| Hotline: 0983.970.780

Vụ tàu cá Cà Mau bị tàu lạ đâm chìm trên biển: Toàn bộ ngư dân đã được cứu sống?

Thứ Ba 10/01/2012 , 09:42 (GMT+7)

Chiều 9/1, ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, 10 ngư dân bị mất tích trên tàu cá mang số hiệu CM 99219 của ngư dân Cà Mau bị một tàu lạ đâm chìm trên vùng biển Tây đã được cứu vớt đưa vào Thái Lan...

Cửa biển Sông Đốc, nơi tàu cá CM 99219 xuất biển trước khi gặp nạn

Chiều 9/1, ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, 10 ngư dân bị mất tích trên tàu cá mang số hiệu CM 99219 của ngư dân Cà Mau bị một tàu lạ đâm chìm trên vùng biển Tây đã được cứu vớt đưa vào Thái Lan.

>> Bị tàu lạ tấn công, một tàu cá và 10 ngư phủ mất tích

Tất cả những ngư dân này đều có hộ khẩu thường trú ở tỉnh cà Mau. Hiện UBND tỉnh Cà Mau đang nhờ Bộ Ngoại giao liên hệ với các cơ quan chức năng nước bạn để làm thủ tục đưa các ngư dân này về nước.

Như NNVN đã đưa tin, ngày 2/1, khi tàu cá CM 99219 đang hành nghề câu mực trên vùng biển Tây thì bị một tàu lạ đâm rất mạnh làm tàu chìm ngay lập tức, toàn bộ 11 người có mặt trên tàu đều bị hất văng xuống biển. Ông Nguyễn Văn Hiếu (ngụ tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) là thuyền trưởng tàu CM 99219 sau hơn hai giờ lênh đênh trên biển đã may mắn được tàu cá của ngư dân Kiên Giang phát hiện, cứu vớt và đưa vào huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Sau đó, ông Hiếu đã điện báo với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau về việc tàu đánh cá của ông bị nạn và nhờ hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn 10 thuyền viên còn lại. Ngay sau khi nhận được tin báo, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã báo cáo về cấp trên, đồng thời liên hệ với Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn các tỉnh trong khu vực để phối hợp tìm kiếm các ngư dân của tàu CM 99219 còn mất tích. Ông Lê Xuân Ái, Trợ lý Hải quân, Ban tác chiến Phòng tham mưu Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, sau khi nhận được thông tin từ phía cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, tỉnh Kiên Giang đã thông tin cho các tàu cá trong khu vực để hỗ trợ tìm kiếm nhưng không có kết quả.

Theo lời kể của ông Hiếu, lúc bị tàu lạ đâm chìm thì tàu cá của ông đang neo đậu để câu mực. Sau khi gây tai nạn, tàu lạ đã thả phao xuống cứu những thuyền viên đang ngụp lặn trên biển, rồi chạy về vùng biển giáp rang Thái Lan với Campuchia. Tuy nhiên, ông Hiếu không biết có bao nhiêu người được cứu vớt. Riêng phần ông Hiếu, do bị trôi ra xa nên không được tàu này cứu vớt, lúc ấy ông cố gắng kêu cứu nhưng có thể những người trên tàu lạ không nghe. Trong lúc lặn ngụp trên biển ông Hiếu chỉ thấy tàu lạ màu trắng, có dãy số 524 nhưng không treo cờ nên không biết tàu của nước nào.

Theo thông tin từ người nhà của các nạn nhân trên tàu bị nạn thì họ đã nhận được điện thoại yêu cầu nộp tiền để chuộc ngư phủ về. Ông Hồ Minh Tuấn, Chủ tàu cá CM99219 cho biết: “Có người gọi điện thoại cho vợ tôi, nói là các ngư phủ trên tàu của tôi được cứu sống, hiện đang ở Thái Lan, muốn về được Việt Nam thì gia đình phải nộp tiền chuộc với giá 6,5 triệu đồng/người. Người này tự xưng là thông dịch viên của người Việt ở Thái Lan. Nhưng khi vợ tôi đòi cho gặp các ngư phủ thì người này bảo không được, rồi cúp máy”. Ông Tuấn cho biết thêm, hôm sau người này lại tiếp tục gọi điện thoại trực tiếp cho tôi, yêu cầu phải gửi đủ số tiền chuộc hết 10 người, thiếu 1, 2 trường hợp họ cũng không cho về.

Còn người nhà của ngư phủ Nguyễn Văn Thái (người bị nạn trên chiếc tàu cá CM 99219) cũng cho biết: “Gia đình cũng nhận được thoại từ một người lạ, nói là Thái đã được cứu, hiện đang ở tù ở Thái Lan, gia đình phải gửi tiền sang để chuộc Thái về. Nhưng khi gia đình bảo cho gặp Thái để nói chuyện thì người này lại trả lời là không được, rồi cúp máy”.

Tuy nhiên, theo gia đình của các nạn nhân, lúc đầu họ cũng họp nhau gom tiền để gửi sang chuộc ngư phủ về, gia đình nào khó khăn thì mượn đợ chủ tàu. Nhưng khi gom được tiền rồi, mọi người lại thấy việc này có gì đó không bình thường, tàu mình bị nạn thì tại sao phải nộp tiền chuộc người. Vì vậy nên không gửi nữa mà báo với cơ quan chức năng.

Đại tá Phạm Huy Phong, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết đã nhận được thông tin về các cuộc gọi điện thoại đòi tiền chuộc. Chúng tôi đã đề nghị Đồn Biên phòng 692 (ở huyện Trần Văn Thời) cử cán bộ xuống các gia đình ngư dân bị nạn, giải thích cho họ hiểu, tránh trường hợp các đối tượng xấu lợi dụng lừa gạt đòi nộp tiền. Hiện vụ việc đã được báo cáo về Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có hướng giải quyết, đồng thời thông qua con đường ngoại giao để đưa các ngư phủ về.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất