| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông Thái Nguyên không như mong đợi

Thứ Năm 07/11/2013 , 10:20 (GMT+7)

Trong nhiều nguyên nhân khiến nông dân Thái Nguyên không thiết tha SX vụ đông thì nhiều người cho rằng bản chất của vấn đề chính là lợi nhuận không đủ.

Trong nhiều nguyên nhân khiến nông dân Thái Nguyên không thiết tha SX vụ đông thì nhiều người cho rằng bản chất của vấn đề là lợi nhuận của vụ này không bằng làm những việc khác...

Cơ chế khuyến khích

Từ lâu, vụ đông đã được xác định là vụ SX chính với giá trị sản lượng lớn. Để khuyến khích SX, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định phê duyệt phương án SX năm 2013, mà điểm mới là ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cây trồng vụ đông.

Theo đó, ngoài cây ngô đông, các cây trồng khác nằm trong danh mục được hỗ trợ như giá giống khoai tây 120.000 đ/sào; đậu tương 50.000 đ/sào; bí xanh, bí đỏ 130.000 đ/sào; cà chua, dưa chuột, ớt, ngô rau 100.000 đ/sào. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn giống, biện pháp canh tác mới và SX rau xanh VietGAP.

Chưa thuận

Mặc dù cơ chế hỗ trợ khuyến khích SX vụ đông nhận được sự đón nhận từ phía các cơ quan chuyên môn nhưng xem ra, người nông dân vẫn không mặn mà với đồng ruộng.

Những năm trước đây, bước vào vụ đông thì cánh đồng Tân Thái (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) năm nào cũng được bà con tận dụng 100% diện tích để gieo trồng rau màu. Vụ đông này, việc thu hoạch lúa đã được hoàn tất gần 1 tháng nhưng mới chỉ lác đác vài ba ruộng gieo ngô.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích gieo trồng ngô đông của huyện liên tục giảm. Đã có thời điểm, diện tích ngô đông của huyện đạt 750 ha. Số lượng cứ giảm dần, có lúc chỉ còn 200 - 300 ha.


Nông dân không hào hứng SX nên nhiều cánh đồng bị bỏ hoang

Vụ đông 2013, huyện lập kế hoạch gieo trồng 482 ha. Diện tích ngô đông giảm nhưng diện tích rau màu đã không tăng mà vẫn phải nỗ lực để giữ nguyên.

Dù SX trên địa bàn có thế mạnh về cây vụ đông, ông Dương Trọng Minh, xóm Cậy, xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ cho biết, vụ đông này, nhà ông bỏ hoang ruộng nên ruộng chỉ để chăn thả trâu bò.

Một số hộ dân trong xóm cũng bỏ hoang ruộng vì không có nước tưới, mưa xuống rét nên trồng được ít loại cây. Đa số thanh niên làng đi làm hết ở nhà chỉ còn mấy người già làm thì vất, mà tiền cho vụ đông chả đáng bao nhiêu, chi phí đắt đỏ, giá cả thị trường bấp bênh. “Thôi thì bỏ ruộng đấy, làm cái khác thu nhập cao hơn” , ông Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Tơ, xóm Huống Trung, xã Huống Thượng cho biết, trước kia vụ đông mang lại giá trị thu nhập lớn bởi Huống Thượng là địa bàn cung cấp một lượng lớn rau xanh cho TP Thái Nguyên. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình có thu nhập khác cao hơn nên đã bỏ ruộng.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, ông Nguyễn Hùng Trung, xóm Đồng Tâm, xã Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên cho biết, lúc rau đắt thu nhập còn tạm tạm nhưng rau rẻ thì không đủ tiền đầu tư, nhiều nhà trồng với diện tích lớn đa phần phải bỏ vốn ra nhưng khi có thiên tai hạn hán thì mất cả vốn lẫn lãi.

Theo ông Nguyễn Thanh Phương thì những khó khăn trong SX vụ đông đều đã được dự liệu. Đó là việc nhiều địa phương không đảm bảo diện tích lúa mùa sớm cho gieo trồng cây vụ đông. Vào đầu vụ thường có mưa lũ gây ngập lụt, cuối vụ lại rét đậm ảnh hưởng đến tiến độ SX. Mặt khác, giá vật tư đầu vụ tăng cao trong khi nguồn vốn, lao động và thị trường rất bấp bênh…

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất dẫn tới nông dân không còn mặn mà do yếu tố xã hội khách quan tác động. Ông Phương chứng minh, 1 sào ngô đông qua 3 tháng chăm sóc nếu thuận sẽ cho thu nhập khoảng 1 triệu đồng.

Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm, các công việc khác tại khu vực đô thị, dịch vụ đòi hỏi một lượng lớn nhân công thì người nông dân sẵn sàng bỏ đồng ruộng để đi làm thuê. Với mức từ 150.000 - 300.000 đ/ngày công lao động phổ thông thì chỉ cần làm 1 tuần là có thể có có thu nhập bằng hoặc cao hơn làm 1 sào ngô trong 3 tháng.

Nhìn nhận vấn đề tích cực hơn, ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đại Từ cho biết, cây ngô đông chỉ có thể phù hợp với những vùng đặt ra yêu cầu về an ninh lương thực, vùng đồng bào có trình độ thâm canh hạn chế. Rau màu vụ đông mang lại thu nhập lớn cho nông dân các vùng ven đô, song thị trường lại bấp bênh.

Trước thực tế đó, cơ quan chuyên môn cần tham mưu để xác định vùng trọng tâm, trọng điểm để chọn lựa loại cây giống gieo trồng. Đối với những xã có lực lượng lao động dồi dào, ít nghề phụ và diện tích chè nhỏ, manh mún thì huyện Đại Từ đã tập trung tuyên truyền SX ngô, đỗ tương, khoai tây.

Đối với nông dân các xã ven đô có trình độ thâm canh cao thì huyện khuyến khích bằng cơ chế hỗ trợ để gieo trồng các loại rau màu như cà chua, ớt, hành tỏi, hoa… Với cách làm đó, huyện Đại Từ đã hình thành được các vùng SX tập trung. Quan trọng hơn là người nông dân đã chủ động gắn bó với ruộng đồng khi vụ đông đến.

Ông Nguyễn Tá, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Thái Nguyên: Ngoài cơ chế hỗ trợ SX vụ đông, xây dựng kế hoạch SX, thời vụ... Sở đã triển khai tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn các giống năng suất, chất lượng cao, tổ chức SX, tiêu thụ sản phẩm theo phương thức cánh đồng mẫu lớn cho một số địa phương.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.