| Hotline: 0983.970.780

Vụ xâu xé hơn 7 vạn m2 đất công có chìm xuồng?

Thứ Năm 07/07/2011 , 11:22 (GMT+7)

Trong suốt gần 10 năm qua, hàng loạt cá nhân trong đó có cả cán bộ của phường Nhơn Phú (Quy Nhơn-Bình Định) đã chiếm hàng vạn m2 đất công ích...

Trong suốt gần 10 năm qua, lợi dụng sự buông lỏng công tác quản lý đất đai của chính quyền, hàng loạt cá nhân trong đó có cả cán bộ của phường Nhơn Phú (Quy Nhơn-Bình Định) đã chiếm hàng vạn m2 đất công ích, xây dựng, sang chuyển nhượng trái phép thu lợi bất chính. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị xử lý từ lâu, nhưng đến nay vụ việc vẫn chìm trong im lặng. 

Ngôi biệt thự do bà Đinh Thị Như Báu xây dựng trên đất lấn chiếm

Tự do thao túng đất công

Phường Nhơn Phú là cửa ngõ ra vào TP Quy Nhơn, trong những năm qua, cùng với tốc độ đô thị hoá, giá đất đai tăng vùn vụt. Chớp lấy cơ hội này, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) đóng trên địa bàn đã nhanh tay hợp thức hoá hàng loạt lô đất công thành đất tư để bán lấy tiền.

Có thể kể ra hàng loạt trường hợp tiêu biểu: Bà Đinh Thị Như Báu, chủ DNTN Tân Phú Quang (Khu vực 5, phường Nhơn Phú) đã chiếm thửa đất số 43 (bản đồ số 35) với diện tích 1.746 m2, thuộc đất công ích do phường quản lý để bán lại cho 5 người khác xây dựng nhà, thu lợi hơn 5 cây vàng. Thấy ngon ăn, vào năm 2004, bà Báu lại chiếm thửa đất số 103 (tờ bản đồ số 8) với diện tích 628 m2 để bán lại với số tiền 300 triệu đồng.

Ngoài ra, bà Báu còn nhận làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang đất ở để mua bán, thu lợi bất chính tại phường Nhơn Phú. Năm 2000, bà đã nhận chuyển nhượng đất lúa được nhà nước giao quyền sử dụng cho 3 hộ nông dân với tổng diện tích 2.995 m2. Đến tháng 2/2004, bà có đơn xin nâng mặt bằng khu đất trên, được UBND phường Nhơn Phú xác nhận và Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn có bút phê “Đồng ý với đề xuất của UBND phường Nhơn Phú là cho nâng mặt bằng để trồng rau sạch và cây ăn quả-nhất thiết không được phép xây dựng nhà trái phép”.

Tuy nhiên, sau khi nâng nền, bà Báu đã phân toàn bộ diện tích đất nói trên thành 4 lô để bán với số tiền hơn 900 triệu đồng. Năm 2006, bà Báu lại được UBND tỉnh Bình Định cho thuê 2.817 m2 đất trong thời hạn 50 năm để xây dựng nhà xưởng sửa chữa ô tô, mua bán phương tiện vận tải. Thế nhưng sau đó, DNTN Tân Phú Quang do bà Báu làm chủ không xây nhà xưởng như mục đích thuê mà lại xây biệt thự và kinh doanh ăn uống, giải khát tại lô đất trên. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, DN này còn chiếm thêm 994 m2 đất trong hành lang bảo vệ đê và đất chưa sử dụng do UBND phường quản lý.

Bà Báu chỉ là một trong số những trùm thâu tóm đất công tại phường Nhơn Phú. Điểm mặt các DNTN đã xâu xé đất công ở đây, có thể chỉ ra như: Năm 2004, ông Thân Đồng (DNTN Đồng Hạnh) chiếm 171 m2 đất công ích để nâng nền, xây nhà cấp 4. Bà Giáp Thị Thanh Lan (GĐ Cty TNHH Lan Thành Công) chiếm 345 m2 đất công ích để xây nhà cấp 4; ông Nguyễn Trực (chủ khách sạn Thanh Trực) chiếm 646 m2 đất công ích của phường để làm bãi đậu ô tô và xây khách sạn 4 tầng…

Trên toàn phường Nhơn Phú có 35 trường hợp sai phạm trong việc quản lý và sử dụng đất công ích với diện tích hơn 38.680 m2 và 18 trường hợp sai phạm trong việc đổ đất, nâng nền, chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 24.827 m2.

Trước sự ngang nhiên xà xẻo đất công của các “ông lớn”, người dân phường Nhơn Phú cũng không “chịu thua”, hè nhau bao chiếm đất công trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Ông Đoàn Quang Khải-Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú cho biết: Từ năm 2001 đến nay, trên toàn phường Nhơn Phú (gồm 8 khu vực) đâu đâu cũng xảy ra sai phạm mà đối tượng là dân địa phương, tính ngót nghét có trên 600 trường hợp. Việc lấn chiếm xảy ra trên nhiều loại đất: đất nông nghiệp, đất công ích, đất chưa chuyển mục đích, đất màu, đất chưa sử dụng, đất do địa phương quản lý...

Chính quyền tiếp tay

Việc lấn chiếm đất công ồ ạt diễn ra trên địa bàn trong thời gian dài, UBND phường Nhơn Phú đã không ngăn chặn mà nhiều lãnh đạo chủ chốt của phường thời điểm đó còn tiếp tay cho sai phạm nên sự việc xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều cá nhân lấn chiếm đất trái phép để bán nhưng lại có được chữ ký xác nhận hợp đồng chuyển nhượng của Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú Huỳnh Văn Phương và PCT UBND phường là ông Huỳnh Ngọc Sơn.  

Ngói đỏ quán, một trong những nơi được Đoàn thanh tra UBND tỉnh Bình Định xác định là do một cá nhân chiếm đất công ích xây dựng trái phép

Tiêu biểu như trường hợp ông Võ Thành Châu (KV8, phường Nhơn Phú) đã chiếm 364 m2 đất tại thửa đất số 395 và 396 tờ bản đồ số 3 (bản đồ 299) do UBND phường Nhơn Phú quản lý và đã bán lại 300 m2 cho 3 hộ khác thu lợi hơn 500 triệu đồng. Cả 3 hợp đồng bán đất của ông Châu đều được lãnh đạo phường ký xác nhận. Ngay đến cả ông Huỳnh Ngọc Sơn, đường đường là Phó Chủ tịch phường cũng tham gia tự nâng nền khu đất trồng lúa của mình có diện tích hơn 1.136 m2 để chia thành 3 lô và bán được số tiền 420 triệu đồng cho người khác xây dựng nhà và trồng cây cảnh.

Ông Đoàng Quang Khải- Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú:

“Ngoài những cá nhân sai phạm trong lấn chiếm đất công ở phường Nhơn Phú còn có 4 người nguyên là lãnh đạo chủ chốt của phường Nhơn Phú đang trong ‘tầm ngắm” của cơ quan điều tra là ông Võ Ngọc Toán-nguyên Bí thư Đảng ủy phường, ông Huỳnh Văn Phương-nguyên Chủ tịch UBND phường, ông Huỳnh Ngọc Sơn-Phó Chủ tịch UBND phường và ông Trần Hữu Chí-nguyên cán bộ địa chính phường”.

Đáng lưu ý, bên cạnh việc UBND phường Nhơn Phú xác nhận sai nguồn gốc đất dẫn, cơ quan quản lý nhà nước địa bàn là Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn và Sở Xây dựng đã quan liêu, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát nên đã tham mưu cho UBND TP Quy Nhơn và UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà và quyền sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về quỹ đất và thất thoát ngân sách Nhà nước, với tổng diện tích sai phạm lên đến 72.318 m2 (gồm 67 trường hợp)…

Vẫn chưa xử lý rốt ráo

Sau khi nhận được nhiều đơn thư phản ánh của nhân dân địa phương, tỉnh Bình Định đã thành lập đoàn thanh tra và đã có kết luận về những sai phạm trên địa bàn này. Cơ quan thanh tra cũng đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Công an tỉnh Bình Định để điều tra làm rõ. Ngày 8/10/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã ký quyết định nhất trí với kiến nghị của thanh tra và yêu cầu các đơn vị, cơ quan có liên quan xử lý rốt ráo.

Vậy nhưng, đã hơn 3 năm qua, vụ việc vẫn đang khê đọng, trong khi người dân địa phương thì vẫn hằng ngày mong đợi luật pháp được thực thi. Trong đó, không ít người cực đoan đã cho rằng, vụ việc này đang trên đà "chìm xuồng". Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Trung Thành- Phó GĐ Sở TN-MT Bình Định khẳng định: “Hiện vụ việc sai phạm đất đai tại phường Nhơn Phú vẫn đang được cơ quan điều tra tiến hành làm rõ. Tùy mức độ vi phạm của các đối tượng, cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh để có hình thức xử lý”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm