| Hotline: 0983.970.780

Vụ vỡ nợ rúng động Thái Bình: Nhiều ẩn khuất

Thứ Sáu 26/08/2011 , 10:49 (GMT+7)

Đã hơn 2 tuần trôi qua, nhưng dư luận ở Thái Bình vẫn chưa “hạ nhiệt” quanh vụ nhẩy lầu tự tử của bà Trần Thị Vượng, giám đốc Công ty Gia Phong.

* Sẽ còn nhiều DN chịu chung số phận với Trường Phong

NH Đông Á - Nơi cty Trường Phong còn nợ 99 tỷ đồng

Đã hơn 2 tuần trôi qua, nhưng dư luận ở Thái Bình vẫn chưa “hạ nhiệt” quanh vụ nhẩy lầu tự tử ngay tại trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Thái Bình của bà Trần Thị Vượng, giám đốc Công ty Gia Phong.

Theo thông báo của Công an tỉnh trong một buổi họp báo, thì sáng ngày 8/8/2011, nhận được giấy mời của PC46, bà Vượng cùng chị Nguyễn Thị Thanh Ngà, kế toán của Cty, đã đến trụ sở PC46 làm việc về khoản nợ mà Cty Trường Phong vay của Công ty Gia Phong. Đến nơi, bà Vượng và chị Ngà được bố trí làm việc ở 2 phòng khác nhau. Làm việc với bà Vượng là 2 điều tra viên Lê Hồng Chương và Hoàng Văn Khương. 11 giờ kém 25, sau khi uống 1 cốc nước, bà Vượng xin đi vệ sinh rồi ra ngoài ban công tầng 4 lao đầu xuống đất, nhưng bị mắc ở ban công tầng 2, và bà đã chết do vỡ hộp sọ.

Mặc dù theo xác minh (sau khi bà Vượng chết) của cơ quan công an, thì trước đó mấy ngày, bà Vượng đã có những biểu hiện chán nản, tuyệt vọng, thậm chí muốn tìm đến cái chết do biết khoản nợ của Cty Trường Phong (theo sổ sách thì chưa đến 3 tỷ nhưng thực tế là hơn 6 tỷ) có nguy cơ mất trắng, nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: Nếu muốn tự tử, sao bà Vượng không tìm một cách chết nhẹ nhàng hơn? Và sao bà không chọn một nơi khác? Điều gì đã xẩy ra trong mấy tiếng đồng hồ “làm việc” tại trụ sở PC46 khiến bà phải liều thân? 

Được, mất trên thương trường là chuyện bình thường, trên 6 tỷ đồng chưa phải là toàn bộ tài sản của bà. Cty Trường Phong còn đất, nhà, xưởng, nghĩa là hy vọng lấy lại tiền của bà Vượng vẫn còn nếu chúng được phát mại. Nếu trong quá trình “làm việc”, các điều tra viên giúp bà bình tĩnh, giữ vững tinh thần, thì liệu có xẩy ra chuyện đau lòng đó không? Trách nhiệm của PC46 Công an tỉnh Thái Bình trong việc này đến đâu?

Nhưng dư luận ở tỉnh lúa, sau đó còn “nóng” hơn khi hôm trước bà Vượng nhẩy lầu, thì ngay hôm sau (9/8/2011), PC46 Công an tỉnh Thái Bình đã thi hành lệnh khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Vũ Văn Điệp (Vũ Văn Phong), giám đốc Cty TNHH Cơ khí Xây dựng Thương mại Dịch vụ Trường Phong (Cty Trường Phong) về hành vi “làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả” theo điều 181 BLHS. Và sau đó thì tin công ty này vỡ nợ với số tiền nợ gần 200 tỷ đồng được loang ra.

Cty Trường Phong được thành lập tháng 12/2002, lúc đầu có trụ sở ở đường Quách Đình Bảo, phường Tiền Phong, TP Thái Bình, có 1 nhà máy ở khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, nhưng sau đó đã bán trụ sở trên. Tháng 4/2009, Trường Phong được Sở KH- ĐT tỉnh Thái Bình cấp chứng nhận đăng ký và thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện khung thép công nghiệp và chế tạo một số sản phẩm ở một số khâu phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu” với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 136,7 tỷ. Hiện tại, Trường Phong có trụ sở tại xã Đông Xuân (huyện Đông Hưng - Thái Bình), trên diện tích đất 50.000 m2, có nhà xưởng liên hoàn cùng tòa nhà điều hành đồ sộ.

Theo lời tự giới thiệu trên trang web của mình thì Trường Phong có đội ngũ kỹ sư giỏi, đội ngũ công nhân lành nghề và “Là doanh nghiệp duy nhất ở Thái Bình chuyên thiết kế, gia công chế tạo, cung cấp, lắp dung kết cấu khung nhà thép tiền chế với mọi khẩu độ cho các công trình như: Các nhà máy nhiệt điện, xi măng, nhà kho, nhà trưng bày, triển lãm, nhà thi đấu…và các kết cấu phi tiêu chuẩn theo yêu cầu của khách hàng. Thiết kế, chế tạo, lắp đặt các thiết bị nâng, hạ hàng, sản xuất 1 số khâu đoạn phục vụ ngành công nghiệp đóng tàu…”. Có thể nói, Trường Phong thuộc hàng những công ty lớn nhất ở Thái Bình. Nhưng vì sao đùng một cái, nó biến thành một cái bong bóng xà phòng?

Nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã có lời đáp cho câu hỏi này một cách rất giống nhau, bởi cùng lấy thông tin từ Công an tỉnh Thái Bình. Nhưng theo nhiều nhà doanh nghiệp ở Thái Bình thì vấn đề khác hẳn: Toàn bộ vốn cố định và lưu động của Trường Phong (và hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ) được hình thành từ những khoản vay NH. Trong các dự án, thì doanh nghiệp được NH cho vay (dài và trung hạn) để đảm bảo sản xuất và xây dựng cơ sở. Trường Phong vay của các ngân hàng tổng cộng 162 tỷ. Tuy chưa đến hạn trả nhưng lãi thì bắt buộc phải trả hàng tháng.

Do khủng hoảng, ngân hàng xiết chặt tín dụng, nâng trần lãi suất, nên nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó có xây dựng, rơi vào cảnh chợ chiều. Nhà máy sản xuất cấu kiện thép, vốn gắn chặt với ngành xây dựng của Trường Phong (được cấp đăng ký và thực hiện từ tháng 4/2009) vừa hoàn thành và hoạt động thì rơi ngay vào vòng xoáy của khủng hoảng, vì vậy mà hoạt động rất cầm chừng. Để trả được lãi (hàng tỷ đồng) cho NH, ông chủ của Trường Phong không còn cách nào khác là phải vay ngoài với lãi suất gấp nhiều lần. Lấy lãi cao để trả khoản lãi thấp, tất nhiên là nợ chồng lên nợ.

Thông tin trên của các nhà doanh nghiệp tỉnh lúa là những thông tin “ngoài luồng”, thực hư ra sao còn phải chờ kiểm chứng. Nhưng tôi rất tin rằng đó là những thông tin trung thực. Vì là cùng giới với nhau, các nhà doanh nghiệp nắm nội tình rất rõ. Vấn đề đặt ra ở đây là: nếu NH cứ xiết chặt tín dụng, nâng trần lãi suất mà không dãn nợ cho các doanh nghiệp, thì rất nhiều doanh nghiệp khác sẽ lần lượt chịu chung số phận với Trường Phong.

Tuy vậy, đó chưa phải là đòn quyết định hất Trường Phong ngã nhào. Khi đáo hạn, một ngân hàng đã yêu cầu Trường Phong trả nợ 50 tỷ đồng rồi hứa sẽ cho vay tiếp (đảo nợ). Do tin tưởng, ông Vũ Văn Điệp đã cào cấu vay ngoài số tiền trên với mức lãi 5- 10 ngàn đồng/triệu/ngày (15-30%/tháng) hứa chỉ sau 5-7 ngày sẽ trả. Nhưng thu được nợ rồi, NH trên đã bội tín không cho Trường Phong vay nữa. Và thế là các con nợ ào ào kéo đến Trường Phong để đòi. Không lấy được tiền, họ đã xiết một số tài sản của Trường Phong và đe dọa sẽ giết ông Điệp. Cho đến nay (sau khi đã trả nợ NH trên 50 tỷ) ông Điệp còn nợ 2 NH tổng cộng 112 tỷ và nợ “nóng” bên ngoài 60 tỷ.

Thông tin lại cho chúng tôi vụ việc trên, một nhà doanh nghiệp cho rằng: NH xử sự như vậy, thì doanh nghiệp nào cũng chết. Biết họ bội tín, thì thà không trả, chấp nhận lãi quá hạn còn gượng được. Cùng lắm là chỉ bị NH phát mại tài sản.

Nhà doanh nghiệp trên cũng cho biết, do lo sợ bị các chủ nợ “xử” nên ông Vũ Văn Điệp đã phải ẩn ở một nơi, và nửa đêm gọi điện cho một người bạn ở Bộ Công an, nói nơi mình đang ẩn, nói ý định bỏ trốn, nhờ ông này nói với CA Thái Bình cho lực lượng đến bảo vệ trụ sở Cty Trường Phong, đề phòng bị phá phách. Nhưng vị cán bộ trên đã khuyên ông Điệp đừng trốn, nên chủ động tìm đến cơ quan Công an để trình báo sự việc. Ông Điệp đồng ý. Ngay lập tức, vị cán bộ kia điện cho CA tỉnh Thái Bình đến nơi ông Điệp đang ẩn, đưa ông về trụ sở.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.