| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông- Những mảng màu sáng tối (Bài 5): Hải Dương chớp 'cơ hội vàng'

Thứ Sáu 18/09/2020 , 07:28 (GMT+7)

Dịch Covid - 19 tạo ra những khó khăn, nhưng cũng đem đến cơ hội lớn để nông dân các vùng chuyên canh rau màu vụ đông tại Hải Dương phát triển sản xuất.

Nông dân Hải Dương thắng lợi giòn giã vụ cà rốt đông xuân 2019 - 2020 khi có thời điểm giá lên tới 8.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Phúc.

Nông dân Hải Dương thắng lợi giòn giã vụ cà rốt đông xuân 2019 - 2020 khi có thời điểm giá lên tới 8.000 đồng/kg. Ảnh: Minh Phúc.

Cà rốt sốt giá

Dù nhiều doanh  nghiệp ngỏ ý ký hợp đồng bao tiêu cà rốt với giá 5.000 đồng/kg (cao hơn trung bình hàng năm), nhưng ông Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) chưa dám đặt bút ký. Lý do là bởi, có nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy, giá cà rốt vụ đông năm nay sẽ tăng cao hơn nhiều.

Khu nhà xưởng sơ chế, chế biến nông sản của HTX Đức Chính rộng 1.000m2 do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ đã hoàn thành 70% khối lượng. Vị giám đốc Nguyễn Đức Thuật rất mong dự án sẽ kịp hoạt động trước thời điểm thu hoạch cà rốt vụ đông xuân 2020 – 2021, bởi rất nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng thu mua.

“Ngoài 360ha trồng cà rốt tại xã Đức Chính, nhiều xã viên đã sang các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng… để thuê ruộng, trồng cà rốt với diện tích trên 1.000ha, sau đó đưa về địa phương để chế biến, xuất đi”, ông Thuật chia sẻ.

Vụ đông năm ngoái, cà rốt đầu vụ chỉ dao động từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, nhưng thời điểm cận Tết, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường xuất khẩu nông sản của Trung Quốc gần như “đóng băng”.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là không tồn dư các hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, nên cà rốt của xã Đức Chính đủ điều kiện để xuất khẩu. Ảnh: Minh Phúc.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là không tồn dư các hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, nên cà rốt của xã Đức Chính đủ điều kiện để xuất khẩu. Ảnh: Minh Phúc.

Tận dụng cơ hội đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thị phần tiêu thụ cà rốt, khiến giá mặt hàng này đẩy lên rất cao (có thời điểm nông dân bán tại ruộng 8.000 đồng/kg). Đây là vụ đông thắng lợi giòn giã của nông dân Đức Chính.

Trung bình, mỗi ha trồng cà rốt đạt 45 tấn/ha, do đó tổng sản lượng cà rốt của xã Đức Chính (tính cả diện tích nông dân thuê ruộng tỉnh ngoài) khoảng 65.000 tấn. Đáng chú ý, suốt nhiều tháng qua, Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt nên chắc chắn ngành trồng trọt sẽ khó đảm bảo được nguồn cung.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia và các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Saigon Co.op,… đã hợp đồng bao tiêu cà rốt của HTX Đức Chính. Năm nay, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo rét sẽ đến sớm hơn, đây là điều kiện thuận lợi để cây cà rốt phát triển, cho năng suất và chất lượng cao.

Đảm bảo mọi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm

Ông Nguyễn Đức  Thuật chia sẻ, muốn nông sản có chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của đối tác nước ngoài thì bất cứ hợp tác xã nào cũng cần có các chuyên gia nông nghiệp hỗ trợ.

Ngoài Sở NN-PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương, người dân Đức Chính còn được các chuyên gia nước ngoài (từ tổ chức JICA, chuyên gia Hàn Quốc,…) tập huấn từ quy trình canh tác VietGAP đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.

Nhờ đó, mỗi vụ sản xuất cà rốt, hàng chục đơn vị, cơ quan (từ các doanh nghiệp thu mua sản phẩm, cơ quan quản lý nhà nước đến các tổ chức nước ngoài như JICA…) đến lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng không có mẫu nào vượt. Bên cạnh đó, trước vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con đánh luống cao để củ cà rốt dài, to.

Nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Chính để tiêu thụ cà rốt. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác với HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đức Chính để tiêu thụ cà rốt. Ảnh: Minh Phúc.

Theo ông Thuật, hiện nay, giống cà rốt TI103 của Nhật Bản đã đứng chân trên đồng đất của xã Đức Chính hơn 20 năm, do đó đầu ra chưa thực sự phù hợp nhu cầu thị trường. Một số đối tác phản ánh cà rốt Đức Chính có độ đồng đều không cao bằng các vùng sản xuất của Trung Quốc và phần cuống củ cà rối có màu xanh.

Do đó, hợp tác xã Đức Chính đã phối hợp với một số doanh nghiệp nước ngoài trồng thử nghiệm một số giống cà rốt mới, cho năng suất, chất lượng cao hơn.

Dịch Covid – 19 là cú hích cho vụ đông

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương chia sẻ, không chỉ cà rốt, nhiều sản phẩm cây trồng vụ đông, đặc biệt là hành, tỏi cũng tăng giá mạnh do hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh và lũ lụt.

Hiện nay, giá hành khoảng 35.000 đồng/kg, tỏi 80.000 đồng/kg cao gần gấp đôi so với thời điểm đầu vụ. Nguyên nhân là do thời điểm thu hoạch hành, tỏi của Trung Quốc lệch so với Việt Nam.

Trước đây, hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam khá nhiều nhưng bây giờ gần như không có; thương lái của họ cũng không nhập được hành, tỏi của Việt Nam nên các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp thu mua của nông dân và xuất khẩu cho đối tác nước ngoài.

Đến nay, tổng diện tích hành, tỏi của Hải Dương 6.000ha, chưa kể nông dân còn thuê ruộng ở tỉnh ngoài để canh tác. Bà Hà cũng cho biết, vụ đông năm 2020, Hải Dương dự kiến sản xuất khoảng 20.500ha, giá trị đạt khoảng 165 triệu đồng/ha, đặc biệt, sản phẩm vụ đông hướng đến 50% thị trường xuất khẩu và 50% tiêu thụ trong nước, qua đó đảm bảo phát triển bền vững.

“Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Quốc tế đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc”, bà Hà chia sẻ. Điển hình như Công ty Green Food của Hàn Quốc đang đầu tư một nhà máy chế biến quy mô lớn tại huyện Cẩm Giàng, trong năm nay sẽ đi vào hoạt động.

Chính phủ Hàn Quốc cũng cũng hỗ trợ xây dựng một số dự án để nâng cao năng lực sản xuất và chế biến nông sản của Việt Nam trị giá khoảng 1,6 triệu USD. Ngoài hợp tác xã dịch vụ Đức Chính, hợp tác xã nông nghiệp Tân Minh Đức (huyện Gia Lộc) cũng được đầu tư nhà máy bảo quản lạnh, phân loại, sơ chế, chế biến nông sản; được các chuyên gia của Hàn Quốc tập huấn các quy trình sản xuất tốt để đáp ứng tiêu chuẩn từ đối tác nhập khẩu Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần Ameli Việt Nam, ngoài xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản và Châu Âu, đang tìm cách đa dạng hóa sản phẩm (gồm củ cải, su hào, cần tây, súp lơ, cà rốt, tỏi tây, xà lách ngồng,…) để cung ứng cho đối tác.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương chia sẻ với Báo NNVN về kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Minh Phúc.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương chia sẻ với Báo NNVN về kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Ảnh: Minh Phúc.

Sở NN-PTNT đã làm cầu nối để doanh nghiệp này đi khảo sát các vùng sản xuất của các HTX, qua đó đặt nền móng cho mối quan hệ hợp tác bền chặt sau này.

Trợ lực các chuỗi liên kết

Bà Vũ Thị Hà cho biết, đối với sản phẩm cà rốt, ngoài việc xuất tươi sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Dubai thì một số doanh nghiệp đã chế biến thành các sản phẩm cắt miếng, rồi xuất sang Nhật Bản khá tốt.

Đối với một số loại cây ưa ấm, đặc biệt là ngô, bí xanh, tỉnh Hải Dương khuyến khích nông dân mở rộng diện tích vụ đông trên chân đất hai lúa. Nhất là các hộ đã tích tụ ruộng đất, có thể trồng các loại ngô ngọt, ngô nếp để bán làm quà, hoặc đưa vào các nhà máy chế biến, xuất khẩu tại Hải Dương, Ninh Bình.

Riêng về ngô sinh khối, đây là tiềm năng lớn, tuy nhiên Hải Dương phát triển một cách thận trọng, bởi đầu ra của sản phẩm phụ thuộc vào các doanh nghiệp. Hiện nay tỉnh Hải Dương đã liên hệ với các doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ngô sinh khối, nhưng chưa có doanh nghiệp thực sự mặn mà đầu tư.

Với phương châm “hướng vào giá trị làm mục tiêu sản xuất”, Hải Dương tiếp tục duy trì, mở rộng, phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn dễ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực (hành củ, cà rốt, củ đậu, cải bắp, su hào), nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, điều chỉnh cơ cấu và diện tích cây trồng để khai thác cơ hội và hạn chế khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng Covid-19.

Theo đó, cần phải nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu cho 3 sản phẩm chủ lực cà rốt, cải bắp, súp lơ; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ qua hợp đồng, xây dựng thương hiệu và truy suất nguồn gốc nông sản.

Đặc biệt, tỉnh Hải Dương có cơ chế hỗ trợ các chuỗi liên kết (không quá 8 tỷ đồng/chuỗi) để khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với nông dân, hợp tác xã từ sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đối với các mô hình liên kết, yêu cầu phải ổn định ít nhất 3 năm.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm