| Hotline: 0983.970.780

Vụ phá rừng tàn khốc ở Hà Tĩnh: Hoàn tất truy quét lâm sản bất hợp pháp trước 11/3

Thứ Năm 08/03/2012 , 09:48 (GMT+7)

NNVN phát hiện thêm nhiều uẩn khúc dẫn đến vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay ở Hà Tĩnh...

 

 

Trong cuộc họp với các cơ quan ban ngành liên quan tại UBND huyện Hương Sơn vào ngày 5/3, NNVN phát hiện thêm nhiều uẩn khúc dẫn đến vụ phá rừng lớn nhất từ trước tới nay ở Hà Tĩnh.

Bất hợp lý số liệu

Sơn Hồng, huyện Hương Sơn là xã nằm giáp ranh với biên giới Việt - Lào. Xã có tổng diện tích đất lâm nghiệp 17.608 ha; trong đó, diện tích được giao cho Ban QLBVR Hồng Lĩnh (thuộc Cty LN&DV Hương Sơn) quản lý là 9.584,8 ha; xã Sơn Hồng quản lý hơn 4.109 ha; 3.336 ha rừng SX do các hộ gia đình quản lý. Trong quá trình QL&BVR, các chủ rừng đã không thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình để xảy ra tình trạng khai thác, vận chyển, buôn bán, chế biến lâm sản trái phép gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt là vụ việc khai thác, tập kết hơn 45 m3 gỗ lậu tại xóm 15, xã Sơn Hồng bị phát hiện vào ngày 21/6/2011. 

Lán trại của lâm tặc được dựng lên ngay cạnh tuyến đường huyết mạch vào khu vực rừng biên giới

Sau vụ việc ngày 21/6/2011 trên, ngày 1/11/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 3496/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn Kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại của rừng do bị khai thác trái phép từ năm 2010-2011 tại địa bàn xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn với 24 thành viên tham gia. Trưởng đoàn được giao cho ông Nguyễn Huy Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh. Đến ngày 8/11/2011, Đoàn chia thành 5 nhóm đi kiểm tra thực địa tại các vùng rừng thuộc xã này. Sau 10 ngày kiểm tra, đến ngày 17/11/2011, Đoàn có báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại lên UBND tỉnh. Báo cáo này nêu rõ: “Đoàn kiểm tra 100% diện tích của 6 khoảnh, thuộc 5 tiểu khu với tổng diện tích 706 ha hiện do Cty TNHH MTV LN&DV Hương Sơn và UBND xã Sơn Hồng quản lý. Kết quả cho thấy, đối với diện tích do Cty LN&DV Hương Sơn quản lý kiểm tra 5 khoảnh, 4 tiểu khu phát hiện 51 gốc gỗ bị chặt, một số còn để lại gỗ, một số chỉ còn lại gốc với khối lượng bị thiệt hại ước 39,54 m3. Rừng thuộc xã quản lý, có 34 gốc bị chặt với tổng khối lượng thiệt hại hơn 32 m3”.

Đối chiếu báo cáo của đoàn thanh tra với báo cáo của các ngành chức năng, chủ rừng tại cuộc họp ngày 5/3/2012 và khối lượng gỗ thực tế đã quy tập tại các vị trí quy định trong Quyết định thu hồi của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì số lượng gỗ bị lâm tặc triệt hạ trước thời điểm đoàn thanh tra đi kiểm tra lớn hơn gấp nhiều lần so với báo cáo.

Theo số liệu chúng tôi cập nhật được, tính từ ngày thực hiện truy quét 14/2-5/3 đã có 955 bê, lóng gỗ với tổng khối lượng thiệt hại ước tính khoảng 250m3 được kéo từ rừng ra trong khi đó báo cáo của đoàn khảo sát thì khối lượng gỗ bị thiệt hại chỉ nằm ở con số 141 m3. Điều đáng nói ở đây, theo nhận định của nhiều người, trong số 955 bê gỗ này thì có khoảng 20% số gỗ mới bị chặt phá, còn lại đều được chặt từ khoảng nửa năm về trước và hầu hết đều nằm trên khu vực rừng của Việt Nam. Và, tổng số gỗ đã bị lâm tặc triệt hạ chắc chắn chưa dừng lại ở con số 250 m3.

Ngoài ra, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi, vì sao một vụ phá rừng nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài như vậy mà cả chủ rừng, kiểm lâm, chính quyền địa phương đều không hề hay biết?! Sự thiếu thống nhất, minh bạch trong quá trình tổng hợp, báo cáo quá trình thanh, kiểm tra của chủ rừng cho đến kiểm lâm đang khiến khiến lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và dư luận hết sức bức xúc.

Phó Chủ tịch tỉnh Lê Đình Sơn nói: “Dù đang trong quá trình truy quét lâm sản trái phép nhưng khi đi kiểm tra, hai bên tuyến đường huyết mạch dẫn vào khu vực biên giới vẫn có đến 5 nhà tạm lâm tặc dựng lên. Vậy việc quản lý, BVR ở đây là như thế nào, chủ rừng ở đâu? Kiểm lâm, Biên phòng ở đâu?”.

Gỗ tập kết tại khu vực Trạm kiểm soát Biên phòng

Sẽ xử lý nghiêm!

Hàng trăm m3 gỗ bị đốn hạ nằm la liệt trong rừng như một lời kêu cứu từ đại ngàn. Để lập lại kỷ cương trong việc QL&BVR, kết luận cuộc họp ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “UBND tỉnh giao BCH Bộ đội Biên phòng chủ trì thực hiện truy quét, thu hồi toàn bộ số lâm sản bất hợp pháp tập kết về nơi quy định đúng pháp luật trước ngày 11/3; đề nghị Công an tỉnh điều tra làm rõ tính chất nghiêm trọng của vụ việc, trách nhiệm những tập thể, cá nhân có liên quan để khi đủ cơ sở sẽ khởi tố đúng quy định pháp luật; đồng thời, yêu cầu chính quyền huyện, xã và các ban ngành liên quan cần có sự phối kết hợp với BCH Bộ đội biên phòng trong việc thực hiện truy quét, tịch thu lâm sản”.

Theo ông Sơn, đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, vì thế Hà Tĩnh sẽ chỉ đạo thực hiện truy quét một cách quyết liệt, nghiêm túc, triệt để. Trường hợp tổ chức, cá nhân nào làm trái chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Cuộc họp khẩn ngày 5/3

Trong mấy ngày qua, NNVN đã đưa tin về vụ phá rừng nghiêm trọng ở Hà Tĩnh. Liên quan vụ phá rừng này, đoàn công tác do ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra thực địa vùng rừng biên giới thuộc xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn; đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành truy quét, thu hồi triệt để số lâm sản bất hợp pháp đang tập kết trong rừng hoàn tất trước ngày 11/3.

>> Tan nát rừng đầu nguồn Sơn Hồng

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất