| Hotline: 0983.970.780

"Vụ này nhỏ thôi"?

Thứ Tư 18/11/2009 , 14:41 (GMT+7)

Số tiền bị chiếm đoạt trong chương trình trợ cước, trợ giá muối I-ốt khoảng 40 triệu đồng. Đủ để hàng vạn đồng bào dân tộc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phòng chống được căn bệnh bướu cổ.

Dù có hô khẩu hiệu, nhưng nếu muối không đến được với nhân dân vùng cao, thì bướu cổ vẫn là một thách thức

Số tiền hai doanh nghiệp bắt tay nhau chiếm đoạt trong chương trình trợ cước, trợ giá muối I-ốt phục vụ đồng bào vùng cao không nhiều, chỉ khoảng 40 triệu đồng. Nhưng chừng đó cũng đủ để hàng vạn đồng bào dân tộc huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phòng chống được căn bệnh bướu cổ.

>> Ăn chặn cả hạt muối của dân nghèo

Nào mình cùng đi... khai khống

Bà Lành Thị Hải, dân tộc Nùng ở thôn Khuôm, xã Phú Nhuận, cách thị trấn Chũ tới hơn 20km, đã từng chạy chữa bệnh bướu cổ suốt 2 năm nay vẫn chưa khỏi, trong câu chuyện với chúng tôi đã không giấu nổi bức xúc: “Nghe nhà báo nói, chúng tôi mới được biết là Nhà nước có chính sách hỗ trợ cả muối ăn cho dân. Thế mà họ lại ăn chặn mất, mỗi tháng nhà tôi có 5 người, trung bình phải bỏ ra gần 30.000 đồng để mua muối, một số tiền không nhỏ đối với gia đình”.

Không riêng bà Lành, nhiều người dân huyện Lục Ngạn có chung ngạc nhiên và phẫn nộ trước việc muối I-ốt được trợ cước, trợ giá nhưng dân không được hưởng. Dư luận cho rằng, ngay cả đến cái bé như hạt muối còn bị ăn bớt, huống hồ những mặt hàng khác giá trị hơn.

Theo tài liệu NNVN có, số tiền mà hai Cty chiếm đoạt từ việc lập chứng từ khống 79,95 tấn muối I-ốt này là 37,732 triệu đồng. Cty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang chiếm đoạt gần 12 triệu đồng. Cty CP Thương mại Lục Ngạn chiếm đoạt 25,875 triệu đồng. Được biết, hai Cty này đã thông đồng làm hồ sơ khống gần 80 tấn muối trộn I-ốt để chiếm đoạt tiền cước vận chuyển và trợ giá của Nhà nước.

Huyện Lục Ngạn được Nhà nước hỗ trợ sản phẩm muối ăn trộn I-ốt, trong đó có 2 khoản chi phí được Nhà nước hỗ trợ cho sản phẩm muối I-ốt là tiền công trộn I-ốt vào muối và tiền cước vận chuyển từ Hà Nội lên huyện Lục Ngạn. Ngày 1/5/2008, Cty CP Thương mại Lục Ngạn đã ký hợp đồng số 03 với Cty CP Chế biến Nông sản thực phẩm Bắc Giang mua 696 tấn muối I-ốt theo chương trình này, giá trị hợp đồng thực hiện bằng 1,577 tỷ đồng, trong đó kinh phí do Nhà nước trợ giá, trợ cước là trên 176,5 triệu đồng... Bên mua đã thanh toán cho bên bán 140 triệu đồng, phần còn lại Cty CP Thương mại Lục Ngạn nợ, sẽ thanh toán nốt là 36,582 triệu đồng. Thực tế, Cty CP Chế biến Nông sản Bắc Giang mới giao 616,05 tấn  muối I-ốt cho Cty CP Thương mại Lục Ngạn, còn 79,95 tấn muối I-ốt là khai khống và lập chứng từ khống (hóa đơn, phiếu thu) để quyết toán số tiền trợ cước, trợ giá từ ngân sách Nhà nước với lượng muối gần 80 tấn với số tiền gần 40 triệu đồng (được thể hiện trên 7 hóa đơn giá trị gia tăng do Cty CP Chế biến Nông sản thực phẩm Bắc Giang phát hành cho Cty CP Thương mại Lục Ngạn).

Giá trị tài sản vụ tham nhũng này không lớn, tuy nhiên, gần 80 tấn muối  I - ốt khống này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cộng đồng, bởi lẽ từ năm 1999, Chính phủ đã có Nghị định 19/CP quy định tất cả các muối ăn đều phải trộn I-ốt và đề ra kế hoạch kiểm soát rối loạn do thiếu I-ốt, còn theo các nhà khoa học, việc sử dụng mỗi ngày 10g muối I-ốt có chứa 400 mcg (0,4 mg) là hoàn toàn an toàn cho tất cả mọi người. Gần 80 tấn muối I-ốt không phải là con số nhỏ. Vì vậy hành vi sai phạm trên cần phải được xử lý nghiêm theo pháp luật.

Sự việc có lẽ đã êm xuôi nếu không có người trong cuộc phát giác. Trong quá trình kiểm tra công việc kinh doanh và sổ sách, ông Nguyễn Quang Hiển, Trưởng ban Kiểm soát của Cty CP chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang đã phát hiện ra những việc làm khuất tất của chính ông Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cty mình là Hoàng Tân Cương. Theo đó, để được ăn chênh lệch, Cty này đã không giao đủ số muối trên, mà chỉ giao có 616,05 tấn, tức còn “hụt” 79,95 tấn muối không có, nhưng vấn lập chứng từ (hoá đơn, phiếu thu) để “xơi” trọn số muối trên.

"Vụ này nhỏ"?

Tiếp xúc với NNVN, ông Hiển không giấu nổi những bức xúc của mình: “Lúc đầu, khi phát hiện sai phạm trên, tôi cũng không thực sự tin vào mắt mình, vì không lẽ đến từng cân muối phục vụ cho đồng bào, mà ông Cương (Giám đốc Cty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang - PV) cũng nỡ ăn chặn được. Mãi đến khi tập hợp đủ chứng từ, hoá đơn khống, tôi mới dám tin là thật và gửi đơn tố cáo lên Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Bắc Giang”.

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, NNVN đã phát hiện ra Cty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang đang nợ Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Chi nhánh Bắc Giang, số tiền hơn 20 tỷ đồng, khi xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhưng không có khả năng chi trả. Hiện ngân hàng này đã gửi đơn đến Tòa án tỉnh Bắc Giang yêu cầu thụ lý, và Cty này đang đứng trên bờ vực phá sản.

Ngoài ra, cách đây không lâu, trong đại hội cổ đông của Cty để bầu Chủ tịch HĐQT khóa mới, ông Hoàng Tân Cương, Chủ tịch khóa cũ, đã không đủ số phiếu, ông Trần Mạnh Linh, Phó giám đốc được bầu, nhưng lại không được điều hành Cty. Hiện ông Cương vẫn giữ con dấu và điều hành toàn bộ hoạt động của Cty. NNVN sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này. 

Số hoá đơn khống mà ông Hiển phát hiện được lên tới 7 tờ hoá đơn giá trị gia tăng. Cụ thể Cty CP Chế biến nông sản thực phẩm Bắc Giang phát hành cho Cty CP Thương mại Lục Ngạn đã được chính ông Hoàng Tân Cương ký khống và như để che mắt cơ quan chức năng, ông giám đốc này đã chia số hoá đơn trên ra thành 5 ngày liên tiếp (từ 25 - 29/11/2008) để ký cho yên tâm. “Hôm mang đơn và chứng cứ lên Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh, các anh còn hỏi lại tôi: Tham nhũng không phải không có, nhưng người ta “ăn” cái khác, chứ ai lại đi “ăn” cả muối bao giờ? Sau đó họ yêu cầu tôi phải cam kết, nếu tố cáo sai sự thật, thì chính tôi mới là người phạm tội”, ông Hiển tâm sự.

Tin vào chứng cứ mà mình thu thập được, ông Hiển đã làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang. Cuối cùng sự thật đã được phơi bày khi vào ngày 13/10 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Bắc Giang, chính hai ông giám đốc “ăn mặn” là Hoàng Tân Cương và ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Cty CP Thương mại Lục Ngạn, đã phải cùng ký tên thừa nhận vào tờ biên bản làm việc.

Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ để hẹn lịch làm việc với ông Nguyễn Văn Luyến, Phó trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Bắc Giang, ông Luyến đã từ chối tiếp xúc và còn nói thêm: Vụ này nhỏ, chúng tôi đã giải quyết êm xuôi rồi. Tiếp tục tìm cách liên hệ với ông Phó trưởng ban này thì chỉ nhận được câu trả lời “bận họp” hay “đang đi công tác ở Hà Nội”... Không hiểu ông Phó ban bận đến thế nào, chứ vụ việc vẫn còn sờ sờ ra đấy, và đồng bào dân tộc huyện Lục Ngạn vẫn ngày đêm chờ từng hạt muối đến với bản làng…

Chuyện hai ông giám đốc “ăn mặn”, ăn đến gần 80 tấn muối I-ốt của dân, xem ra chưa có hồi kết…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.