| Hotline: 0983.970.780

Vụ 'hai ông Chấn': Nghịch lý hiện trường

Thứ Sáu 03/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Những người dân ở thôn Nhân Phúc, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tiếp tục cung cấp thêm cho chúng tôi một số thông tin mới. Đây là những thông tin mà theo chúng tôi, là rất quan trọng./ Những người trong cuộc nhớ gì?

Sau khi báo NNVN đăng bài Vụ "hai ông Chấn": Những người trong cuộc nhớ gì?”, những người dân ở thôn Nhân Phúc, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tiếp tục cung cấp thêm cho chúng tôi một số thông tin mới. Đây là những thông tin mà theo chúng tôi, là rất quan trọng.

Ông Trần Thanh Thảo, cựu chiến binh, tham gia quân đội từ năm 1963 đến năm 1980. Về quê, ông làm bí thư chi bộ xóm 5, làng Nhân Phúc, từ năm 1981 đến năm 1997 mới nghỉ, cho biết:

- Sau khi vụ án xảy ra, công an có về đây điều tra, cả công an hình sự lẫn công an kinh tế. Khi về làm việc, các anh ấy làm việc ở nhà ông Báo, còn ăn uống thì ở nhà tôi.

Một hôm, các anh ấy bảo tôi: Người ném trái lựu đạn là người Nhân Phúc đấy bác ạ. Đã tìm ra rồi. Tôi hỏi ai? Các anh ấy bảo là Trần Ngọc Thanh.

Tôi phủ nhận ngay: Thanh không thể là người ném trái lựu đạn đó. Các anh ấy hỏi tại sao. Tôi trả lời: Từ chỗ công an đánh dấu vị trí đứng của người ném lựu đạn đến chỗ lựu đạn nổ, luật sư Khang đã đo được 72 mét theo đường thẳng.

Tôi tham gia quân đội từ năm 1963, sau khi được huấn luyện đầy đủ, năm 1964 tôi đi thi 3 môn: Ném lựu đạn, bắn súng và vượt chướng ngại vật ở quân khu. Tôi được giải nhất về ném lựu đạn. Khi thi, chúng tôi được chọn tư thế ném thoải mái nhất, ném 15 quả liên tiếp. Thế mà quả xa nhất tôi ném chỉ được 59,7 mét. Trần Ngọc Thanh là một thanh niên 18 tuổi, chưa hề được huấn luyện, thì không thể nào ném trái lựu đạn đi xa tới 72 mét được.

Các anh ấy bảo: Thanh ném lựu đạn theo tư thế ném đuổi. Tôi bảo: Nếu là ném đuổi, thì trái lựu đạn sẽ rơi và phát nổ ở phía sau lưng người Nhân Phúc. Như vậy tất cả đều phải bị thương ở lưng, ở mông, ở phía bắp chân sau, và sức ép của trái lựu đạn sẽ đẩy mọi người ngã sấp xuống.

Đằng này, theo kết quả khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm thương tích, thì tất cả đều bị thương ở bụng, ở ngực, ở phía trước chân, và đều ngã ngửa. Chỉ có trái lựu đạn ném trực diện, từ phía trước tới, tức là từ phía người Thanh Nga tới, thì mới bị thương như thế được.

Các anh ấy lại bảo: Trái lựu đạn đó nổ trên không. Tôi bảo nếu là lựu đạn nổ trên không, thì thương tích phải ở đầu, ở vai. Đằng này cả 21 người của Nhân Phúc bị thương, đều không có ai bị thương ở đầu, ở vai cả.

Cuối cùng, các anh ấy bảo: Về lý luận và thực tiễn, như bác nói là hoàn toàn đúng. Nhưng thằng Thanh nó đã khai nhận là chính tay nó ném trái lựu đạn đó rồi, thì bác bảo sao? Tôi trả lời: Nó khai nhận thế nào, kết luận thế nào là quyền của các anh. Tôi chỉ biết vậy thôi.

Điều kỳ lạ là với một vụ án lớn như vậy, quan trọng như vậy, mà công an lại không tổ chức thực nghiệm hiện trường. Tôi được biết tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Khang, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Trần Ngọc Thanh tại tòa, đã đưa kết quả đo đạc cùng với lập luận của mình ra, nhưng không được tòa chấp nhận.

Cho đến nay, nhiều người ở Nhân Phúc đều còn nguyên sự thắc mắc về trường hợp Trần Văn Cự, người làng Thanh Nga. Theo nhân chứng Trần Văn Chương, thì hôm xảy ra xô xát, phía Thanh Nga có rất nhiều người như Cự, Toàn, Hồng…

Sau hôm trái lựu đạn nổ, thì tự nhiên Trần Văn Cự bỏ trốn khỏi nơi cư trú, trong khi những người khác của Thanh Nga như Toàn, Hồng… thì không. Việc bỏ trốn của Trần Văn Cự nói lên điều gì? Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Nam Hà lúc đó đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Trần Văn Cự về hai tội “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí”, và ra lệnh truy nã đối với Trần Văn Cự trên toàn quốc.

Lệnh truy nã đó đã được đăng trên báo Nam Hà. Thế thì vì sao sau khi bị bắt, Trần Văn Cự lại được chuyển tội danh từ “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí” thành “gây rối trật tự công cộng”? Lý do thực sự của việc chuyển tội danh đó là gì?

Có thể nói đây là một vụ án khá lạ lùng. Càng đi sâu tìm hiểu, càng thấy nhiều điều không bình thường. Trong bản án Hình sự Phúc thẩm số 1030, HĐXX đã trích dẫn lập luận của cơ quan điều tra, rằng khi xô xát xảy ra, dân cả hai làng đều lao vào nhau.

Trần Ngọc Thanh đi trong đoàn người của làng Nhân Phúc đã ném trái lựu đạn. Thấy lựu đạn được ném ra, người làng Thanh Nga đã dừng lại và quay đầu chạy ngược về phía sau. Còn người làng Nhân Phúc đang đà chạy nên không dừng lại kịp, đã chạy đến đúng chỗ trái lựu đạn rơi. Và lựu đạn đã phát nổ.

Lập luận này, nhìn bề ngoài thì thấy hợp lý, phù hợp với vị trí thương tích trên cơ thể của 21 người làng Nhân Phúc (đều bị thương ở ngực, ở bụng và phía trước chân, đều ngã ngửa). Nhưng nếu xét kỹ thì thấy không thuyết phục: Khi thấy trái lựu đạn được ném từ phía mình sang phía người làng Thanh Nga, và thấy dân Thanh Nga đột nhiên chạy ngược về phía sau, thì chắc chắn người làng Nhân Phúc biết được rằng họ đang dấn thân vào chỗ nguy hiểm. Và chắc chắn họ cũng sẽ chạy ngược trở lại hoặc nằm xuống. Chứ không ai dại gì lại chạy đến đúng chỗ trái lựu đạn, để rồi phải nhận lãnh một hậu quả khủng khiếp là một người chết và 21 người bị thương.

Chúng tôi sẽ còn trở lại với vụ án này, khi phát hiện thêm những thông tin mới.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất