hoạch trả nợ ra sao?

Ông Trần Văn Trí: Hiện tổng nợ nông dân bán cá 264 tỉ đồng. Các đối tác hứa tới đây sẽ bơm tiền vào trả nợ. Tôi đang bán 2 dự án: 83 Nguyễn Văn Trỗi và 73 Cao Thắng để trả nợ và ổn định sản xuất. Nợ Ngân hàng ACB 62 tỉ đồng. Chúng tôi sẽ đưa nhà máy thế chấp ngân hàng nông nghiệp để có tiền trả nợ và tiếp tục sản xuất.

Báo Lao động: Công ty đã cho công nhân nghỉ việc? Nếu nguồn tiền đối tác không về kịp thì số phận 2.000 công nhân nhà máy ra sao?

Ông Trí: Tôi mới về, cho công nhân nghỉ một số ngày để sắp xếp tổ chức bộ máy.

Báo Dân trí: Nợ tiền cá của 2 nông dân vì chưa có tiền trả hay do tranh chấp?

Ông Trí: Số tiền nợ còn lại chưa trả vì chưa có nguồn chứ không muốn tranh chấp với dân. Nông dân nuôi cá là bạn, có tranh chấp là ngoài ý muốn. Tới đây tôi sẽ mời bà Mai ông Liền đến để xin lỗi, thương lượng và khi chưa trả dứt nợ sẽ trả lãi suất theo đúng như lãi suất ngân hàng.

Báo Lao động: Làm cách nào duy trì sản xuất khi công ty đang thiếu vốn?

Ông Trí: Tạm dừng sản xuất chờ tiền đối tác bơm vào để trả tiền nợ mua cá cũ, mua cá mới. Thực tế hiện nay cũng có nhiều nông dân kêu công ty bán cá nhưng tôi không dám mua.

Báo Tuổi trẻ: Có thông tin ngoài số nợ mà ông công bố, Bình An còn nợ 1.200 tỷ đồng, hay 1.500 tỷ đồng của nhiều ngân hàng?

Ông Trí: Trong 1-2 ngày nữa tôi sẽ gửi báo cáo nợ cho các nhà báo. Về nợ ngân hàng là có nhưng đảm bảo công ty cân đối được. Tôi khẳng định: “Cty Bình An không vay nợ, để lại nợ kếch xù rồi trốn”.

Báo Tiền phong: Đối tác bơm vốn vào là cho vay hay bán nhà máy?

Ông Trí: Con đường Bình An đến nay là bán nhà máy, thay vì bán 120 triệu USD sẽ còn 90 triệu USD, trả hết nợ. Giao lại quyền quản lý nhà máy cho người có đủ trình độ năng lực. Tôi đâu ham muốn gì chức TGĐ. Vợ tôi làm nên tôi phải chịu trách nhiệm khi vợ tôi bệnh.

Một hộ nông dân bán cá công ty đang nợ: Bản chất nông dân có tính thông cảm cao. Hiện tại số nợ công ty với nông dân không nhiều nhưng cái khổ là chúng tôi phải đóng lãi suất ngân hàng, tài sản đã bị ngân hàng kê biên. Nông dân thông cảm khó khăn công ty nhưng hướng tới công ty giải quyết nợ ra sao?

Ông Trí: Trong tháng 3 này số nợ hộ nào ít sẽ thanh toán hết. Còn hộ nợ nhiều sẽ thoả thuận vì chúng tôi còn phải cân đối nguồn tiền có được trong tay. Nếu trả chậm cho các anh chúng tôi sẽ trả lãi, không để các anh mất nhà cửa đâu.

Báo NNVN: Tình hình sức khoẻ tài chính công ty như thế, vì sao trước đó vẫn có những việc làm mang tính phô trương? Việc bán công ty mất giá sao đổ do báo chí?

Ông Trí: Thực chất chuyện gia đình tôi không có chủ trương phô trương. Chúng tôi cất nhà trước khi có công ty Bình An. Tôi không trách hờn gì báo chí chỉ muốn các anh viết gì viết sao có lợi cho DN. Tôi chỉ mong những gì thấy chưa hài lòng mấy anh nên bỏ qua để Bình An duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân, cho nông dân, tiếp tục XK đem ngoại tệ về cho đất nước.

Báo Nhân dân: Phải chăng Bình An đang đứng trước nguy cơ phá sản do nợ không có khả năng thanh toán? Có ngân hàng nào có văn bản đòi nợ chưa?

Ông Trí: Đã có vài NH có văn bản đòi nợ. Cụ thể sáng nay (7/3) ngân hàng ACB xuống đòi nợ, tôi không tâm phục khẩu phục, vì bao nhiêu năm nay Bình An đã đóng lãi cho ACB rất nhiều. Sau đó ACB đồng ý hoãn nợ tiếp. Tôi khẳng định Bình An không phá sản. Vì nếu phá sản thì nước ngoài không thể chấp nhận mua công ty. Dù giá cả bị ép xuống nhưng cân đối lại vẫn còn thừa một số tiền. Chỉ tiếc là mất đi một phần công sức bỏ ra 6 năm qua.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.