| Hotline: 0983.970.780

Vụ tê giác chết: WWF đề nghị mở rộng điều tra, làm rõ

Thứ Năm 13/05/2010 , 10:12 (GMT+7)

WWF đã có kiến nghị các cơ quan chức năng VN mở rộng điều tra làm rõ cái chết của con tê giác Java.

Thịt và da của tê giác còn chưa phân hủy hết nhưng lãnh đạo VQG Cát Tiên cho rằng con tê giác này đã chết từ 3-5 tháng trước (!?)

Hôm qua 12/5 nguồn tin của NNVN cho biết Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên hoang dã (WWF) đã có kiến nghị các cơ quan chức năng VN mở rộng điều tra làm rõ cái chết của con tê giác Java (NNVN đã phản ánh ngày 11/5) bởi không đồng tình với nhận xét của lãnh đạo VQG Cát Tiên là… tê giác chết bình thường (!).

>> Tại Vườn Quốc gia Cát Tiên: Tê giác bị sát hại để lấy sừng?

VQG CÁT TIÊN: TÊ GIÁC CHẾT BÌNH THƯỜNG (!)

Theo báo cáo của ông Trần Văn Thành - Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên gửi các cơ quan chức năng việc phát hiện bộ xương của tê giác là ngày 29/4/2010 lực lượng kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Gia Viễn trong khi tổ chức tuần tra rừng đã phát hiện bộ xương lạ tại tiểu khu 513 thuộc khu vực Cát Lộc do VQG Cát Tiên quản lý thuộc địa giới huyện Cát Tiên, Lâm Đồng (trong khi đó nhiều nguồn tin khẳng định người dân phát hiện mới báo cho kiểm lâm VQG Cát Tiên).

Tiếp đó, VQG Cát Tiên đã cùng với đại diện của tổ chức WWF thành lập tổ công tác đi xác minh. Tổ công tác đã tới hiện trường là một nhánh suối chảy ra khu vực Bầu Trâu thuộc xã Gia Viễn (Cát Tiên) thấy 1 bộ xương của một loài thú lớn bị chết nằm cạnh mé suối, trong tư thế nằm ngang, vùi dưới một lớp đất bùn sâu khoảng 0,4m. Hiện trường vẫn còn mùi hôi thối rữa, phía trên mặt đất có dấu vết đào bới có thể của động vật. Quanh khu vực còn có một số xương đã bị các loài thú khác tha đi rải rác và một số bị nước cuốn trôi. Ngoài ra, hiện trường còn phát hiện dấu chân của một loài thú lớn di chuyển từ phía đỉnh đồi tới vị trí phát hiện bộ xương. Đi ngược suối còn phát hiện thêm một số dấu chân còn để lại có thể là dấu chân của tê giác.

Tổ công tác đã chụp ảnh ghi lại toàn bộ ảnh hiện trường và cho đào bới khu vực vị trí bộ xương để tìm kiếm, thu lượm bộ xương còn chôn lấp dưới lớp bùn sâu từ 0,2m đến 0,8m. Kết thúc đợt tìm kiếm trong 2 ngày, thu được 52,5 kg xương các loại gồm: xương đầu, xương vai, xương sườn, đốt sống, xương các chân hiện VQG Cát Tiên đang quản lý. Theo báo cáo của VQG Cát Tiên, từ các mẫu xương, mẫu phân và dấu vết còn lại tại hiện trường cho thấy đây là bộ xương của tê giác Java - một sừng (Rhinoceros sondaicus - một trong hai quần thể tê giác duy nhất còn sót lại trên trái đất được liệt vào danh sách những loài nguy cấp trong Sách đỏ IUCN năm 2009 - PV) bị chết một cách tự nhiên, không phải bị săn bắn hoặc đánh bẫy (!?).

Hiện trường phát hiện tê giác java bị chết
Theo kết luận này, do không phát hiện có dấu hiệu tác động của con người mà có dấu hiệu đầm mình dưới bùn đất, phù hợp với tập tính sinh thái của loài tê giác Java là trước khi chết thường tìm nơi có bùn lầy để dầm mình vùi xác. Hiện nay, VQG Cát Tiên đang kiểm tra sắp xếp lại bộ xương, và cho tìm kiếm các xương còn thiếu, đồng thời tiếp tục điều tra xác minh nguyên nhân chết, cũng như việc nắm bắt số tê giác còn lại để có biện pháp quản lý bảo vệ.

WWF: CÓ DẤU HIỆU BỊ BẮN CHẾT LẤY SỪNG

Không đồng tình với cách trả lời này của VQG Cát Tiên, WWF khẳng định, vị trí đầu mõm trên của tê giác có dấu vết dao cho thấy khả năng sừng của tê giác đã bị cắt mất. Ngoài ra, một cán bộ điều tra cho biết trên thân thể tê giác có dấu hiệu của vết đạn bắn. Do đó, nhiều khả năng cho thấy con tê giác bị sát hại bởi những kẻ săn trộm.

Được biết, hiện nay thế giới vẫn chưa xác định được số lượng loài tê giác Java là bao nhiêu con kể cả ở VN. Từ tháng 10/2009 đến tháng 03/2010, WWF đã thành lập đội chuyên gia khảo sát, điều tra thu thập các dấu vết chân, phân của tê giác và sử dụng chó nghiệp vụ được gửi từ Mỹ về. Theo kết quả thu thập được, tê giác sống tập trung trong phạm vi khoảng 5.000 ha rừng nằm trên địa bàn xã Gia Viễn. Khảo sát từ tháng 10/2009 và đến tháng 4/2010 các chuyên gia thu thập được 30 mẫu vật của tê giác và gửi sang Canada phân tích, xét nghiệm.

Hiện nay, Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi buôn bán và sử dụng tê giác, những người vi phạm sẽ bị kết án tù và bị phạt một số tiền lớn. Theo ông Huỳnh Tiến Dũng - Trưởng Ban quản lý Chương trình - WWF việc tê giác bị sát hại cho thấy tê giác ở VN đang bị đe dọa nghiêm trọng và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Do đó WWF khẩn thiết mong chính phủ Việt Nam mở ngay một cuộc điều tra trên diện rộng để làm rõ cái chết của con tê giác này.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.