| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông 2011 sẽ vỡ kế hoạch?

Thứ Sáu 11/11/2011 , 10:07 (GMT+7)

Do thời vụ bị co hẹp, cộng với mưa lớn kéo dài đúng vào dịp gieo trồng chính cây vụ đông đã khiến kế hoạch SX vụ đông năm 2011 các tỉnh phía Bắc có nguy cơ bị vỡ kế hoạch.

* Chính sách hỗ trợ vẫn đang... nằm trên giấy!

Kế hoạch SX vụ đông năm 2011 có nguy cơ “cầm chắc” bị vỡ kế hoạch

Mặc cho nhiều nỗ lực của cả TƯ và địa phương nhằm cứu vãn một vụ đông khó khăn ngay từ rất sớm, thế nhưng do thời vụ bị co hẹp, cộng với mưa lớn kéo dài đúng vào dịp gieo trồng chính cây vụ đông đã khiến kế hoạch SX vụ đông năm 2011 các tỉnh phía Bắc có nguy cơ không đạt kế hoạch đề ra.

Việc SX vụ đông năm 2011 gặp khó khăn chồng chất đã được tiên lượng từ sớm do thời vụ bị co hẹp so với các năm tới 15- 20 ngày. Trong hoàn cảnh đó, đúng vào giai đoạn xuống giống chính vụ của cây vụ đông vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2011, các tỉnh miền Bắc đã lại tiếp tục “gặp xui” khi mùa mưa kéo dài.

Trong tháng 10/2011, do ảnh hưởng của nhiều cơn bão liên tiếp đổ bộ vào miền Bắc đã kéo theo nhiều đợt mưa lớn khiến việc xuống giống cây vụ đông bị đình trệ nghiêm trọng, đặc biệt là các loại cây ưa ấm như đậu tương, ngô…Đất nhão nhoét, lo gặt lúa chạy mưa đã mệt bở hơi tai nên chẳng ai còn có đầu óc làm vụ đông.

Báo cáo tại cuộc họp giao ban về tình hình SX vụ đông năm 2011 – 2012 hôm qua, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết đến thời điểm này, tiến độ SX vụ đông tại các tỉnh miền Bắc đã bị chậm rất nhiều so với cùng kỳ nhiều năm, và hầu hết các địa phương có nguy cơ sẽ không hoàn thành được kế hoạch SX đã đề ra.

Cụ thể, theo tổng hợp của 31 tỉnh, thành phía Bắc, tính đến ngày 31/10/2011, tổng diện tích gieo trồng vụ đông mới chỉ đạt gần 270 nghìn hecta, bằng 51,7% so với kế hoạch và 66,3% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, diện tích đậu tương hiện mới gieo được hơn 31 nghìn hecta, chỉ đạt 37,5% so với kế hoạch, giảm 43.450 hecta so với cùng kỳ năm 2010. Theo Cục Trồng trọt thì hiện tại, đã quá vụ gieo đậu tương, và con số chỉ đạt hơn 31 nghìn hecta xem như là cầm chắc trong vụ đông năm nay.

Cùng cảnh cây ưa ấm như đậu tương, diện tích ngô mặc dù hiện đã hết vụ gieo trồng, và tổng diện tích tại các tỉnh phía Bắc mới chỉ đạt hơn 103 nghìn hecta, bằng 65,8% so với kế hoạch và giảm hơn 41 nghìn hecta so với năm 2010. Cây khoai lang đến thời điểm này cũng chỉ đạt chưa tới 40% diện tích so với kế hoạch ban đầu mà ngành trồng trọt đề ra.

Đáng thất vọng nhất là cây khoai tây vốn được nhiều địa phương ở phía Bắc đặt kỳ vọng rất lớn, nhưng đến thời điểm này diện tích và tiến độ gieo trồng diễn ra rất chậm và mới chỉ đạt một tỉ lệ rất nhỏ so với kế hoạch. Tính đến ngày 30/10/2011, 31 tỉnh miền Bắc mới chỉ xuống giống được gần 6.000 hecta, chỉ đạt 24% so với kế hoạch và giảm 5.100 hecta so với cùng kỳ năm 2010.

Nguyên nhân khiến diện tích khoai tây đến thời điểm này chỉ đạt tỉ lệ rất thấp, bên cạnh thời tiết mưa kéo dài trong thời gian qua, thì giá giống cao, lo ngại về thị trường, thiếu lao động… cũng đã khiến nông dân không mặn mà với loại cây này. Lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSH cho biết, mặc dù theo lịch của Cục Trồng trọt thì thời vụ trồng khoai tây có thể kéo dài tới 5/12/2011, tuy nhiên khả năng diện tích khoai tây sẽ tăng thêm là rất ít.

Lí giải về nguyên nhân của việc diện tích khoai tây chỉ đạt tỉ lệ rất thấp so với kế hoạch, tại cuộc họp hôm qua, lãnh đạo nhiều Sở NN-PTNT phía Bắc cho rằng, chính sách hỗ trợ giống khoai tây quá chậm của TƯ đã khiến nhiều địa phương và nông dân chần chừ, thậm chí mất khí thế. Điều đáng nói là chủ trương mở rộng diện tích khoai tây trong vụ đông năm 2011 đã được bàn bạc qua nhiều hội nghị từ tháng 7- 8/2011, tuy nhiên đến thời điểm này, chính sách hỗ trợ giống khoai tây theo đề xuất của Bộ NN-PTNT là 5 nghìn đồng/kg hiện tại vẫn đang… nằm trên giấy.

Riêng cây rau đậu vụ đông tại miền Bắc, do thời gian sinh trưởng ngắn, khung thời vụ còn dài nên vẫn còn khả năng mở rộng. Cục Trồng trọt cảnh báo, việc diện tích cây vụ đông đến thời điểm này chỉ đạt tỉ lệ rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm có thể sẽ kéo theo tình trạng khan hiếm nguồn “cung” rau, củ, quả vào những tháng cuối năm 2011, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán.

Trong khi đó một số cây rau màu không được ngành trồng trọt đưa vào "tầm ngắm", khuyến cáo nông dân gieo trồng thì lại thắng thế. Tại Thái Bình, theo ông Trần Xuân Định- PGĐ Sở NN- PTNT đã hình thành những vùng trồng bầu bí rộng hàng chục hec ta, liền vùng liền thửa. Hiện nay bí đao quả đã to bằng bắp chân, bắp tay rất nhiều. Theo nhiều đại biểu dự hội nghị, rau màu là cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp nên dễ "vào" dân hơn. Đây là một thực tế.

Ngược lại trồng khoai tây chi phí giống, công làm đất, chăm sóc đều cao, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay lao động là thanh niên trẻ khỏe đã ra thành phố hết, trên nhiều cánh đồng chỉ toàn là các "cụ nông dân" thì rõ ràng việc trồng khoai tây không phải là lựa chọn tốt. Tuy nhiên theo lãnh đạo Bộ NN- PTNT, khoai tây vẫn là cây trồng có giá trị kinh tế cao (hiện mỗi cân khoai tây ăn hơn chục ngàn đồng, lại dễ bán) nên mặc dù chỉ còn khoảng hai tuần nữa là hết thời vụ các địa phương vẫn phải vận động, tích cực hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích loại cây này.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.