| Hotline: 0983.970.780

Vụ Đông... công cốc!

Thứ Năm 01/11/2012 , 10:46 (GMT+7)

Tan hoang! Đó là tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy khi về Nam Định hai ngày sau cơn bão số 8.

Tan hoang! Đó là tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy khi về Nam Định hai ngày sau cơn bão số 8. Những ruộng lúa bị vùi dập, bị tuốt xác xơ, những hàng cây đổ rạp, bật gốc và những ruộng màu vụ đông dập nát, chìm ngập trong nước...

Dự định viết bài về những “điểm sáng vụ đông” của Thành Nam của chúng tôi thế là "tan thành mây khói", vì kế hoạch trồng cây vụ đông của Nam Định là 16.000 ha, trước ngày bão đến đã thực hiện được 12.800 ha. Nhưng bây giờ thì cả 12.800 ha đều bị tàn phá cả rồi. Trước bão, cả tỉnh còn 6.000 ha lúa chưa gặt, thì nay 5.810 ha bị ảnh hưởng, có vớt vát cũng chẳng còn được bao nhiêu. Chánh Văn phòng Sở NN-PTNT Nam Định cho chúng tôi biết như vậy bằng giọng trĩu buồn.

Trên cánh đồng xã Nam Giang, một xã nổi tiếng về khoai tây vụ đông của huyện Nam Trực, rất nhiều bà con đang gập lưng dùng gầu sòng, gầu dây tát nước ra khỏi những ruộng khoai vừa trồng đang bị ngập sâu, gương mặt người nào cũng còn lưu lại nỗi thảng thốt, kinh hoàng trước sự tàn phá vừa khủng khiếp vừa bất ngờ của cơn bão. Những luống khoai nhô lên khỏi nước đều trơ hết cả củ giống.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Trực, Nguyễn Xuân Hưởng cho biết: "Toàn huyện mất trắng 530 ha khoai tây, 180 ha ngô và 77 ha rau màu các loại. Những ruộng khoai tây mà các anh vừa thấy ở Nam Giang ấy, giờ bà con đang cố hút hết nước đi, rồi may ra còn những củ giống nào đã trồng mà chưa ra rễ thì còn cứu được. Nhưng cũng chả còn được đáng bao nhiêu đâu".


Tát nước cứu khoai tây ở Nam Trực

Dẫn chúng tôi ra ruộng dưa chuột bao tử bị ngập sâu cả gang tay dưới nước, ông Trần Văn Đoàn ở xóm 14, xã Trực Thái (huyện Trực Ninh) móc lên những cây dưa bị dập nát, úa đen vì nước cho xem: "Bao nhiêu vốn liếng tích cóp mấy chục năm trời, giờ mất hết cả rồi, nhà báo ạ. Trước bão, nhìn ruộng dưa thấy mát lòng mát dạ bao nhiêu thì giờ đây lòng dạ rối bời, tan nát bấy nhiêu...".

Ông Đoàn trồng tất cả 385 sào dưa chuột (14 ha). Nếu tính với mức đã đầu tư vào dưa khiêm tốn nhất là mỗi sào 1 triệu đồng, thì ông đã bỏ ra gần 400 triệu. Chỉ còn hơn chục ngày nữa là dưa được thu, nhưng bây giờ thì tất cả đã thành con số không tròn trĩnh.

Ông Nguyễn Huân, cùng xóm với ông Đoàn, bộc bạch: "Vụ đông năm 2011, tôi trồng 100 sào dưa chuột bao tử (3,6 ha), trừ hết mọi chi phí đi rồi, còn lãi ròng mỗi sào 500 ngàn đồng, vị chi 50 triệu tất cả. Năm nay, tôi tăng diện tích lên gấp ba (10,8 ha), đã bỏ ra hơn 300 triệu đầu tư vào dưa rồi, cứ hy vọng được 150 triệu tiền lãi, ai ngờ “người tính không bằng trời tính”. Không biết bao giờ tôi mới gượng dậy được sau trận thiên tai này.

Ông Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân, người đã bỏ ra trên 1 tỷ đồng để ứng trước cho bà con mua giống, phân bón... trên tổng diện tích 120 ha dưa chuột bao tử, 20 ha ngô và 10 ha rau (mỗi sào, ngoài số tiền bà con bỏ ra đầu tư, Cty đã cho ứng 400 ngàn đồng).

Ông Sáu cho biết: "Những người trồng dưa chuột bao tử đều SX lúa giống cho chúng tôi. Chủ trương của Cty là vận động bà con làm vụ đông để tăng thêm thu nhập. Trước bão, khí thế làm vụ đông của bà con vô cùng sôi nổi, vì thực tế những năm trước đã làm, và đã có lãi rồi.

Bão số 8 đã gây cho Nam Định sự tổn thất nặng nề, quy ra giá trị là 887 tỷ đồng và cướp đi mạng sống của 2 người. Nhưng đó chắc chắn là con số thiệt hại ít nhất. Vì như trên đã nói, trước khi bão vào, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh đã được huy động để sẵn sàng đối phó với tinh thần cao nhất.

Nay chẳng may gặp "đại hoạ" này thì Cty cũng phải chia sẻ với bà con. Mất tiền, còn có thể làm lại được, nhưng điều chúng tôi băn khoăn nhất là rồi đây, liệu bà con có còn giữ được cái nhiệt tình với những vụ đông nữa hay không?".

Cơn bão số 8 với gió mạnh cấp 11, 12, giật cấp 13, 14, đã tràn vào Nam Định suốt từ 17 giờ ngày 28/10 đến 3 giờ ngày 29/10, gây mưa lớn trên diện rộng, lượng mưa bình quân 180 mm (một số nơi như Giao Thuỷ 379 mm, Xuân Trường 307 mm...). Nhưng trước khi bão đến, toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định đã kịp thời phòng chống.

Ngay từ khi cơn bão vào biển Đông (25/10), UBND tỉnh đã quán triệt đến tất cả các ban, ngành của tỉnh về việc thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLBTW để chủ động phòng chống. Ngày 26, 27/10, Ban chỉ huy PCLB&TKCN của tỉnh đã có liên tiếp 2 công điện. Ngày 27/10, Chủ tịch UBND tỉnh cũng có công điện chỉ đạo việc phòng chống bão số 8.

Thực hiện các công điện trên, toàn tỉnh đã khẩn trương thu hoạch lúa mùa, phòng chống ngập úng cho cây vụ đông, phòng chống ngập cho các khu dân cư. Tàu thuyền trên biển và ở các vùng nuôi trồng thuỷ sản được lệnh trở về nơi neo đậu an toàn...

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.