| Hotline: 0983.970.780

Vụ trộm danh tính làm chấn động kỳ thi đại học khốc liệt nhất hành tinh

Thứ Sáu 10/07/2020 , 08:30 (GMT+7)

Câu chuyện của Chen Chunxiu đã bộc lộ ra điểm yếu của Gaokao (cao khảo) -  kỳ thi đại học được xếp vào hàng khó, khốc liệt, kinh khủng nhất thế giới.

Các thí sinh tham dự kỳ thi Gaokao 2019. Ảnh: SCMP.

Các thí sinh tham dự kỳ thi Gaokao 2019. Ảnh: SCMP.

Tại Trung Quốc, Gaokao mang tính chất kỳ thi sinh tử, quyết định số phận và tương lai của một đời người, do kết quả thi sẽ định đoạt ai sẽ được vào đại học.

Cao khảo thường bắt đầu vào tháng 6 hàng năm, gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị).

Hàng năm, ở Trung Quốc có khoảng 10 triệu thí sinh tham gia Gaokao, tuy nhiên chỉ có 2% trong số đó đủ điểm vào học ở 38 trường đại học hàng đầu của cả nước. Thậm chí, chỉ 0,05% đủ điểm vào Thanh Hoa và Bắc Kinh, 2 trường đại học tốt nhất Trung Quốc.

Chen là con của một nông dân, nếu thành công ở Gaokao, cánh cửa đại học sẽ mở rộng với cô, đồng nghĩa với một tương lai tươi sáng hơn. Ngược lại, nếu thất bại, đại học sẽ vẫn mãi là giấc mơ với cô gái nghèo.

Và cô thất bại, nhưng không phải do năng lực bản thân. Mà là…

Hệ thống gian lận tinh vi

Sau khi thất bại trong kỳ thi, 16 năm sau, Chen mới biết được một sự thật gây sốc. Thực tế, cô lẽ ra đã được tuyển vào Đại học Công nghệ Sơn Đông, nếu không bị một cô gái khác ăn cắp điểm thi, thậm chí là toàn bộ thông tin cá nhân.

Năm 2004, Chen bước vào kỳ thi Gaokao, gánh trên vai ước mơ của cả gia đình nông dân nghèo khó. Anh trai cô đã dừng sự nghiệp học hành để nhường cho cô, do gia đình Chen chỉ đủ khả năng cho một đứa con theo đại học.

Trở lại thời điểm đó, các thí sinh sẽ mặc nhiên coi như mình thất bại nếu không nhận được thư báo trúng tuyển từ nhà trường.

Do vậy, sau khi chờ tới tháng 9/2004, thời gian các trường đại học khai giảng, Chen mặc nhiên coi mình thất bại khi không nhận được bất kì bức thư nào. Cô từ chối học trung cấp và bắt đầu kiếm một công việc tại thành phố.

Chen làm công nhân nhà máy, phục vụ bàn, trước khi suýt chút nữa trở thành giáo viên mầm non.

Tháng 5/2020, trong quá trình tìm việc, Chen nhập thông tin cá nhân trên trang web của chính quyền và ngạc nhiên thấy hệ thống thông báo mình nhập học Đại học Công nghệ Sơn Đông năm 2004, tốt nghiệp năm 2007.

Nhưng hình ảnh trên profile lại không phải của cô. Chen bắt đầu lờ mờ nhận ra có điều không ổn. Và cô đã sốc khi biết một kẻ gian lận thế vào vị trí của mình suốt từng ấy năm.

Theo một nguồn tin từ Tân Hoa Xã, chú của kẻ gian lận là một quan chức địa phương, đã bị buộc tội yêu cầu giúp đỡ từ một quan chức khác, kẻ có khả năng truy cập thông tin bài thi của Chen.

Chunxiu đạt kết quả 546/750, trong khi đó kẻ mạo danh, tên Chen Yanping chỉ đạt có 303.

Cha của Yanping bị cáo buộc chặn thư tiếp nhận của Chunxiu ngay tại bưu điện, trước cả khi bức thư được gửi đi.

Cùng sự hỗ trợ của hiệu trưởng trường Chunxiu theo học, họ làm giả một bảng điểm hoàn toàn mới mang thông tin chi tiết của kẻ mạo danh.

Cho đến tận ngày nay, các đồng nghiệp của Yanping vẫn đinh ninh cô ta là Chunxiu.

Bằng cấp của Yanping hiện đã bị thu hồi, cô ta cũng mất luôn việc làm. Một thông báo của chính quyền cho biết cô ta đang bị điều tra.

“Tôi muốn hỏi tại sao cô ta lại muốn ăn cắp thông tin cá nhân của mình”, Chunxiu nói với kênh CCTV. “Cô thế chỗ tôi, cô có biết điều gì sẽ xảy ra với tôi hay không? Tại sao cô lại quá ích kỷ như vậy?”

Câu chuyện của Chunxiu đã gây nên làn sóng giận dữ. Mọi người tự hỏi việc chăm chỉ học hành cả năm trời, những lời hứa công bằng cho tất cả liệu có còn ý nghĩa.

“(Một số người) không hề biết gì về tầm quan trọng của Gaokao đối với những người không giàu có. Các bậc cha mẹ nhà nghèo luôn gắng hết sức trợ giúp con cái, nhưng có lẽ họ bất lực khi đường đi bị ngăn trở bởi những kẻ quyền lực lắm tiền”.

Sự bất lực của người nghèo

Theo Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, các hình thức gian lận Gaokao có thể chia ra hai nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là nhóm mà nạn nhân không có ý kiến gì. Nhóm còn lại bao gồm sự đồng ý của cả hai bên liên quan, có lẽ phải trả phí.

“Việc ghi danh liên quan tới rất nhiều bộ phận – trường học, viện khảo thí, các phòng đăng ký, và phòng quản lý hộ khẩu. Do đó, nếu có lỗ hổng ở quá nhiều khâu, có thể coi đây là hợp tác gian lận”, ông Chu phân tích với BBC News tiếng Trung.

“Trong các trường hợp này, nạn nhân chủ yếu thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội, và do đó ít có khả năng chống cự, cho dù có thể họ đã nhận ra sự thật, giống như bố của Chen Chanxiu”, ông Chu bổ sung.

“Một nông dân thì có thể làm gì cơ chứ?”, ông Chu đặt câu hỏi trên truyền thông Trung Quốc.

Tháng trước, quốc hội Trung Quốc đã kêu gọi đưa việc ăn cắp danh tính tuyển sinh đại học vào danh sách tội phạm.

“Hành vi này còn tồi tệ hơn trộm tiền”, một đại biểu cho biết.

Từ năm 2016, các trường hợp gian lận trong kỳ thi Gaokao có thể phải đối mặt với án tù. Nếu bị phát hiện gian lận, thí sinh sẽ bị cấm thi vài năm, với những trường hợp gian lận quy mô hoặc thuê người thi hộ có thể phải ngồi tù đến 7 năm.

Các quan chức tỉnh Sơn Đông nói đang tìm một quy trình mới thay thế, để đảm bảo các vụ việc tương tự sẽ không xảy ra.

Học sinh sẽ cần nộp thư đề nghị, chứng minh thư, chứng nhận cư trú và giấy chứng nhận tham dự kỳ thi trước khi nhập học có thể được xác nhận. Kết quả chấp nhận đại học cũng sẽ được công bố trực tuyến và gửi qua tin nhắn văn bản.

“Các tài liệu của sinh viên hiện nay chủ yếu là trực tuyến, do vậy sẽ gây khó khăn hơn cho việc làm giả”, Giáo sư Cheng Fangping, tại Đại học Renmin, nói với BBC News tiếng Trung.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã thông báo rằng bất kỳ sinh viên nào bị phát hiện liên quan đến hành vi trộm cắp danh tính sẽ không được phép đăng ký vào trường đại học.

Chính quyền địa phương đã mở một cuộc điều tra về trường hợp của Chen Chunxiu, 46 người đã bị trừng phạt.

Chunxiu giờ đây đang cố lấy lại những gì lẽ ra thuộc về mình. Có vẻ như cô sẽ lại được Đại học Sơn Đông tiếp nhận.

Ban đầu, việc nhà trường từ chối cô khiến dư luận lên án mạnh mẽ. Do đó, họ đổi ý, nói rằng sẽ "tích cực phấn đấu" để giúp Chunxiu "thực hiện điều ước của mình".

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất