| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông ở Thái Bình, khó khăn chồng chất

Thứ Ba 11/10/2011 , 09:55 (GMT+7)

Đến thời điểm ngày 10/10, dù đã cố gắng tột cùng nhưng diện tích cây ưa ấm gồm ngô, ớt, dưa bí mới chỉ đạt trên 10 ngàn ha, đậu tương vẫn chưa qua khỏi ngưỡng 1 ngàn ha.

Tăng giá trị cây vụ đông là mở rộng khoai tây
Theo kế hoạch, vụ đông này Thái Bình gieo trồng trên 40 ngàn ha cây vụ đông, mặc dù đã có những động thái chuẩn bị từ rất sớm cùng với việc điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế, nhưng xem ra vụ đông năm nay thật quá khó với không chỉ nông dân Thái Bình.

Tác động của rét đậm, rét hại từ vụ xuân tạo nên một vụ xuân được mùa chưa từng thấy, nhưng đã kéo dài thời gian trỗ và thu hoạch lúa xuân 15 đến 20 ngày, mặc dù đã “vắt chân lên cổ mà chạy” nhưng vụ mùa ở Thái Bình vẫn bị trễ 7-10 ngày. Vụ mùa năm 2010 đến ngày 5/9 đã có trên 33 ngàn ha lúa trỗ và đến 10/9 đã có trên 40 ngàn ha trổ bông xong, tạo quỹ đất khá thoải mái cho bà con nông dân gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như đậu tương không làm đất, ngô và các loại dưa bí...

Vụ đông năm nay đến thời điểm 10 tháng 9 diện tích lúa trỗ của Thái Bình mới đạt gần 20 ngàn ha, bằng phân nửa năm ngoái. Phần lớn diện tích lúa trổ từ 15-20/9, phía nam tỉnh trổ đến 25/9 và còn hàng ngàn ha diện tích lúa ven biển trổ sang đầu tháng 10. Việc chuẩn bị kế hoạch gieo trồng vụ đông đã được ngành NN- PTNT và các địa phương thảo luận và bàn bạc sớm, điều chỉnh giảm cây ưa ấm nhất là giảm diện tích gieo vãi đậu tương, mở rộng diện tích các cây trồng có điều kiện để tận dụng thời vụ bằng cách làm bầu như ngô, dưa, bí các loại; tăng mạnh diện tích cây ưa lạnh mà chủ lực là khoai tây.

Tuy vậy, đến thời điểm này 10/10, đã cố gắng tột cùng nhưng diện tích cây ưa ấm gồm ngô, ớt, dưa bí mới chỉ đạt trên 10 ngàn ha, đậu tương vẫn chưa qua khỏi ngưỡng 1 ngàn ha. Khó khăn chồng chất khó khăn: ảnh hưởng của bão số 4, vừa tháo khô được ruộng để đẩy nhanh quá trình chín và thu hoạch thì bão số 5 ập đến, gió và mưa không lớn nhưng vài chục ngàn ha lúa đã chín 70- 80% vào thời kỳ nặng hạt bị đổ ngã, và lại kéo dài thời kỳ chín, nhiều diện tích đang thu hoạch liên tục gặp mưa do hoàn lưu bão số 6 khiến bà con không thể thu hoạch được.

Việc gieo vãi đậu tương theo kế hoạch của 2 huyện Vũ Thư và Hưng Hà với trên 4 ngàn ha; hạt giống đã được chuẩn bị và có chính sách hỗ trợ nhưng bà con ở cả 2 huyện này không thể triển khai gieo trồng được vì mưa rả rích gần cả ngày, ruộng lõng bõng nước, ném hạt xuống chỉ có thành phân bón ruộng. Diện tích dưa bí làm trong bầu, do mưa ẩm, lở cổ rễ đã làm vài chục % bầu chết, khi đưa ra ruộng gặp mưa, không ít diện tích đã phải trồng lại. Mưa ẩm, nhiệt độ thấp, ánh sáng thiếu khiến cây vụ đông trồng sớm sinh trưởng chậm và còi cọc, thật là “họa vô đơn chí” cho việc triển khai cây vụ đông năm nay.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khó khăn, cách đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư cho nông nghiệp, nông nghiệp phát triển sẽ góp phần cho sự ổn định của xã hội.

Vụ mùa và vụ đông đã rất khó khăn, nông dân chi phí cũng đã nhiều, nếu có sự trợ giúp của nhà nước dù chỉ 15-20% giá giống lúc này cho cây vụ đông ưa lạnh để bà con còn cơ hội mở rộng diện tích thì thật ý nghĩa biết bao nhiêu.

Không thể đạt được kế hoạch diện tích, nhưng Thái Bình phấn đấu sẽ đưa giá trị thu hoạch từ cây vụ đông không thua kém và sẽ còn cao hơn năm ngoái bằng việc mở rộng tối đa diện tích cây ưa lạnh mà chủ lực là cây khoai tây và các loại rau ăn lá, ăn củ ưa lạnh. Vốn là tỉnh có truyền thống thâm canh và có diện tích khoai tây cao nhất trong vùng, do những khó khăn về giống và nhất là đầu tư ban đầu cao, cả giống và lao động, phân bón khiến diện tích khoai tây của Thái Bình cứ giảm dần từ trên 6.000 ha những năm 2004-2006, hai năm gần đây giảm chỉ còn trên 3.000 ha.

Vụ đông 2010, khoai tây được mùa, được giá và 1 ha khoai tây cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng, nếu so với đậu tương thì việc mở rộng và phát triển 1.000 ha khoai tây sẽ tương đương với 6-7 ngàn ha đậu tương (tính về mặt giá trị thu hoạch), 1 ngàn ha rau củ ưa lạnh cũng sẽ tương đương với 4- 5 ngàn ha đậu tương. Nếu thực hiện được kế hoạch này, giá trị cây vụ đông của Thái Bình sẽ cao hơn năm trước. Và cũng đến thời điểm này, cách còn lại duy nhất để đạt được kế hoạch giá trị cây vụ đông là mở rộng khoai tây và rau củ ưa lạnh.

Để thực hiện được kế hoạch này, ngày 5/10, UBND tỉnh đã họp bàn với các sở ngành và các huyện, thành phố, chính sách hỗ trợ giống đã được quyết định, việc cung ứng giống sẽ phải lựa chọn loại giống khoai tây phù hợp với nhu cầu thị trường chế biến và ăn tươi, giống khoai được hỗ trợ phải là giống chất lượng ngon, thịt củ vàng, mắt củ nông và có nguồn gốc rõ ràng, có kiểm dịch. Các địa phương rất hồ hởi vào cuộc, ngoài số trợ giá của tỉnh, nhiều huyện cũng trích ngân sách hỗ trợ thêm, quyết phấn đấu để giá trị cây vụ đông không thua kém mà còn phải cao hơn năm trước.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất