| Hotline: 0983.970.780

Vụ đề thi học sinh giỏi tỉnh Quảng Nam trùng đề cương ôn tập: Cần phải nói cho đủ

Thứ Ba 08/11/2022 , 08:05 (GMT+7)

Cô giáo sai thì đã rõ, nhưng với một cách thức tổ chức kì thi phản khoa học như thế thì việc chỉ kết tội giáo viên ra đề liệu đã công bằng?

Sở Quảng Nam

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanhnien.vn.

Ở một kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, đề thi có một số nội dung trùng với đề cương ôn thi, trong khi người ôn thi cho học sinh lại cũng chính là người ra đề thi, đó là câu chuyện vừa mới xảy ra ở Quảng Nam. Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ thì cô giáo V.T.M.P. (giáo viên môn tin học Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, người ôn tập và ra đề) đã nhận sai. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng đã xác nhận có xảy ra vụ việc này trong kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm 2022 vừa qua, và nói rằng sẽ “xử lý nghiêm” cá nhân sai phạm.

Vụ việc này có thể được hiểu như là lộ đề, hay gian lận trong khâu ra đề nói chung. Và tất nhiên là vi phạm quy chế một cách nghiêm trọng. Việc “xử lý nghiêm” là điều phải được thực hiện. Tuy nhiên, đó mới chỉ là nhìn bề ngoài, nhìn lớp áo của sự việc. Còn “nghiêm” thế nào, “nghiêm” với những ai lại là điều phải được bàn tiếp, sau khi đã rõ ngọn ngành.

Theo tìm hiểu bước đầu của chúng tôi, Quảng Nam tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh THPT thành 2 đợt: đợt 1 (tháng 10 vừa rồi) về thực chất là thi chọn Đội tuyển học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia (có xét giải tỉnh cho tất cả các học sinh tham gia), chủ yếu là dành cho học sinh của 2 trường chuyên; đợt 2 (vào tháng 3 tới) mới là thi học sinh giỏi cấp “đại trà”, dành cho tất cả các trường THPT trong toàn tỉnh.

Cũng trong kỳ thi năm nay (đợt 1), đề thi ở các môn Hóa, Sinh, Sử và Tin chỉ do giáo viên 2 trường chuyên kể trên tham gia xây dựng dưới dự điều động của Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Nam; cơ cấu đề là 50/50 (mỗi trường 50% số điểm trong đề). Các môn khác thì có cả giáo viên trường chuyên và giáo viên trường thường.

Vậy, vấn đề ở đây là gì? Người “ngoại đạo” sẽ khó hình dung. Xin mô tả vắn tắt: Ở Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia, mỗi tỉnh/thành phố sẽ có một đội tham dự, số lượng học sinh mỗi môn trong đội ấy là giới hạn và được quy định cứng (ví dụ, môn Tin là 6 thí sinh). Trước tình hình đó, lại là ở một tỉnh có đến 2 trường chuyên mà áp lực để đưa cho được học sinh của trường mình vào trong cái danh sách 6 em đi thi kia là một mục tiêu nóng bỏng, gay cấn.

Trường nào không có học sinh vào được đội tuyển hay chỉ là vào được ít hơn thì giáo viên bộ môn có thể bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ hoặc kém cỏi về chuyên môn. Nó rất khủng khiếp, không ai muốn điều ấy rơi vào đầu mình cả.

Một giáo viên trực tiếp ôn luyện đội tuyển lại cũng là người được điều động tham gia xây dựng đề thi cùng với giáo viên của trường “địch thủ”, thì giáo viên ấy sẽ phải lựa chọn thế nào? Ra những nội dung hoàn toàn xa lạ với những gì mình đã dạy cho học trò mình ư? Lối ứng xử ấy chỉ có thể diễn ra khi cả hai giáo viên ra đề đều thống nhất được với nhau về nguyên tắc dựa trên niềm tin cá nhân, tất nhiên là chuyện này quá khó (và cũng chưa hẳn đã đúng). Lấy gì để làm tin với nhau đây?

Còn giả sử, trường hợp giáo viên có trung thực vô ngần đi nữa thì làm sao họ có thể chắc chắn được rằng mình sẽ ra đề đúng vào những nội dung chưa từng dạy cho học trò giữa một rừng kiến thức mênh mông kia? Với hoàn cảnh này việc ra đề trong nội dung đã ôn tập, dù chủ ý hay vô tình, cũng là điều gần như khó tránh được.

Tình hình sẽ trở nên căng thẳng hơn nhiều nếu hai trường không nhường nhịn nhau, lúc đó "địch - ta" sẽ phải phân rõ. Mỗi trường 50% đề, lúc đó “gà nhà” sẽ được học thuộc lòng “thóc nhà”; nhưng đề ấy lại khó tới nỗi đội bạn có thể phải để giấy trắng!

Cô giáo sai thì đã rõ, nhưng với một cách thức tổ chức phản khoa học như thế thì việc chỉ kết tội giáo viên ra đề liệu đã công bằng?

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Nam phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên vì đã tiến hành một cuộc thi bằng một cách thức tổ chức hết sức kỳ quặc như vậy.

Từ chỗ này mà nhìn rộng ra, chúng ta có quyền dự đoán rằng, không phải chỉ môn Tin mà ít nhất các môn Hóa, Sinh, Sử cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Một cuộc điều tra để xác minh và kiểm chứng cho nhận định này bây giờ là điều cần thiết.

Cách thức tổ chức một cuộc thi theo kiểu “vừa đá bóng vừa thổi còi” như thế thì không khác gì việc đẩy người khác xuống ao rồi quở trách rằng tại sao anh lại ướt!

Đó không phải là một suy luận chủ quan. Qua nghiên cứu các công văn liên quan đến việc tổ chức kỳ thi này ở Quảng Nam trong mấy năm gần đây thì chúng tôi phát hiện ra một điều quan trọng: Đây là năm đầu tiên trong Kỳ thi chọn Đội tuyển Quốc gia mà giáo viên hai trường chuyên ở Quảng Nam được điều động ra đề.

Chính chúng tôi cũng đã phải nếm đủ mùi cay đắng từ cách tổ chức ấy tại một tỉnh Đông Nam bộ vốn cũng có 2 trường chuyên như Quảng Nam. Chúng tôi, năm nào cũng như năm nào, cứ đến kỳ thi là lại kêu la, đề xuất với lãnh đạo Sở rằng để giảm bớt những nhiêu khê và sai lầm, hãy thuê người ngoại tỉnh ra đề hoặc bí mật mua đề từ một bên thứ 3. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà lãnh đạo ngành giáo dục vẫn quyết không chịu thay đổi. Phải chăng các vị vì nghĩ rằng việc dồn 2 trường chuyên vào một cuộc chiến sinh tử tàn khốc sẽ mang lại chất lượng tốt hơn cho Đội tuyển Quốc gia của tỉnh nên đã cố ý tổ chức một kỳ thi đầy đau khổ như vậy?

Việc tổ chức một kỳ thi theo cách ấy đã gây nên quá nhiều hệ lụy: làm mất đi sự trung thực ở cả người dạy lẫn người học; gây mất đoàn kết và phá vỡ mối quan hệ lành mạnh giữa giáo viên với giáo viên, giữa học trò với học trò hai trường; và nguy hiểm nhất là làm hỏng học sinh, tạo nên bất công trong giáo dục giữa trường chuyên và trường thường, v.v. Các em vô tình đã tiếp cận với sự dối trá một cách công khai và sợ rằng dần dần, nó đầu độc tâm hồn học sinh, khiến trẻ em coi những sai trái và gian dối ấy là điều bình thường, hiển nhiên.

Tổ chức một kỳ thi nhằm tìm ra những học sinh ưu tú nhưng cách tiến hành thì lại gây ra hậu quả ngược lại. Cô giáo V.T.M.P. đáng bị phê bình, nhưng lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Nam không thể vô can, và càng không thể không gánh lấy trách nhiệm chính trong việc đã gây ra một sai lầm nghiêm trọng trong việc này.

Về tính chất của thi học sinh giỏi; về những “bất cập” ở các kỳ thi học sinh giỏi mọi cấp; bất cập ở nơi mà một tỉnh có đến 2 trường chuyên, lại chồng thêm việc tổ chức kỳ thi một cách sai lầm như thế đã gây ra tai họa không thể đong đếm hết được đối với chất lượng giáo dục, với nhân cách thầy cô và trẻ em, gây chia rẽ nặng nề, phá hoại nền móng giáo dục, v.v, chúng tôi sẽ trở lại sâu hơn trong một bài khác. Nhưng trước mắt, đối với vụ việc môn Tin ở Quảng Nam, những người có liên quan, đặc biệt là người đứng ra tổ chức kỳ thi, phải nhận trách nhiệm, chịu trách nhiệm, và gấp rút thay đổi, điều chỉnh. Không thể để tình trạng ấy tiếp diễn.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.