| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông 2012: Phải có đầu ra

Thứ Hai 27/08/2012 , 10:06 (GMT+7)

Thực tế vụ đông 2011 cho thấy, địa phương nào dự báo thị trường tốt và có liên kết đơn đặt hàng với các DN đều mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng chỉ đạo SX vụ đông 2012

"Làm tốt công tác thông tin dự báo, liên kết chặt chẽ với DN, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững...", đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT tại hội nghị tổng kết SX vụ đông 2011, triển khai kế hoạch vụ đông 2012 ở miền Bắc vừa tổ chức tại Thái Bình.   

Bất cập tiêu thụ

Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt Phạm Đồng Quảng cho biết, vụ đông 2011 là một vụ đầy khó khăn bởi thời vụ vô cùng gấp gáp do việc SX lúa HT và lúa mùa sớm bị đẩy lùi thời vụ từ 20 - 25 ngày. Bên cạnh đó, ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4, số 5 đã gây mưa liên tục từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, cộng mưa phùn cuối vụ khiến phần lớn diện tích ngô, đậu tương muộn bị thối, mốc. Chính vì vậy, phần lớn các loại cây ưa ấm như ngô, đậu tương không đạt diện tích như kế hoạch. Cụ thể, diện tích ngô vụ đông 2011 trên 115.000 ha, giảm 3.500 ha; đậu tương đạt trên 31.000 ha, giảm 52.000 ha và lạc đạt trên 6.600 ha, giảm hơn 1.000 ha so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, mặc dù gặp khó khăn do thời tiết và thời vụ, song tổng sản lượng cây vụ đông 2011 vẫn xấp xỉ 3,9 triệu tấn, tổng giá trị đạt trên 10.000 tỷ đồng. Có được kết quả này, nhờ các địa phương linh hoạt đẩy mạnh diện tích cây ưa lạnh như khoai tây, khoai lang và đậu tương để bù vào diện tích cây ưa ấm. Nhưng, việc mở rộng diện tích theo hình thức gượng ép không có kế hoạch trên khiến vụ đông 2011 bộc lộ nhiều bất cập trong khâu tiêu thụ.

Điều đó được thể hiện rất rõ với cây khoai tây và rau đậu, do sức ép của thời vụ nên 2 loại cây trồng này được các địa phương ồ ạt trồng để "lấp đầy" diện tích, vô tình khiến cung vượt quá cầu, kết hợp với việc thu hoạch cùng một thời điểm nên giá khoai tây lúc chính vụ rẻ như cho khiến người dân chẳng buồn nhổ.

Một điều nữa, do không chủ động chuẩn bị giống từ trước nên rất nhiều nơi, người dân trồng các giống khoai tây chất lượng thấp, không có hiệu quả khi chế biến khiến đầu ra của 2 mặt hàng nông sản này càng khó khăn hơn. Đó là một bài học kinh nghiệm đắt giá cho vụ đông 2012. 

Theo kế hoạch, các tỉnh miền Bắc sẽ phấn đấu diện tích cây vụ đông 2012 vào khoảng 470.000 ha. Trong đó, giảm diện tích nhóm cây ưa ấm như ngô, lạc, đậu tương so với 2011 và tăng nhóm cây ưa lạnh như khoai tây, rau theo tỉ lệ 40%- 60%.

Cụ thể, diện tích ngô phấn đấu đạt 148.000 ha, khoai lang 65.000 ha, đậu tương 59.000 ha, lạc 7.000 ha, khoai tây 25.000 ha và rau các loại 166.000 ha. Tuy nhiên, để tránh rớt giá nông sản vào lúc chính vụ, căn cứ vào điều kiện cụ thể về thời gian giải phóng đất, điều kiện đất đai, tiểu khí hậu, tập quán canh tác và đặc biệt là khả năng tiêu thụ sản phẩm, từng địa phương cần có thông báo, đánh giá thị trường và hướng dẫn cụ thể về giống, lịch thời vụ gieo trồng để người dân chủ động chọn loại cây trồng phù hợp.

Về vấn đề dự báo thị trường và liên kết SX, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đặc biệt lưu ý các địa phương cần thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa HT, mùa, thu hoạch đến đâu làm đất trồng vụ đông đến đó, áp dụng các biện pháp làm đất tối thiểu. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thông tin thị trường, tổ chức SX tiêu thụ theo phương thức “cánh đồng mẫu lớn”, liên kết chặt chẽ các hộ nông dân với các thương lái, DN bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng, nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định.

“Bối cảnh SX vụ đông 2012 cho thấy thời điểm thu hoạch lúa HT và mùa sớm bị muộn hơn trung bình nhiều năm. Thời tiết được Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết khá phức tạp. Giá vật tư đầu vào tăng cao, việc vay vốn SX ngày một khó khăn. Điều này đòi hỏi các địa phương phải hết sức quan tâm và đầu tư lớn hơn nữa cho vụ đông mới hy vọng đạt kế hoạch đề ra, vì mỗi vụ đông thu về 14.000 - 15.000 tỷ đồng, bỏ đi là vô cùng lãng phí”, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc.

Thực tế vụ đông 2011 cho thấy, địa phương nào dự báo thị trường tốt và có liên kết đơn đặt hàng với các DN đều mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ví dụ như Thái Bình, trong khi nhiều nơi người dân chết dở vì khoai tây giá rẻ, bà con một số xã như Trọng Quan (Đông Hưng), Thái Giang (Thái Thụy), Vân Trường, An Ninh (Tiền Hải)… vẫn thu 60 triệu đ/ha nhờ trồng giống khoai tây Đức chất lượng cao, phục vụ cho các nhà máy chế biến.

 

Hay mô hình liên kết thuê đất SX rau an toàn của các Cty Đồng Xanh, Thanh Bình, Tân Nông, Trường Phượng tại huyện Lục Ngạn và Lạng Giang (Bắc Giang) cho giá trị thu nhập xấp xỉ 100 triệu đ/ha; mô hình trồng dưa bao tử có hợp đồng xuất khẩu tại Hưng Yên, Hà Nam cho thu nhập ổn định 90 triệu đ/ha…

Ông Nguyễn Văn Ca - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ, xu hướng vụ ĐX, HT và vụ mùa những năm tới sẽ muộn hơn cộng thời tiết khắc nghiệt sẽ gây khó khăn cho việc phát triển cây ưa ấm trong vụ đông. Do đó, việc nghiên cứu ra giống ngắn ngày và chuyển đổi cơ cấu giống là vấn đề sống còn với ngành trồng trọt.

Thái Bình đã dành rất nhiều chính sách đầu tư cho cơ giới hóa trong SX như hỗ trợ 50% kinh phí cho bất kể người dân, DN nào mua máy phục vụ SX. Qua chính sách khuyến khích này, đến nay số tiền chi cho hoạt động mua máy lên tới trên 5 tỷ đồng, nhờ đó, thời gian làm đất được rút ngắn rõ rệt.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.