| Hotline: 0983.970.780

Vụ đào sông Tích gây ngập lụt hàng chục hecta lúa: Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội lên tiếng!

Thứ Tư 20/03/2019 , 08:57 (GMT+7)

Đến thời điểm này, Ban duy tu các công trình NN-PTNT đã phối hợp với chính quyền xã, đơn vị thi công đo đạc cụ thể các diện tích bị thiệt hại do ngập lụt của từng hộ dân.

Sau khi nhận được thông tin quá trình thi công dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích (với nguồn vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng) đã gây ngập sâu hàng chục héc ta đất nông nghiệp ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (TP Hà Nội), bà con không thể gieo cấy vụ đông xuân 2018 - 2019, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN-PTNT đã trực tiếp đi kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo.

00-51-12_st-1
Người dân thôn Bằng Tạ xót xa khi đồng ruộng ngập nước, không thể gieo cấy lúa

Theo ông Chu Phú Mỹ, nguyên nhân xảy ra hiện tượng úng ngập kéo dài ở xã Cẩm Lĩnh trong thời gian vừa qua là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, kênh dẫn sông Tích được thiết kế hệ số tiêu nhỏ (chỉ đáp ứng tiêu vào mùa khô) nên xảy ra hiện tượng ùn ứ nước kéo dài. Bên cạnh đó, năm nay có mưa sớm khiến nước từ thượng nguồn dồn về nhiều.

“Trước đó, tôi đã lên kiểm tra. Trước sự có mặt của đông đảo người dân, sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương, tôi thông báo rằng diện tích nào hiện còn ngập thì bà con không cấy nữa. Vì chậm lịch thời vụ mất rồi. Toàn bộ trách nhiệm đền bù thiệt hại hoa màu cho bà con, tôi sẽ yêu cầu công ty Bình Minh chi trả. Tôi nói với bà con với tư cách là Giám đốc Sở NN-PTNT, và đã nói là sẽ thực hiện”, ông Mỹ nói.

Lý giải vì sao đến nay người dân vẫn không biết mức hỗ trợ, đền bù thiệt hại do “nhân tai” gây ngập úng là bao nhiêu tiền, ông Hứa Bá Trình, Phó phòng Kinh tế huyện Ba Vì, cho biết: “Hiện lãnh đạo Sở NN-PTNT đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc Ban Duy tu các công trình NN-PTNT (Ban duy tu) và nhà thầu thi công phối hợp với xã rà soát, kiểm kê chính xác số liệu bị ngập lụt để lên phương án đền bù. UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp các bên liên quan và có nhiều văn bản báo cáo lãnh đạo Sở và lãnh đạo TP”.

00-51-12_st-3
Cống tiêu sông Tích quá bé, nếu xảy ra mưa lớn, nước từ thượng nguồn dồn về sẽ gây ngập lụt cho nhiều diện tích đất nông nghiệp của thôn Bằng Tạ, xã Cẩm Lĩnh

Ông Đinh Công Sơn, Giám đốc Ban duy tu khẳng định, sẽ chỉ đạo nhà thầu thi công phải giải phóng, khơi thông dòng chảy sông Tích trước mùa mưa bão năm nay để các vụ sau người dân xã Cẩm Lĩnh không bị ảnh hưởng bởi úng ngập.

Đến thời điểm này, Ban duy tu đã phối hợp với chính quyền xã, đơn vị thi công đo đạc cụ thể các diện tích bị thiệt hại do ngập lụt của từng hộ dân. Kết quả, có 14ha đã bị ngập lụt sâu, không thể gieo cấy sẽ được đền bù 100%; 16ha bị ngập một phần, bà con vẫn gieo cấy được. Đối với 16ha bị ngập một phần này, chúng tôi sẽ cố gắng giữ cho bằng được. Nhưng nếu trong thời gian sinh trưởng của cây lúa vẫn xảy ra úng ngập gây thiệt hại về năng suất thì sẽ đền bù hoàn toàn cho bà con.

Cũng theo ông Sơn, dự kiến mức đền bù thiệt hại sẽ dao động trong khoảng 20 triệu đồng/ha lúa. Tuy nhiên, đây chưa phải số liệu cuối cùng, bởi còn phụ thuộc vào đơn giá đền bù thiệt hại lúa, hoa màu của TP. Mặt khác, ông Chu Phú Mỹ cũng chỉ đạo phải cân nhắc thêm để đưa ra mức hỗ trợ phù hợp. Không phải 20 triệu đồng/ha mà sẽ thuyết phục, đề nghị đơn vị thi công hỗ trợ, đền bù cao hơn, không thể ốp thẳng theo đơn giá của Nhà nước được.

Liên quan đến phát ngôn của ông Vũ Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo NNVN: “Vụ mùa năm 2016, 2017 diện tích bị ngập úng gây mất mùa là 157ha. Bởi vậy, đến năm 2018, bà con bỏ cấy 157ha”, ông Đinh Công Sơn khẳng định: Đó là thông tin không chính xác.

00-51-12_st-4
Điểm sông Tích bị chặn dòng, chuyển hướng sang kênh tiêu nhỏ hẹp

Vị giám đốc Ban duy tu thừa nhận, trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10/2019, việc thi công đào đắp sông Tích đã gây ngập sâu tới ngang ngực hàng chục héc ta đất nông nghiệp của xã Cẩm Lĩnh. Tuy nhiên, diện tích ngập gây thiệt hại hoa màu (bà con đã gieo trồng ngô, đậu, su hào, rau...) thực tế chỉ khoảng 3 - 4 ha, còn lại là đất trống (không phải thiệt hại 20ha hoa màu như số liệu báo cáo của UBND xã Cẩm Lĩnh).

Hiện nay, các đơn vị liên quan chưa thể đưa ra phương án đền bù bù thiệt hại hoa màu vụ đông 2018 là do mâu thuẫn về số liệu thống kê giữa chính quyền xã với Ban duy tu và đơn vị thi công.

“Chúng tôi xác định phương châm khi kiểm kê thiệt hại do ngập úng là người thật việc thật. Ông trồng ngô thì phải còn ngô, trồng su hào thì phải còn su hào, chứ không phải toàn bộ người dân trồng cây hết trong vùng ngập. Không phải chúng tôi công bố số liệu thiệt hại thấp để trốn tránh trách nhiệm. Bà con mất hoa màu thì cũng rất thiệt thòi, khó khăn. Nhưng tiền bồi thường thiệt hại là của đơn vị thi công bỏ ra. Người ta phải có cơ sở gì xác đáng, xác thực thì mới bồi thường cho người dân”, ông Sơn nói.

Khi PV hỏi về thời điểm kiểm kê thiệt hại hoa màu do ngập úng trong vụ đông 2018, ông Sơn cho biết: Tháng 8 bị ngập thì tháng 10 (khi nước rút) mới triển khai kiểm đếm. Như vậy, sau khoảng hơn 2 tháng chìm trong bụng nước, liệu rằng số liệu thống kê thiệt hại hoa màu có thực sự chính xác? Khi nào 3 bên vẫn chưa thể thống nhất một con số cụ thể, thì khi ấy, tiền đền bù vẫn chưa thể về tay người dân.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...