| Hotline: 0983.970.780

Vụ vượt ngục khỏi nhà tù kiên cố nhất thế giới

Chủ Nhật 15/07/2018 , 13:15 (GMT+7)

Đào đường hầm ra ngoài để tẩu thoát, giả làm thanh tra lừa cả cai ngục, uốn dẻo thân thể để chui qua lỗ hổng buồng giam là ba trong hàng loạt cách thức mà những tên tội phạm lắm mưu nhiều mẹo đã áp dụng thành công để vượt ngục.

Đào đường hầm

Joaquin "El Chapo" Guzman, 68 tuổi, là một trong những tên trùm ma túy nổi danh nhất Mexico. Y đứng đầu băng đảng Sinaloa khét tiếng, vận hành một đường dây buôn lậu ma túy và rửa tiền trị giá tới hàng tỷ USD, theo Telegraph.

14-13-29_1
Bên trong đường hầm của trùm ma túy Mexico Guzman. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 7/2015, sau khi bị giam khoảng hơn một năm sau song sắt nhà tù Altiplano, cách thủ đô Mexico City của Mexico khoảng 80 km, Guzman đã vượt ngục trong sự ngỡ ngàng của các nhân viên quản giáo, cai ngục. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai y vượt ngục. Lần vượt ngục trước đó, nhà chức trách đã phải mất 13 năm mới có thể bắt được y.

Để qua mắt các nhân viên cai ngục, Guzman đã bí mật đào một đường hầm dài tới 1,5 km từ buồng giam của y ra bên ngoài. Đường hầm có cả hệ thống thông gió và đèn chiếu sáng. Thậm chí, cảnh sát còn tìm thấy một chiếc xe máy chạy trên đường ray làm nhiệm vụ vận chuyển dụng cụ, đất đá.

Chuyên gia cho rằng để hoàn thành đường hầm tinh vi này, Guzman cần sự trợ giúp từ những đồng bọn bên ngoài và phải miệt mài thực hiện công việc trong nhiều tháng.

14-13-29_2
Joaquin "El Chapo" Guzman. Ảnh: Reuters.

Một chiến dịch săn lùng quy mô lúc bấy giờ đã được thực hiện để truy tìm kẻ mệnh danh là Osama bin Laden của Mexico. Tuy nhiên, sau gần hai tháng, Guzman mới lọt lưới cảnh sát. Đầu năm 2017, chính quyền Mexico hoàn tất việc dẫn độ y sang Mỹ như một món quà tỏ thiện chí với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ấy mới đắc cử. 
 

Vụ vượt ngục khỏi nhà tù kiên cố nhất thế giới

Trại cải tạo Liên bang Alcatraz, nhà tù kiên cố bậc nhất thế giới nằm tách biệt trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi thành phố San Francisco, Mỹ, vẫn được mệnh danh là trại giam không ai có thể trốn thoát. Nhưng vào tháng 6/1962, có ba phạm nhân đã phá vỡ danh tiếng ấy của nhà tù Alcatraz.

Clarence Anglin, Jong Anglin và Frank Morris đang phải thụ án với hàng loạt tội danh như cướp ngân hàng, cướp ôtô khi chúng lên kế hoạch tẩu thoát khỏi nhà tù Alcatraz. Chúng đã đục thủng lỗ trên tường buồng giam để thoát thân sau khi làm các hình nhân giả đặt trên giường nhằm đánh lừa nhân viên quản giáo tin rằng cả ba tên đều vẫn say ngủ.

Thoát được khỏi nhà giam thông qua hệ thống ống thông gió, ba tên leo qua hàng rào nhà tù và tự tạo một chiếc bè bằng áo mưa và keo dán công nghiệp. Chúng đẩy chiếc bè xuống dòng nước lạnh của vịnh San Francisco và biến mất vào 22h ngày 11/6/1962.

14-13-29_3
Từ trái qua, Frank Morris, John Anglin và Clarence Anglin. Ảnh: Reuters.

Cơ quan an ninh Mỹ đến nay vẫn chưa tìm thấy tung tích Morris và anh em nhà Anglin. Một cuộc điều tra chính thức của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) kết luận dù có khả năng ba kẻ vượt ngục tới được bờ và tẩu thoát nhưng cơ hội này không cao bởi sóng to khiến việc di chuyển vô cùng khó khăn. FBI cho rằng cả ba tên đều đã chết đuối dưới biển.

Tuy nhiên, câu hỏi về số phận của ba kẻ vượt ngục Alcatraz đến giờ vẫn gây tranh cãi và thu hút hiếu kỳ. Hồi năm 2013, sở cảnh sát San Francisco từng nhận được thư từ một người đàn ông nói mình chính là phạm nhân vượt ngục Alcatraz. Trong thư, người này khẳng định cả ba phạm nhân đều sống sót sau cuộc vượt ngục nhưng chỉ còn duy nhất ông ta sống tới thời điểm đó.
 

"Hãy bắt tôi nếu có thể"

Khi đề cập tới những vụ vượt ngục truyền cảm hứng cho phim ảnh, Frank Abagnale là cái tên không thể không nhắc đến. Cuộc tẩu thoát khỏi nhà tù của trùm lừa đảo quốc tế này đã được dựng thành bộ phim nổi tiếng mang tên “Hãy bắt tôi nếu có thể” (Catch Me If You Can) hồi năm 2002.

Abagnale từng gây ra hàng loạt vụ phạm tội khiến ai nghe qua cũng thấy bất ngờ. Từ năm 16 đến 18 tuổi, Abagnale đã giả danh phi công của hãng hàng không PanAm, Mỹ, nhờ dùng giấy tờ giả và bay khoảng 1.600.000 km trên 250 chuyến bay của nhiều hãng hàng không khác nhau tới 26 quốc gia bằng chính công tác phí từ hãng PanAm.

14-13-29_4
Frank Abagnale năm 1978. Ảnh: Denver Post.

Chưa hết, Abagnale còn từng giả danh thành bác sĩ nhi khoa, giảng viên đại học và luật sư. Lần nào, ông ta cũng hoàn thành xuất sắc vai diễn. Khả năng làm séc giả của Abagnale cũng được liệt vào hạng xuất sắc. Những năm 1960, trong vòng 5 năm, Abagnale đã bỏ túi tới 2,5 triệu USD nhờ đống séc giả của mình.

Abagnale bị kết án 12 năm tù. Năm 1971, một cảnh sát trưởng Mỹ đã vô tình bỏ quên trát bắt giam phạm nhân và chúng chẳng may rơi vào tay Abagnale. Ông ta đã tận dụng cơ hội để lập âm mưu vượt ngục. Abagnale đã thuyết phục quản giáo, lính gác nhà tù liên bang ở Georgia rằng mình thực chất là thanh tra nhà tù ngầm đang làm nhiệm vụ kiểm tra các quản ngục, không phải phạm nhân.

Trong hồi ký, Abagnale cho biết ông đã được đối đãi tốt hơn các phạm nhân khác trong tù nhờ “nhân thân giả”. Kế hoạch vượt ngục bước vào giai đoạn cuối khi Abagnale lập mưu với một kẻ đồng lõa ở bên ngoài mang tên “Jean Sebring”.

Sebring đã làm giả hai tấm danh thiếp, một của đặc vụ FBI và một của thanh tra nhà tù rồi tuồn vào trại giam cho Abagnale.

Trong tù, với tư cách thanh tra, Abagnale yêu cầu các quản ngục gọi điện cho đặc vụ FBI với số ghi trên danh thiếp giả. Khi trại giam thực hiện cuộc gọi, ở đầu dây bên kia, Sebring nhấc máy, đề nghị gặp mặt Abagnale ngay lập tức. Nhờ thế, nhà tù để “siêu lừa” đàng hoàng bước ra khỏi cổng mà không mảy may nghi ngờ.

Tuy nhiên, hai tháng sau, Abagnale bị bắt lại ở Washington DC. Ông ta ngồi tù 4 năm tại Virginia trước khi được ân xá. Abagnale về sau trở thành cố vấn an ninh cho FBI và thành lập công ty chuyên tư vấn an ninh mang tên Abagnale & Associates.
 

Vượt ngục nhờ tập Yoga

Choi Gap-bok, người Hàn Quốc, hồi năm 2012 bị bắt vì tình nghi gây ra cá vụ cướp. 5 ngày bị nhốt trong buồng giam tại đồn cảnh sát, Choi suy tính cách để thoát thân và 23 năm luyện tập Yoga đã giúp ông ta bỏ trốn thành công.

14-13-29_5
Choi Gap-bok và buồng giam nơi y trốn thoát. Ảnh: Yonhap.

Choi đã uốn cơ thể để chui qua khe đưa đồ ăn gần nền đất, phía dưới chấn song, trong lúc các quản ngục đang ngủ. Theo truyền thông Hàn Quốc, Choi cao khoảng 165 cm, lỗ mà ông ta dùng để tẩu thoát chỉ cao 15 cm, rộng 45 cm. Dù vậy, kích thước lỗ hổng không phải vấn đề với Choi. Cuộc đào thoát chỉ diễn ra trong khoảng 34 giây.

Tuy nhiên, 6 ngày sau, Choi bị bắt trở lại. Lần này, họ đưa ông ta vào buồng giam với lỗ đưa thức ăn nhỏ hơn nhiều.

(Kiến thức gia đình số 28)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất