| Hotline: 0983.970.780

Vụ lúa - tôm thuận lợi

Thứ Hai 18/09/2017 , 15:20 (GMT+7)

Nông dân các tỉnh ven biển ở ĐBSCL đang gieo cấy vụ lúa – tôm rất thuận lợi do năm nay thời tiết mưa nhiều, việc rửa mặn được dễ dàng, diện tích tăng mạnh so với kế hoạch.

13-30-02_dm_m_moi_hon_chuc_ngy_d_xnh_muot_cu_ong_trn_vn_tng_chun_bi_du_xuong_ruong_cy_2
Đám mạ mới hơn chục ngày đã xanh mướt của ông Trần Văn Tặng, chuẩn bị đưa xuống ruộng cấy

Gieo cấy lấp lại vụ lúa trên nền đất nuôi tôm rất quan trọng đối với những nông dân sản xuất theo mô hình lúa – tôm. Bởi cây lúa được ví như chiếc máy lọc sinh học, hấp thu hết các chất hữu cơ tồn dư trong quá trình nuôi tôm, giúp làm sạch môi trường. Hơn nữa, sau khi thu hoạch lúa, gốc rạ còn lại sẽ là môi trường lý tưởng cho tôm con trú ẩn, tạo sinh vật phù du làm thức ăn tự nhiên cho tôm.

Tuy nhiên, do liên tiếp 2 năm qua, thời tiết nắng hạn kéo dài, thiếu nước ngọt để rửa mặn nên vụ lúa gặp khó khăn, thậm chí nhiều diện tích mất trắng. Không ít nông dân đã phải sử dụng một số loại cỏ nước mặn để cấy thay thế tạm thời cho cây lúa.

Nhưng năm nay, thời tiết đang khá thuận lợi cho việc xuống giống, mưa nhiều và khá đều liên tục mấy tháng qua. Dẫn tôi ra sau nhà xem đám mạ đã được tỉa sẵn trên bờ liếp, ông Trần Văn Tặng, ở xã Đông Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) phấn khởi nói: “Đúng là nắng tốt dưa, mưa tốt lúa. Mạ mới tỉa hơn chục ngày đã xanh mướt. Mặt ruộng tôi cũng đã dọn vệ sinh sẵn sàng, chỉ chờ mạ đủ ngày là đưa xuống cấy”.

Nói xong, ông Tặng lội xuống ruộng dùng tay vốc nước đưa lên miệng thử, “nước ngọt ngay, mọi năm tới khi đưa mạ xuống cấy vẫn còn lơ lớ 1-2%o, khởi đầu như vầy là thuận lợi, hy vọng sẽ có vụ mùa bội thu”.

Quanh khu vực, nhiều mảnh ruộng đã được cấy xong, lúa bén rễ xanh tốt. Ông Năm Thuận, thuê ruộng gần đất ông Tặng cho biết: “Năm ngoái mưa ít, nên việc rửa mặn rất khó khăn, tôi phải bỏ dở vụ lúa vì mặn trong đất còn cao, lúa cấy cứ tàn lụi dần. Còn vụ này mưa nhiều, mọi thứ thuận lợi nên lúa cấy xuống phát triển rất tốt”.

Phó trưởng phòng NN-PTNT An Minh, Nguyễn Thanh Tùng cho biết, vụ lúa - tôm năm nay huyện có kế hoạch lấp vụ trên diện tích 18.000 ha, tuy nhiên khả năng sẽ tăng lên đạt khoảng 20.000 ha, do năm nay thời tiết mưa nhiều, thuận lợi cho việc rửa mặn. Đến nay, nông dân đã gieo, cấy được gần 2.000 ha. Diện tích còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 9 này.

Theo ông Tùng, phòng khuyến cáo nông dân nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày (dưới 100 ngày), vì lo ngại mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm, dễ bị hạn mặn vào cuối vụ. Tuy nhiên, phần lớn nông dân vẫn chọn giống lúa Một Bụi Đỏ, đây là giống mùa, khả năng sinh trưởng mạnh, thích nghi với điều kiện tại địa phương.

Theo TS Đỗ Minh Nhựt, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang, vụ mùa (lúa lấp vụ trên nền đất nuôi tôm) năm nay được đánh giá là khá thuận lợi, nhất là nguồn nước mưa rất dồi dào phục vụ cho việc rửa mặn. Vì vậy, diện tích canh tác mà các địa phương đăng ký đã vượt xa so với kế hoạch của tỉnh là 55.000 ha.

Để vụ lúa đạt thắng lợi, Sở đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo nông dân gieo, cấy tập trung làm 2 đợt chính, đợt 1 từ 5-15/8, đợt 2 từ 5-20/9. Khung thời vụ này vừa tránh bị ảnh hưởng hạn, mặn cuối vụ, vừa né các đợt rầy di trú từ các địa phương khác theo gió bay về gây hại.

“Do diện tích lúa – tôm của tỉnh chủ yếu tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, đây là khu vực không chủ động được nguồn nước tưới, mà lệ thuộc hoàn toàn vào nước mưa.

Do đó, nông dân nên chọn các giống lúa có khả năng chống chịu phèn và mặn (dưới 4%o), thời gian sinh trưởng ngắn như: GKG1, OM2517, OM5451, OM6976, OM4900; các giống lúa mùa địa phương gồm Một Bụi Đỏ, Một Bụi Trắng, Lùn Kiên Giang; lúa lai BTE1, HR182... để canh tác nhằm đạt hiệu quả cao”, TS Ngô Đình Thức, PGĐ Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang khuyến cáo.

 

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm