Bà Trần Thị Lệ bức xúc cung cấp thông tin cho PV Báo NNVN |
Bà Lệ, chính là người trực tiếp gửi đơn phản ánh việc ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc thuê người tháo dỡ nhà mình, nhưng không có quyết định cưỡng chế của cấp có thẩm quyền mà Báo NNVN đã phản ánh trước đó. Theo bà Lệ, sau khi gia đình nhận thấy các khoản bồi hoàn, giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương đối với ngôi nhà của bà, để xây dựng cầu Tân Lộc là không thỏa đáng, nên con trai bà Lệ là ông Dương Tấn Đạt đã có đơn phản ánh đến cơ quan chức năng.
Tiếp nhận đơn yêu cầu của ông Đạt, ngày 26/11, HĐND huyện Thới Bình đã ban hành Công văn số 40/HĐND-TT về việc giải quyết đơn yêu cầu của ông Dương Tấn Đạt, xã Tân Lộc gửi cho Phòng KTHT huyện này. Văn bản do ông Lê Văn Đen, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thới Bình ký.
Theo nội dung Công văn: “Qua xem xét đơn yêu cầu, xét thấy nội dung đơn yêu cầu thuộc thẩm quyên giải quyết của Phòng KTHT. Thường trực HĐND huyện kính chuyển đơn yêu cầu nêu trên đến Phòng KTHT huyện Thới Bình xem xét, giải quyết. Đồng thời, thông báo kết quả về HĐND huyện nắm”.
Văn bản chỉ đạo là vậy, nhưng cũng trong ngày 26/11, ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tân Lộc lại ký ban hành Thông báo số 82/TB-UBND về việc tháo dỡ, di dời nhà đã giải phóng mặt bằng cầu Tân Lộc. “Đề nghị hộ ông Đạt phải tháo dỡ, di dời toàn bộ căn nhà, trả lại mặt bằng trước 14 giờ ngày 27/11/2018. Nếu hộ ông, bà không chấp hành thì UBND xã Tân Lộc tổ chức tháo dỡ trả lại mặt bằng đúng quy định”, Thông báo của UBND xã Tân Lộc nêu rõ.
Bà Lệ chỉ tay về ngôi nhà bị hư hỏng gần như tòn bộ sau khi bị nhóm thanh niên tháo dỡ |
“Tôi thấy việc này có sự mâu thuẫn. Trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân và chưa có kết luận của huyện Thới Bình, nhưng ông Toàn lại ban hành Thông báo tháo dỡ nhà tôi, như vậy có hợp lý không”, bà Lệ đặt vấn đề.
Trao đổi với chúng tôi, ông Toàn cho biết: “Biên bản bàn giao khu vực đất này là giao cho UBND xã. Xã có thông báo khi nào có nhu cầu, thì gia đình tháo dỡ. Gia đình không tháo dỡ, thì xã tháo dỡ, chứ không phải cưỡng chế. Cưỡng chế là một việc, còn giao cho mình quản lý, sử dụng là một việc. Lúc xảy ra việc tháo dỡ, chúng tôi đang họp để triển khai kế hoạch chiều làm (tức chiều 27/11 sẽ tháo dỡ)”. Theo ông Toàn, lúc 14 giờ ngày 27/11, ông có họp tổ để tổ chức tháo dỡ ngôi nhà của bà Lệ và theo dự kiến sẽ thực hiện việc tháo dỡ vào lúc 17 giờ cùng ngày.
Khi PV đặt câu hỏi việc tháo dỡ nhà của bà Lệ, có sự can thiệp, chỉ đạo của UBND huyện Thới Bình hay không, thì ông Toàn nói: “Thôi, tôi cũng không dám trả lời em câu đó. Góc độ ở đây là thuộc thẩm quyền UBND xã”. Nói là như vậy, nhưng khi ký ban hành thông báo tháo dỡ nhà gửi cho hộ dân, thì mở đầu văn bản, có đoạn: “Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Thới Bình về việc tháo dỡ, di dời nhà của ông Dương Tấn Đạt, ngụ ấp 3, xã Tân Lộc đã được bồi hoàn GPMB cầu Tân Lộc, giao cho UBND xã quản lý, sử dụng”.
Phải chăng, cách làm việc, hướng xử lý giải quyết vụ việc giữa huyện và xã có sự bất nhất? Huyện thì giao Phòng KTHT xem xét, giải quyết. Trong khi chờ kết luận giải quyết đơn yêu cầu, thì xã Tân Lộc lại họp để triển khai tháo dỡ nhà bà Lệ vào lúc 17 giờ ngày 27/11. Cách làm của xã Tân Lộc liệu có phù hợp?